Xã hội cần thay đổi định kiến với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL); các trường này cần có cơ chế tài chính riêng hay việc phân cấp giao quyền nhiều cho các trường đại học... là những đề xuất được nhiều nhà quản lý giáo dục chỉ ra như những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ NCL phát triển.
Tìm kiếm sự bình đẳng trong cạnh tranh
Theo báo cáo của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, hiện nay cả nước đã có 81 trường ĐH, CĐ NCL, đào tạo cho 14,7% trong tổng sinh viên cả nước, giúp Nhà nước tiết kiệm khoản ngân sách đào tạo với số nhân lực này. Phần lớn các trường ĐH, CĐ về cơ bản đã vượt qua tình trạng tạm thời thuê mướn trường sở; bằng nhiều biện pháp từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ cơ hữu; chủ động tiếp thu và tiếp cận nhanh với các chương trình đào tạo tiên tiến. Nhiều trường chú trọng bổ sung các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm... cho sinh viên.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, vẫn còn một số rào cản cho sự phát triển của hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL. Đó là tình trạng thiếu đất xây trường, phải nộp thuế, bị định kiến, khó tuyển sinh do cạn nguồn tuyển, thiếu nhiều văn bản pháp quy cần thiết có liên quan. Bản thân cộng đồng trường NCL chưa có đủ thời gian tự khẳng định vị thế của mình trong xã hội thông qua chất lượng đào tạo và thành tựu nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Một số trường do áp lực tài chính, có khi do chạy theo lợi ích trước mắt mà đã có một số sai phạm khiến định kiến của xã hội càng nặng thêm.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết, bên cạnh những khó khăn này còn có sự cạnh tranh giữa các trường công lập với các trường NCL thông qua việc Nhà nước bao cấp chi phí đào tạo và các ưu đãi khác cho sinh viên học trường công lập; giữa các trường có yếu tố nước ngoài với các trường của Việt Nam qua việc ưu đãi về quyền tự chủ.
Vì vậy, theo GS Trần Hồng Quân, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, đến năm 2020 là có 40% sinh viên cả nước thuộc nhóm các trường NCL sẽ khó đạt được.
GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho rằng việc để các trường công tuyển tận điểm sàn đã khiến thị phần của trường tư bị thu hẹp. Đây là một cuộc cạnh tranh không cân sức của trường tư với trường công và căng thẳng gia tăng quyết liệt khi hệ thống các trường ĐH liên tục được mở rộng và lấy thí sinh đến tận điểm sàn. Còn GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long cho biết, tiền đầu tư để mở trường trung bình hiện nay khoảng 200 tỉ đồng, chỉ đủ xây dựng cơ sở vật chất chứ chưa có tiền đền bù đất và đầu tư thiết bị dạy học, trong khi lãi suất vay ngân hàng là 21%/năm. Chưa kể đến bây giờ, ngoài quy chế ban hành và giấy phép cho mở trường thì Nhà nước chưa có hỗ trợ gì khác.
Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do để sinh viên cũng như phụ huynh không chọn các trường ngoài công lập: cơ sở vật chất hạn chế, đội ngũ cán bộ giảng viên mỏng, vào trường dân lập phải gánh 100% chi phí đào tạo trong khi các trường công lập được Nhà nước hỗ trợ tới 70% chi phí này. Vì thế nên dù chất lượng đào tạo của các trường công mới thành lập kém hơn hẳn nhiều trường dân lập nhưng vẫn được thí sinh lựa chọn.
Tăng quy mô là hợp lý
Đánh giá về hướng đi của các trường ĐH, CĐ NCL trong thời gian tới, ông Phạm Sỹ Tiến, đại diện Hội đồng quản trị Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng nên xây dựng một cơ chế tài chính riêng bao gồm cả loại hình lợi nhuận và phi lợi nhuận, không buộc thực hiện cơ chế tài chính của doanh nghiệp. Trường tư phải có tính ổn định hơn so với doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể phá sản nhưng trường tư thì không được phép. Trường tư cũng cần được miễn thuế cho các khoản tái đầu tư trong xây dựng cơ sở vật chất. Đánh thuế vào các trường tư là đánh thuế vào người học.
GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long cũng cho rằng, muốn thay đổi định kiến với các trường NCL, cần phải xuất phát từ cả người dân và cấp quản lý. Nhà nước cần có cái nhìn chuẩn xác hơn với những đóng góp của trường NCL trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, còn phía xã hội cũng dần thay đổi nhìn nhận về chất lượng với các trường NCL.
Đánh giá chung về tình hình phát triển các trường ĐH, CĐ NCL, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2006 có 45 trường ĐH, CĐ NCL, đến nay cả nước đã có 82 trường ĐH, CĐ NCL, tốc độ tăng trưởng như thế là hợp lý. Do số lượng các trường ngoài công lập tăng lên như thế nên mạng lưới các trường ĐH, CĐ chung của Việt Nam có sự thay đổi về chất. Việc tăng số lượng các trường NCL, các trường có yếu tố nước ngoài cũng làm tăng sức ép lên các cơ quan quản lý. Điều này làm cho nhận thức của những người trong ngành và nhận thức chung của xã hội về ĐH, CĐ NCL, về tổ chức đào tạo trong các nhà trường, tổ chức quản lý cũng phải thay đổi.
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sau khi có ý kiến của Thủ tướng, Bộ GD - ĐT đã cho triển khai một số hoạt động để đổi mới mô hình quản lý, chỉ đạo ngành phát triển theo hướng chất lượng. Nghị định 115 về phân cấp giao nhiều quyền cho các trường ĐH; việc mở ngành, mở trường cũng công bố rõ ràng quy định, các trường làm tốt thì khen thưởng, không tốt thì phạt; Bộ GD- ĐT sẽ minh bạch các chính sách, đường lối, đồng thời yêu cầu nhà trường cũng phải công khai minh bạch; chỉ tiêu tuyển sinh cũng giao cho các trường dựa trên quy định chung về đảm bảo chất lượng… Như vậy, một mặt sẽ giao nhiều quyền cho các hiệu trưởng nhà trường nhưng cùng với đó là tăng cường rất mạnh việc thanh tra kiểm tra và xử lý rất nghiêm khắc.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện nếu có gì bộc lộ chưa đúng, chưa đủ thì có thể phản ánh để cùng xem xét thảo luận và tìm cách tháo gỡ”./.
Theo Tintức