Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Tư, 5/10/2011 9:3'(GMT+7)

Cán bộ đi trước, làng nước theo sau

Trạm Y tế xã Ia O.

Trạm Y tế xã Ia O.

 
Ia O là xã vùng III, cách trung tâm huyện lỵ 50 km, với 2.643 ha đất nông nghiệp. Toàn xã có 9 làng, 2.200 hộ gia đình và gần 8000 nhân khẩu, 90% là đồng bào dân tộc Ja rai. Ia O có 6 km đường biên giới giáp với Campuchia. Từ các chương trình đầu tư của Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Ja rai ở Ia O ngày càng phát triển. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tập trung định hướng cho nhân dân đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Nhà nước quan tâm chăm lo đầu tư nhiều tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hoá, phục hồi nghề truyền thống. Xã tiếp nhận nguồn vốn Chính phủ hàng chục tỷ đồng đầu tư hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các hộ nghèo; xây dựng hệ thống công trình nước sinh hoạt tập trung ở nhiều làng.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Thành Chung - Phó Bí thư Đảng ủy xã, một cán bộ Đồn biên phòng 717 tăng cường giúp xã theo Nghị quyết của Đảng ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh từ năm 2000 phấn khởi cho biết: Từ khi đồng bào Ja rai ở Ia O định cư ở các làng, đến nay tổng diện tích lúa nước đã có 200 ha, đạt 115% kế hoạch của xã. Cách đây 10 năm khi mới về tăng cường cho xã, anh đã vận động người dân làm lúa nước bằng cách tự mình làm trước cho bà con học theo, từ chỗ ban đầu chỉ có 7,6 ha lúa nước, đến nay người dân đã nhận thức được, tự thuê máy khai hoang để làm lúa nước, nhiều hộ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khai hoang, điển hình là bà con Ja rai ở làng Dăng. Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể tuyên truyền vận động đồng bào sản xuất đa canh, trồng cây công nghiệp xen với lúa, hoa màu để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Mô hình Đồn biên phòng, bộ đội giúp dân kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cao su đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Năm 2010, toàn xã đã trồng mới 250 ha cao su tiểu điền. Ngoài việc gieo trồng các loại cây lương thực, hoa màu, đồng bào đã biết trồng và chăm sóc các loại cây công nghiệp dài ngày, người dân nay đủ ăn, đủ mặc, đã có tích lũy, làm giàu cho gia đình, cho quê hương.

Anh Ksor Khiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia O cho tôi biết, để ổn định hệ thống chính trị trên địa bàn xã, nâng cao trình độ cho cán bộ xã, Đảng ủy đã tạo điều kiện cử cán bộ đi học. Toàn xã cũng có 6 chi bộ thôn, làng với trên 100 đảng viên. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, xóa làng trắng đảng viên được Đảng ủy xã luôn quan tâm, phát triển nguồn. Để giúp nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, các chi bộ làng phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ cho từng nhóm hộ gia đình; mỗi đảng viên phải phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu trong chuyện làm ăn, giúp đỡ cho các hộ gia đình khác về cách làm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đến thăm làng Dăng, anh Ksor Lới, chủ nhân của 1,5 sào cao su luôn miệng cảm ơn cán bộ đã tuyên truyền cho anh và bà con hiểu lợi ích của cây cao su khi nhận đền bù cây cao su thay vì nhận tiền. Với chủ trương đền bù 1000 ha đất sản xuất cho đồng bào Ja rai của Công ty 75 và 715 bằng cây cao su, nếu hồi trước anh nhận tiền đền bù 21 triệu đồng/ 1 ha thì đã tiêu hết số tiền đó, nhưng giờ đây với 700 cây cao su, hàng tháng anh thu nhập 15 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tiêu dùng hàng ngày, thuê mướn thêm nhân công làm, gia đình còn tích lũy được khoản tiền dùng vào những việc cần thiết khác. Rất nhiều gia đình ở làng Dăng và các làng khác ở xã Ia O đã giàu lên nhờ chủ trương đúng đắn này.

Cùng với việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá xã hội, an ninh trật tự ở xã Ia O trong những năm gần đây cũng được giữ vững. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Hiện nay, cả xã đã có 3 trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng khang trang. Tỷ lệ duy trì sĩ số đạt trên 90%. Công tác y tế, dân số được triển khai thực hiện tốt.

Điều đáng mừng là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư đã được triển khai thực hiện một cách hiệu quả ở xã Ia O, người dân tích cực tham gia cuộc vận động thông qua việc xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khôi phục lại các nghề truyền thống của đồng bào Ja rai. Đã có 4 làng là làng Dăng, Bi, O, Mít, Jép đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Tình trạng vượt biên ở xã từ trước năm 2008 còn diễn biến rất phức tạp, nhưng đến nay đã giảm hẳn. Bộ đội biên phòng Đồn 717 phối hợp với chính quyền thành lập các Tổ tự quản ở các thôn, làng để ổn định tình hình chính trị và giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.


Thanh Long/ĐĐk

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất