Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 24/9/2011 20:9'(GMT+7)

Huyền thoại một con đường không dấu vết trên biển

Các chiến sỹ của tàu "Không số" chụp ảnh với Bác Hồ vào cuối năm 1960. (Nguồn: Internet)

Các chiến sỹ của tàu "Không số" chụp ảnh với Bác Hồ vào cuối năm 1960. (Nguồn: Internet)

 50 năm đã trôi qua kể từ ngày chuyến tàu “Không số” đầu tiên rời cảng Hải Phòng chuyển vũ khí vào cho tuyền tuyến lớn miền Nam, thời gian có thể bào mòn những bến tàu, làm mục nát những cột buồm, han rỉ những vỏ tàu sắt; những chiến sỹ tàu không số năm xưa người còn sống cũng đã ở tuổi lên lão, nhưng những huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Bác, vẫn còn nguyên vẹn với thời gian, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện ý chí và sức sáng tạo Việt Nam.

Con đường của ý chí và khát vọng

Lịch sử đã chứng minh việc triển khai tuyến vận tải biển của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là một quyết định đúng đắn mang tầm nhìn chiến lược của Đảng và Hồ Chủ tịch, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thể hiện ý chí khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc.

Cùng với tuyến Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, sự ra đời của những con tàu “Không số” làm công tác vận tải trên biển, nối liền hậu phương miền Bắc với tuyền tuyến lớn miền Nam nói lên ý chí quyết tâm của quân và dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập, thống nhất cho dân tộc.

"Đường Hồ Chí Minh trên biển" đã hỗ trợ, bổ sung chi viện kịp thời cho miền Trung Nam Bộ, Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nơi tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn-đường mòn Hồ Chí Minh chưa vươn tới, góp phần quan trọng đưa đến chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Mỗi chuyến tàu dời bến là một lần đối mặt với bão tố, hiểm nguy nhưng các chiến sỹ đoàn tàu “Không số” vẫn dũng cảm đối phó với những âm mưu ngăn chặn, đánh phá ác liệt của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hàng hóa, bảo vệ sự bí mật của tuyến đường. Các chiến sỹ đoàn tàu “Không số” trước mỗi chuyến đi đều dự lễ truy điệu sống đồng đội và chính mình, sẵn sàng chấp nhận trở thành những người vô danh, không tên tuổi, quê quán, âm thầm thực hiện nhiệm vụ bí mật vì miền Nam thân yêu, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Lớp lớp cán bộ, chiến sỹ, nhân dân ở các điểm bến đón hàng đã không quản hiểm nguy, vượt qua sự kiểm soát ngặt nghèo của Mỹ-ngụy, vận chuyển, cất giấu hàng hóa trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ tàu, bảo vệ hàng và sự an toàn của bến bãi.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Hiệu, Chính trị viên tàu 645, Thuyền trưởng tàu Nguyễn Phan Vinh và 14 đồng đội trên tàu 125 đã dũng cảm hy sinh cùng tàu, quyết không để kẻ thù thu được hàng hóa… là một trong những rất nhiều tấm gương sáng ngời ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của chiến sỹ "Đường Hồ Chí Minh trên biển."

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đánh giá: "Đường Hồ Chí Minh trên biển" đã và sẽ mãi mãi trở thành biển tượng của ý chí sắt đá, lòng dũng cảm, sức sáng tạo phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

“Đường không dấu - tàu không số”: Sự sáng tạo Việt Nam

"Đường Hồ Chí Minh trên biển" - con đường không dấu được hình thành từ những con tàu “Không số” là kết quả của những sự sáng tạo độc đáo: sáng tạo từ phương tiện cách thực thực hiện và cả nguồn nhân lực làm nhiệm vụ vận tải.

Đoàn 125 với phương châm “vừa học vừa làm và rút kinh nghiệm, táo bạo, bí mật, bất ngờ” đã trưởng thành cùng thực tiễn cách mạng, phát triển đội tàu của mình từ những con tàu gỗ dùng buồm, rồi tàu gỗ gắn máy và sau đó là những chiếc tàu vận tải vỏ sắt có trọng tải lớn.

Những chiếc thuyền gỗ được ngụy trang thành tàu cá với hai lớp đáy chứa hàng dần được thay thế bằng những tàu vận tải cỡ lớn dưới vỏ bọc tàu dầu, tàu thương mại nước ngoài, vượt qua tầng tầng lớp lớp hệ thống hải quân tuần tiễu của Mỹ, ngụy để đưa hàng đến bến an toàn.

Các tuyến đường được thay đổi linh hoạt, tùy theo thực tế theo những cung, tuyến khác nhau, kết hợp giữa bí mật và công khai vượt qua sự kiểm tỏa gắt gao của Hạm đội 7 Mỹ, hệ thống tàu Hải quân dày đặc của quân ngụy để nối liền miền Bắc với miền Nam ruột thịt.

Để làm nên con đường huyền thoại trên Biển Đông, công tác đào tạo cán bộ, thủy thủ đoàn được tiến hành khẩn trương và sáng tạo, độc đáo như tập lấy hướng, lái tàu bằng phương pháp hàng hải thiên văn, địa lý… nhờ đó những chiến sỹ tàu “Không số” có thể ngụy trang thành tàu cá địa phương, có thể vượt biển trong những ngày dông bão mà không cần có hải đồ, la bàn.

Những chiến sỹ đa phần chỉ xuất thân từ những chàng trai vùng biển chưa kinh qua bất cứ lớp đào tạo hàng hải cơ bản nào, bằng ý chí kiên cường và sự sáng tạo cách mạng đã làm Phó Đô đốc Hải quân ngụy Nguyễn Hữu Chí sửng sốt thốt lên: “Trên thực tế đối phương đã sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đường biển…”

Các con số biết nói về những con tàu “Không số”

Trong 15 năm tồn tại, "Đường Hồ Chí Minh trên biển" đã phát triển thành một hệ thống với 5 tuyến đường khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ. Tuyến dài nhất có độ dài trên 3.500 hải lý, bắt đầu từ cảng Hải Phòng qua eo biển phía Bắc đảo Hải Nam Trung Quốc đi ra khu vực biển Bắc Philippines và Hong Kong, vòng qua đông Trường Sa xuống ven biển Malaysia, qua vịnh Thái Lan vòng về vùng biển Tây Nam Bộ.

Từ 1961-1975, Đoàn 125 - Bộ đội "Đường Hồ Chí Minh trên biển" đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, đi gần 4 triệu hải lý trên biển, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và 80.026 lượt cán bộ chiến sỹ từ Bắc vào Nam. Các chiến sỹ đoàn tàu “Không số" hơn 30 lần trực tiếp chiến đấu với tàu địch, đánh trả hơn 1.200 lượt máy bay tập kích.

Trong các lần chạm trán với Mỹ, ngụy, 19 tàu “Không số” và 700 tấn hàng bị phá hủy. Tuy nhiên, hiệu quả vận chuyển trên tuyến "Đường Hồ Chí Minh trên biển" vẫn rất cao như giai đoạn 1961-1971 đạt hiệu suất tới 93%, vượt xa so với tuyến đường vận tải Trường Sơn.

Hơn 90 liệt sỹ, những người con ưu tú của đoàn tàu “Không số” đã ngã xuống trên biển, trong đó duy nhất một người tìm được hài cốt. Đoàn 125 hai lần được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 8 cá nhân và 5 tàu được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Đánh giá về "Đường Hồ Chí Minh trên biển," cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khẳng định: Năm tháng có thể qua đi, nhưng chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên Biển Đông, của những con tàu “Không số,” của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam.

Nửa thế kỷ đã qua, những chứng tích về những con tàu “Không số” đã mai một cùng với thời gian, nhưng những kỳ tích năm xưa về một con đường huyền thoại trên biển thời chống Mỹ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của những con tim người Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và là tấm gương, động lực thúc đẩy lớp con, cháu vững vàng tay súng gìn giữ sự an bình, toàn vẹn vùng biển, đảo Tổ quốc hôm nay./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất