Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 2/2/2012 20:51'(GMT+7)

Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng: Xuân mới trên quê hương ATK Định Hóa

Trở lại Định Hóa trong những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của diện mạo nông thôn nơi đây. Những còn đường nhỏ hẹp, lầy lội trước đó đã được trải nhựa hoặc bê tông phẳng lì, nhiều ngôi mới to đẹp mọc lên san sát dọc các trục đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã. Đặc biệt hơn, trên khắp các thửa rộng, triền đồi đang được phủ kín bởi một mầu xanh mơn mởn của lúa bao thai đặc sản, của chè và của những diện tích rừng sắp tới tuổi khai thác. Những dấu hiệu về một cuộc sống sung túc, đủ đầy của người dân vùng chiến khu xưa đang ngày càng hiện rõ…

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là phát triển nông lâm nghiệp để từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu là hướng đi chủ lực ở vùng đất ATK Định Hóa. Vì thế, trên đất chiến khu hôm nay đã có không ít những nông dân tỷ phú. Chúng tôi đã gặp "vua rừng" Hoàng Đình Đoàn ở bản Đồng Va, xã Đồng Thịnh với tổng diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng của gia đình lên tới 150 ha rừng - nhiều nhất huyện Định Hóa. Tuy mới khai thác chặt tỉa nhưng vườn rừng của ông đã cho giá trị kinh tế ước tính hàng tỷ đồng. Ông Đoàn cho biết, cả cuộc đời gắn bó với núi rừng nên mong ước của ông muốn biến những cánh rừng hoang vu trở thành "rừng vàng" đã trở thành hiện thực khi "bắt gặp" cơ chế khuyến khích người dân khoanh nuôi và trồng rừng của huyện. Từ năm 1995, ông bắt đầu cải tạo diện tích rừng tạp của gia đình để trồng thay thế bằng các loại rừng trồng như keo, bạch đàn, mỡ…Không những thế, ông còn tích cực mua lại những diện tích rừng nghèo kiệt ở địa phương để cải tạo và trồng, nhận khoanh nuôi bảo vệ với Ban Quản lý rừng của huyện. Hơn 15 năm bền bỉ, tận tụy như thế, ông đã có gần 150 ha rừng và có "của ăn, của để" từ rừng... Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có cả trăm gia đình có trang trại rừng với quy mô hàng chục ha trở lên như gia đình bà Nguyễn Thị Huấn, bản Nà Làng, xã Lam Vỹ có gần 80 ha rừng; ông Nông Đình Thân, bản Nà Chúa, xã Đồng Thịnh có 60 ha; ông Hoàng Văn Sơn, xã Phú Tiến có hơn 20 ha…

Xác định lâm nghiệp là thế mạnh, cũng là lĩnh vực giúp người dân thoát nghèo, những năm qua huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trồng mới và khoanh nuôi bảo vệ rừng như: hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho người dân theo dự án trồng rừng 661, phát triển giao thông và tạo cơ chế thông thoáng trong khai thác rừng… Năm năm qua, huyện đã trồng mới được 4.900 ha rừng, vượt 1.500 ha so với kế hoạch, cấp phép khai thác hàng nghìn m3 gỗ sản xuất. Riêng năm 2011, huyện đã trồng mới được hơn 1.000 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng lên gần 60%.

Cùng với lâm nghiệp, Định Hóa tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp được coi là thế mạnh. Đặc trưng của địa phương là cây chè, chăn nuôi gia súc lớn và sản xuất lúa bao thai hàng hóa. Điều đáng ghi nhận là người nông dân đã chủ động áp dụng khoa học – kỹ thuật để giảm thiểu công lao động, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua tăng năng suất và chất lượng. Đi giữa vùng chè chuyên canh phía Nam của huyện, không khó để thấy các loại máy hái, cắt chè, hệ thống tưới nước bằng van xoay…được sử dụng phổ biến. Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có 3.300 ha chè, trong đó có 2.900 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt trên 21 nghìn tấn, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến chè trên địa bàn. Một số xã thuộc diện "thâm sơn cùng cốc" trước đây như: Điềm Mặc, Bình Yên, Phú Đình, Sơn Phú... nay đã trở thành những vùng chè nguyên liệu trọng điểm, cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha/năm. Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã trồng mới và thay thế được 455 ha chè cành. Cùng với cây chè, hiện toàn huyện có 56 trang trại, trong đó có hơn 30 trang trại tổng hợp và chăn nuôi gia súc lớn. Huyện cũng hình thành vùng sản xuất lúa bao thai hàng hóa tại 16 xã, với quy mô gieo cấy trung bình mỗi năm hơn 1.500 ha...

Ông Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định nông nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn, huyện luôn tập trung các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp. 5 năm qua, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới và cải tạo các công trình thủy lợi, trong đó có các công trọng điểm như hệ thống thủy lợi sau hồ Bảo Linh, cải tạo đường ống hồ Làng Gầy, xã Phúc Chu; kiên cố hóa gần 50 km kênh mương…Huyện cũng có nhiều chính sách để định hướng, khuyến khích người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác…Từ đó, giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt ở Định Hóa đã đạt gần 50 triệu đồng, bình quân lương thực đạt gần 550 kg/người/năm. Vụ xuân 2011, năng suất lúa của huyện đạt 58 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay…Định Hóa đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử dựa trên việc bảo tồn, phát huy các di tích vùng ATK, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản, xây dựng các làng nghề, làng văn hóa dân tộc truyền thống…, góp phần đưa quê hương cách mạng ngày một giàu đẹp, trù phú.

Rời miền đất ATK lịch sử trong tiết mưa xuân lây phây và không khí náo nhiệt của hội lồng tồng Định Hóa - hội xuống đồng lớn nhất vùng Việt Bắc, ai cũng thấy lâng lâng cảm giác tự hào, lạc quan về một miền quê cách mạng đang từng ngày đổi mới, phát triển./.

(Hoàng Thảo Nguyên/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất