Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 19/8/2014 21:49'(GMT+7)

Ký ức về những ngày khai trường

Khai trường. Ảnh minh họa

Khai trường. Ảnh minh họa


Nhớ lại ngày khai trường đầu tiên, khi tôi còn là cô bé lên 6, ngập ngừng được mẹ dắt đến trường cấp I. Khi cánh cổng trường mở ra, tôi như cảm thấy biết bao điều mới mẻ bởi mọi thứ đều lạ lẫm mà hấp dẫn một tâm hồn non nớt… Đó là năm 1972, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt. Trong trí nhớ của tôi lúc ấy, liền sau khai giảng đầu tiên ấy là những ngày liên miên học trong hầm chữ A, khi thì học ở chùa. Những nét chữ đầu tiên tôi cũng được cô giáo “vỡ lòng” dạy trong những căn hầm chữ A, những mái đình mái chùa thân yêu đó… Vì thế, trước khi lên lớp 1 chúng tôi đã đọc thông viết thạo. Bài tập đọc đầu tiên tôi nhớ như in là Thư Bác Hồ gửi cho học sinh nhân ngày khai trường”. Lúc đó tôi không nhớ được toàn bộ bức thư nhưng có một câu làm tôi không quên: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không? Dân tộc Việt nam có được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”. Trong trí nhớ non nớt của một cô bé 6 tuổi, tôi chưa hiểu thế nào là “non sông”, “dân tộc”, nhưng bố mẹ cho biết tôi được cắp sách tới trường là hơn hẳn bố mẹ rồi, vì ngày xưa bố mẹ biết chữ là nhờ có phong trào bình dân học vụ “diệt giặc dốt”, chứ nếu không thì chắc không bao giờ biết đọc, biết viết.

Rồi biết bao mùa khai trường khác nữa lại đến… Nhưng tôi không quên khai trường năm 1975. Một mùa khai trường của nước Việt Nam thống nhất. Cả sân trường tràn ngập cờ hoa, người nào người nấy khuôn mặt rạng rỡ. Một khai trường cả đất nước Bắc - Nam một nhà. Chúng tôi đều hát vang bài ca “Như có Bác trong ngày đại thắng” với tâm trạng náo nức phấn khởi. Lúc này tôi đã là học sinh lớp 4 (Lớp cuối cấp 1 cũ). Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng nhận thấy những đổi thay trong làng xã. Bao thanh niên đã ra đi mà không trở về. Có một số người, sau chiến thắng khoác ba lô về quê và được chào đón như một anh hùng. Trong số các thầy giáo trường tôi, có  thầy chống nạng gỗ lên lớp, có thầy bị mất một cánh tay. Cô hiệu trưởng gọi các thầy là những thương binh, những người anh hùng. Sau này tôi mới biết các thầy trước khi đi bộ đội cũng đã tốt nghiệp trường sư phạm, theo tiếng gọi của Tổ quốc đã tạm gác bút nghiên, khoác ba lô lên đường chiến đấu. Nay đất nước hoà bình lại trở về tiếp tục sư nghiệp trồng người cao cả.

Khai trường năm 1984, tôi đã là một sinh viên trường Sư phạm.        Tôi tham gia cùng sinh viên các khoa khác. Chúng tôi đã có một chương trình văn nghệ chào mừng khai giảng hoành tráng, với sự nhiệt tình của tuổi trẻ, mong muốn sẽ được cống hiến hết sức mình cho đất nước, thực hiện hoài bão ước mơ. Bài hát “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” được tôi hát say sưa với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ. “Từ một cô gái ngoại ô thành phố, bao tháng bao năm em hằng ước mơ, được cùng chị cùng em bay tới những chân trời khoa học bao la…” là tâm sự của tôi lúc đó…

Năm 1987, tôi đón khai giảng đầu tiên tại một ngôi trường “xứ Đoài mây trắng” trên cương vị một người giáo viên. Thật xúc động và tự hào vì từ đây tôi đã được tham gia góp sức vào sự nghiệp trồng người của đất nước. Lần đầu tiên, đứng trước bao học trò và đồng nghiệp, tôi đã hát “Uớc muốn ngày nào ôm ấp trong tim mai đây là cô giáo. Kìa đôi mắt tròn xinh của đàn em thơ ngây, hôm nay tôi đứng đây trong niềm mơ ước lớn…”

Biết bao đêm miệt mài bên trang giáo án, tôi thầm hát “Những ánh sao trên bầu trời đêm nay, và từng đêm bên ánh đèn khuya, đã cùng em soạn từng trang giáo án, để mai đến trường ngôi sao nhỏ hoá thành mắt em”. Và tôi nguyện trở thành người thầy tốt, vừa giảng dạy vừa không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn. Bởi tôi muốn không chỉ lời ca tiếng hát mà còn kiến thức, tâm hồn nhân văn của cha ông, nhân loại cũng sẽ đem đến cho các em những ước mơ tốt đẹp bên cạnh kho tri thức tự nhiên, xã hội bao la. Tôi không ngừng phấn đấu trong chuyên môn nghiệp vụ, để nhiều lần được nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, được giải trong các kỳ thi giáo viên giỏi. Rồi tôi được kết nạp Đảng, tôi tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn.

Mùa khai trường năm 2008. Lần đầu tiên tôi được trở thành giáo viên Thủ đô. Mặc dù trước đó đã có thời kỳ Hoài Đức thuộc Hà Nội nhưng khi ấy tôi chỉ là học sinh, sinh viên. Nay được trở thành giáo viên Thủ đô, tôi càng phải phấn đấu hơn. Một điều gì đó thầm nhắc nhở chúng tôi như vậy, cho xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá của Hà Nội. Chúng tôi càng cần phải rèn luyện mình về nghiệp vụ và năng lực chuyên môn hơn nữa.

          Rồi tôi được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng và được phân công về một trường mới tách, khó khăn nhất huyện Hoài Đức. Tôi hiểu đây là một thử thách của tổ chức để tôi khẳng định năng lực quản lý của mình. Năm 2009, lần đầu tiên tôi đón khai giảng trên cương vị một người quản lý, biết bao trọng trách đến với mình. Tôi đón khai trường năm đó tại một ngôi trường còn thiếu thốn trăm bề về cơ sở vật chất, trường sở còn nghèo nàn, chỉ có tinh thần học tập của học sinh là mãi vẫn hăng say. Tôi thầm cảm ơn đồng nghiệp và học sinh của tôi đã cùng chung tay gây dựng ngôi trường thân yêu.

       Năm 2014, một mùa khai trường nữa lại đến. Tôi đón khai trường trên cương vị một hiệu trưởng. Phấn khởi vì thầy trò trường tôi được đón khai giảng trong một ngôi trường bề thế hơn, có thêm một khu hiệu bộ và các phòng chức năng, phòng bộ môn khang trang với 32 phòng mới xây. Các cấp các ngành cũng đã quan tâm đến nhà trường và trang bị đầy đủ nội thất bên trong với hơn 200 bộ bàn ghế đóng mới và nhiều trang thiết bị khác của các phòng học thực hành bộ môn. Trường chúng tôi sẽ được quy hoạch để xây dựng trường Chuẩn quốc gia giai đoạn tới.

        Vậy là đã nhiều mùa khai trường qua đi, tôi cũng đã đón khai giảng trên nhiều cương vị, với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Trong ngày khai trường năm nay, bên cạnh niềm vui cùng thầy trò cả nước, chúng tôi còn có thêm nhiều niềm vui mới. Chúng tôi thầm hứa sẽ thực hiện 3 nhiệm vụ của chủ đề năm học: “Mỗi người thầy là 1 tấm gương đạo đức, tự học, và  sáng tạo”.

          Trước niềm vui vô bờ của ngày khai trường này, lòng tôi dâng trào một cảm xúc khó tả. Nhìn đàn em thơ mắt sáng ngời, vai mang khăn quàng đỏ hồ hởi đến lớp, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn với việc đưa đơn vị mình sớm trở thành trường tiên tiến, góp phần chung vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tôi lại dạy các học trò của mình phải ghi nhớ lời Bác dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không? Dân tộc Việt nam có được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu…”.

Nguyễn Thị Diệp
Hiệu Trưởng trường THCS Di Trạch - Hoài Đức - Hà Nội


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất