Thứ Hai, 18/8/2014 14:51'(GMT+7)
Thi đại học 2015: Bỏ "ba chung", nhiều trường tổ chức thi riêng
Theo phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với vai trò “hai trong một” thì “vấn đề gay gắt đặt ra là có yên tâm để sử dụng kết quả đó để tuyển không?”
Không đánh giá cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương năm 2015 sẽ lấy kết quả kỳ thi này để làm cơ sở xét tuyển đại học, lãnh đạo nhiều trường đại học khẳng định sẽ tổ chức thi riêng.
Không tin chất lượng
Theo phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với vai trò “hai trong một” thì “vấn đề gay gắt đặt ra là có yên tâm để sử dụng kết quả đó để tuyển không?”
Chia sẻ lo lắng này, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long Phan Huy Phú khẳng định: “Hiện nay và trong một vài năm tới, các trường đại học chắc chắn chưa thể tin tưởng nếu để địa phương tổ chức thi dù Bộ có huy động giảng viên đại học vào công tác coi, chấm thi.”
Phân tích sâu hơn, đại tá Nguyễn Quý Khoát, Phó Hiệu trưởng Đại học An ninh cho rằng, việc đưa các giảng viên đại học về tham gia công tác tổ chức thi gây tốn kém và không chắc hiệu quả. “Giảng viên đại học về các địa phương, dù có làm cán bộ hội đồng thi nhưng không phải ‘quân’ của mình, không phải địa bàn của mình thì cũng khó làm nghiêm được. Trong khi đó, khâu coi thi rất quan trọng, coi thi không chặt thì chấm chặt cũng bằng thừa,” ông Khoát nói.
Những phân tích của đại tá Khoát không phải không có cơ sở khi một hiệu trưởng trường trung học phổ thông chia sẻ rằng, chưa kể việc giám thị từ một nơi xa đến sẽ khó giám làm chặt vì lo sợ nhiều yếu tố thì về mặt tâm lý, giám thị khi vào phòng thi cũng sẽ có nhiều tác động khiến họ thay đổi, nhất là khi giám thị cùng phòng muốn nương tay.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, nếu coi thi một cách nghiêm túc thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông không thể “đẹp” như hiện nay mà phải giảm xuống vài chục phần trăm.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Nhiều trường tự tổ chức thi
Không tin tưởng chất lượng kỳ thi “hai trong một” nên mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp tổ chức kỳ thi một cách nghiêm túc nhất có thể, nhiều trường đại học đã lên tiếng sẽ tổ chức thi riêng. Việc tổ chức tuyển sinh riêng có nhiều hình thức như phỏng vấn, trắc nghiệm, hoặc thậm chí nhiều trường cho biết sẽ tổ chức một kỳ thi quy mô giống như kỳ thi “ba chung” của Bộ hiện nay.
Lãnh đại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết trường đang dự kiến trình Bộ phương án tuyển sinh bổ sung để có chất lượng đầu vào tốt hơn là thuần túy dựa vào kết quả bậc trung học phổ thông.
Phó Hiệu trưởng Đại học An ninh Nguyễn Quý Khoát cũng khẳng định “Học viện An ninh chắc chắn không thuộc nhóm các trường chỉ lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển”. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến sẽ có thêm vòng thi trắc nghiệm. Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Hoàng Văn Châu cũng cho biết trường sẽ có thêm vòng thi phụ, ít nhất là với các lớp chất lượng cao.
Danh sách các trường thi riêng còn được nối dài bởi hệ thống các trường thuộc khối ngành y dược. Theo Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, y là một ngành đặc thù. Tuyển sinh vào trường y phải là những thí sinh tốt nhất vì tương lai các em là bác sỹ, năng lực sẽ quyết định đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Vì thế, khối trường y sẽ đề xuất có thêm phương án tuyển sinh bổ sung để đảm bảo chất lượng.
“Sắp tới, Hội đồng Hiệu trưởng các trường y sẽ họp, hướng là sẽ đề xuất tổ chức kỳ thi như kỳ thi ba chung hiện nay. Chúng tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm chỗ dựa, nhất là về ngân hàng đề thi,” ông Tú chia sẻ.
Thừa nhận việc nhiều trường có dự định tuyển sinh riêng đồng nghĩa với việc mục tiêu giảm áp lực, tốn kém khi tổ chức kỳ thi "hai trong một" chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng cho biết, việc có sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay không là tùy các trường vì tự chủ tuyển sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục Đại học. Các trường có phương án tuyển sinh riêng cần sớm hoàn thiện để Bộ xem xét. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp và nghiên cứu các phương án để có thể tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng./.
Theo VN+