Thứ Tư, 25/9/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 16/10/2011 7:19'(GMT+7)

Làm thế nào để nuôi sống 9 tỷ người mà không hủy hoại hành tinh?

Vậy cần phải cân bằng giữa gia tăng dân số và bảo vệ môi trường và khí hậu như thế nào? Đó là câu hỏi then chốt mà một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế người Canađa, Mỹ, Thụy Điển và Đức đang cố gắng trả lời. Bằng cách sưu tập các bản báo cáo khoa học, thông tin về canh tác, các số liệu nông nghiệp, hình ảnh chụp từ vệ tinh, họ có thể thiết lập những mô hình nông nghiệp mới cho phép tăng gấp đôi sản lượng lương thực thế giới trong khi giảm thiểu tác động từ ngành nông nghiệp đến môi trường.

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 12/10 vừa qua trên tạp chí khoa học Nature, giáo sư địa lý của đại học McGill và là một trong số những nhà khoa học thực hiện nghiên cứu, ông Navin Ramankutty giải thích: ‘‘Đây là lần đầu tiên một bảng số liệu lớn như vậy được tập hợp. Bằng cách mổ xẻ mọi khía cạnh của vấn đề, chúng tôi đã nêu bật các xu hướng và tìm ra được các giải pháp cụ thể hơn’’. Nhóm các nhà nghiên cứu đã soạn thảo một kế hoạch gồm 5 điểm để nuôi sống dân số mà không hủy hoại hành tinh đang bị đe dọa nghiêm trọng:

1/ Cải thiện năng suất nông nghiệp. Rất nhiều khu vực nông nghiệp, đặc biệt tại châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Âu, không phát huy tối đa tiềm năng nông nghiệp. Bằng cách lựa chọn các giống cây canh tác tốt nhất, có sức chống chịu tốt nhất, thích nghi với hệ sinh thái địa phương kết hợp với đào tạo cho người nông dân để có hình thức quản lý và đầu tư trang thiết bị tiên tiến, sản lượng lương thực hiện nay sẽ có thể tăng 60%.

2/ Hoạch định mô hình canh tác tối ưu. Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng nước, phân bón và các chất hóa học hiếm khi chính xác, dẫn đến tình trạng ‘‘chỗ thừa chỗ thiếu’’. Vì vậy cần hoạch định mô hình canh tác tối ưu theo hệ sinh thái từng vùng.

3/ Ưu tiên phục vụ nhu cầu tiêu thụ trực tiếp của con người. Ngành nông nghiệp phục vụ nuôi sống gia súc hay sản xuất nhiên liệu sinh học mặc dù có lợi ích đến mức nào thì con người cũng sẽ không được hưởng lợi. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), các khu vực chăn thả gia súc hiện bao phủ 3,38 tỷ hécta (26% diện tích đất trên thế giới chưa kể diện tích hai đầu cực trái đất), trong khi diện tích canh tác chỉ chiếm 1,53 tỷ hécta (12%). Ngoài ra, 1/3 diện tích đất có thể canh tác được dùng để sản xuất thức ăn cho gia súc và 60% sản lượng ngũ cốc trên thế giới được dành cho động vật nuôi. Dành đa số diện tích đất trồng trên để sản xuất lương thực trực tiếp cho con người (ngũ cốc, hoa quả, rau, hạt đậu) sẽ giúp tăng 50% số lượng đơn vị năng lượng (calo) cho con người. Điều này cũng giúp giảm đáng kể lượng thịt mà chúng ta tiêu thụ.

4/ Hạn chế lãng phí. Theo FAO, từ 30-60% lương thực mà ngành nông nghiệp sản xuất ra bị vứt bỏ, thối hỏng hay bị ký sinh trùng phân hủy, bị rơi trong quá trình vận chuyển hay dự trữ. Loại bỏ thất thoát lương thực trong các công đoạn khác nhau sẽ tăng trung bình 50% lương thực cho tiêu dùng, điều này còn hơn là phải tăng diện tích canh tác.

5/ Ngăn chặn mở rộng diện tích đất nông nghiệp từ các khu rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Cần dành các khoản tài chính để hỗ trợ bảo vệ rừng.

Một giải pháp khác không được nghiên cứu đề cập đến gồm thiết lập các kho dự trữ lương thực khẩn cấp và dài hạn để ngăn chặn giá lương thực leo thang./.

  • Thái Hà  Theo báo Lemonde.fr (Bài dịch)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất