Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 23/5/2013 17:48'(GMT+7)

Làm theo Bác là phải tiết kiệm và sáng tạo

Nguyễn Xuân Điệp kiểm tra máy quấn chân cúc trước khi đưa vào vận hành. (Ảnh: Ngọc Minh)

Nguyễn Xuân Điệp kiểm tra máy quấn chân cúc trước khi đưa vào vận hành. (Ảnh: Ngọc Minh)

Chúng tôi đến Đảng bộ Công ty cổ phần May Bắc Giang để thẩm tra báo cáo về gương đảng viên tiêu biểu được tham gia triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chứng kiến những trang thiết bị được giới thiệu là do chính những người công nhân của Tổ cơ điện Công ty sáng chế ra, chúng tôi thấy tự tin hơn và không còn "băn khoăn" nhiều nữa …

Công ty Cổ phần May Bắc Giang tiền thân là Xí nghiệp May Hà Bắc được thành lập năm 1972. Nguyên là công nhân cũ của Công ty nên tôi từng biết rất rõ quy mô, trang thiết bị còn thiếu thốn, sơ sài của Phân xưởng cơ điện xưa kia.  Tình trạng và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của Tổ cơ điện hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều, nơi làm việc phần lớn là khu cơi nới thêm, mang tính chất tạm bợ (Đây chính là những điều mà chúng tôi "băn khoăn" và không tự tin khi đến đây để tìm hiểu về gương đảng viên tiêu biểu), tuy nhiên, với đôi tay, khối óc sáng tạo của tập thể Tổ cơ điện đã sáng chế ra những thiết bị phục vụ sản xuất hết sức hữu dụng, mà đứng đầu là đảng viên - Tổ trưởng Nguyễn Xuân Điệp.

Trao đổi với chúng tôi, Nguyễn Xuân Điệp cũng tỏ ý ban đầu rất băn khoăn, nhưng từ khi được quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Điệp và công nhân trong tổ quyết tâm vượt khó khăn để cùng Công ty lao động đạt được hiệu quả cao nhất. Điều đầu tiên mà Điệp nghĩ tới và quyết tâm thực hiện học theo Bác là thực hành tiết kiệm và lao động sáng tạo.

Chỉ cho chúng tôi “đống phế liệu” ngoài sân, gồm các mảnh tôn cũ, sắt thép các loại đã qua sử dụng, Nguyễn Xuân Điệp cho biết dù bán sắt vụn chẳng được nổi vài triệu đồng, nhưng khi qua tay công nhân tổ cơ điện đã giúp Công ty mỗi năm tiết kiệm hằng trăm triệu đồng.
Từ đống phế liệu, Nguyễn Xuân Điệp đã sáng chế ra các loại xe chở thành phẩm, kệ hàng, giá hàng… mà trước đây công ty thường phải thuê hoặc là mua bên ngoài hàng trăm triệu đồng. Để giúp cho bộ phận giáp mẫu cắt, Điệp đã sáng chế ra Máy tở vải, làm giảm thời gian làm việc của công nhân, tăng năng suất lao động; giá máy tở vải ngoài thị trường là 50.000.000đ, nhưng do tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn nên giá máy tở vải Tổ cơ điện làm chỉ hết 5.000.000đ.


 
                                    Nguyễn Xuân Điệp và Tổ cơ điện trao đổi kinh nghiệm sửa chữa máy may. (Ảnh: Ngọc Minh)

Không chỉ sáng tạo trong sáng chế ra các sản phẩm thông thường, Điệp cùng thành viên trong tổ tự sản xuất ống thanh nhiệt dùng cho máy dán sym - đây là sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao. Giá thị trường khoảng 600.000đ/ống, giá mà Tổ cơ điện gia công làm chỉ chi phí hết 120.000đ/ống; việc làm này của Tổ cơ điện đã tiết kiệm cho công ty từ 400 - 500 triệu đồng.

Gần đây nhất, Nguyễn Xuân Điệp vừa cho ra mắt sản phẩm rất quan trọng, làm tăng năng xuất và giảm chi phí đầu tư, đó là Máy quấn chân cúc điện tử, công suất sử dụng bằng 80%  máy điện tử cao cấp ngoài thị trường mà giá thành rất thấp. Hiện giá Máy quấn chân cúc ngoài thị trường 120.000.000đ/máy, còn máy do Tổ cơ điện làm chỉ chi phí hết 20.000.000đ/máy…

Đánh giá về Nguyễn Xuân Điệp, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Trần Huy Học khẳng định đây là một đảng viên trẻ, có nhiều hoài bão, luôn luôn say mê trong lao động, được đồng nghiệp quý mến. Điệp và Tổ cơ điện mỗi năm đã làm lợi cho Công ty hằng trăm triệu đồng, Đảng ủy và Ban giám đốc Công ty đã biểu dương, khen thưởng kịp thời. Đảng ủy Công ty đang tuyên truyền, nhân rộng tấm gương lao động sáng tạo của Điệp để gần 9.000 công nhân, lao động của Công ty học tập, noi theo./.

Trần Ngọc Minh
Trưởng BTG Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất