Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 2/9/2012 17:7'(GMT+7)

Làm theo lời Bác để người dân vững tin theo Đảng

Anh Đưởng đang hướng dẫn đồng bào dân tộc chăm sóc lúa - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

Anh Đưởng đang hướng dẫn đồng bào dân tộc chăm sóc lúa - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng

 

Vượt dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, về xã Thông Nguyên, hỏi thăm đồng bào dân tộc Dao, Tày, hay Mông về Bí thư Vần Kim Đưởng, người dân tộc Tày, chúng tôi luôn nhận được những lời ngợi khen trìu mến.

Đau đáu giúp dân bản thoát nghèo

10 giờ sáng, tìm đến trụ sở xã Thông Nguyên, chúng tôi được biết anh Đưởng đang ở ngoài ruộng hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây lúa.

Thời điểm năm 2005, xã Thông Nguyên vẫn còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang với hơn 40% hộ nghèo, hàng trăm hộ đói ăn. Cũng trong năm ấy, anh Đưởng được bà con trong xã tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy, rồi kiêm Chủ tịch UBND xã khi mới 33 tuổi. Nhìn cảnh sống của bà con dân tộc còn nhiều khốn khó, cơ cực, anh luôn trăn trở, ăn ngủ không yên, đau đáu nỗi niềm nghĩ cách giúp người dân thoát nghèo.

Những lần cày ruộng, hay làm nương rẫy cùng bà con đã giúp anh nhận ra rằng, đồng bào vẫn còn sử dụng giống lúa địa phương cùng với lối làm ăn cũ, lạc hậu dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi.

“Bao đêm trăn trở, tôi suy tính, địa phương toàn là đồi núi, muốn giải bài toán thoát nghèo cho bà con thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp”, anh Đưởng nói. Và để làm được như lời nói, anh Đưởng lặn lội xuống tận TP Hà Giang tham dự lớp học về nông, lâm nghiệp với mong muốn tìm ra lối làm ăn mới để người dân không còn phải quẩn quanh trong đói nghèo.

Những ngày đầu, đưa giống lúa mới về xã, rồi phổ biến kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bà con ở Thông Nguyên cứ “nghe rồi để đấy” vì đã quen với lối làm ăn cũ từ bao đời.

Không ngại khó, ngại khổ, nhiều đêm thức trắng, anh đã tìm ra liều thuốc “đặc trị” những suy nghĩ lạc hậu, cách làm ăn cũ. Bà con phải mắt thấy, tai nghe thì họ mới tin và làm theo.

Tranh thủ những lúc không làm việc ở Ủy ban, anh lại hì hục cày ruộng, tự tay trồng giống lúa mới, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đến vụ, ruộng lúa nhà anh bội thu, năng suất cao gấp nhiều lần so với các thửa ruộng bên cạnh. Lúc ấy, anh mời các trưởng bản, bà con trong xã đến tận ruộng nhà mình để tổ chức “hội nghị đầu bờ”.

Nghe anh say sưa giới thiệu về giống mới, cách thức canh tác mới, lại được tận mắt nhìn thấy ruộng lúa chín vàng, nặng trĩu hạt của anh nên bà con ai cũng gật ngù nghe theo.

Kể từ ngày học theo lối làm ăn mới của Bí thư Đưởng, người dân ở Thông Nguyên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, cả xã đều gieo trồng những giống lúa mới, năng suất tăng từ 45 tạ/ha lên 60 tạ/ha.

Nhờ vậy, người dân không còn phải sống trong cảnh bữa no, bữa đói thất thường. Số gia đình đói ăn chỉ còn 7 hộ. Có đủ gạo ăn, đồng bào có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Cũng nhờ vậy mà số hộ nghèo giảm từ hơn 40% xuống còn 12%, những gia đình khá giả tăng lên.

Người dân vững tin theo Đảng

Trong phòng làm việc ở UBND xã Thông Nguyên, ngồi nhâm nhi ấm trà nóng, anh Đưởng tâm sự rằng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là luồng sinh khí mới làm thay đổi một cách sâu sắc lối sống, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên địa phương.

Trước kia, không ít người ở Đảng ủy và UBND xã còn làm việc mang tính hình thức, thậm chí lơ là, thiếu trách nhiệm với người dân.

Với vai trò là Bí thư và Chủ tịch UBND xã, anh Đưởng đã nhanh chóng đưa cuộc vận động vào đời sống cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã. Trước hết, tự bản thân anh luôn gương mẫu trong lối sống, cung cách làm việc hàng ngày. Anh đã đưa ra một quyết sách mang tính “đột phá” để sửa đối lề lối làm việc của cán bộ và đảng viên.

Theo đó, các cán bộ, đảng viên trong xã được giao phụ trách những gia đình đặc biệt khó khăn để phát triển kinh tế. Hàng tháng, Đảng ủy xã họp tổng kết, đảng viên nào không giúp được các gia đình nghèo tìm ra hướng làm ăn mới có hiệu quả, cải thiện cuộc sống sẽ bị nêu tên công khai và trừ điểm đáng giá chất lượng cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, anh còn có một việc làm hết sức “mới mẻ” là đưa các trưởng bản ra xã học việc nhằm khác phục những hạn chề về năng lực làm việc do trình độ văn hóa chưa cao.

Những việc làm trên của Bí thư Đưởng và Đảng ủy xã đã hợp với lòng dân, tạo nên sức mạnh đoàn kêt, nhất trí trong toàn dân. Bà con dân bản đua nhau làm giàu, xây dựng đời sống lành mạnh, hạnh phúc. Cán bộ, đảng viên đã thực sự thân thiện, tận tụy phục vụ người dân.

Ông Vàng Đức Thành, một người dân tộc Dao ở trong xã, khi được hỏi về Bí thư Vần Kim Đưởng và các cán bộ, đã nắm chặt tay tôi mà phấn khởi thổ lộ rằng: “Anh Đưởng làm việc được lắm. Cán bộ ở đây luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân. Bà con dân tộc nơi đây vững tin theo Đảng”.

Với những thành tích nổi bật trên, anh Vần Kim Đưởng đã trở thành một trong những đại biểu của tỉnh Hà Giang tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất