Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 25/8/2012 22:9'(GMT+7)

Lạm thu đầu năm học: “Biết rồi, khổ lắm”… vẫn phải nói

Chuyện "lạm thu" năm nào cũng diễn ra. (Ảnh minh họa)

Chuyện "lạm thu" năm nào cũng diễn ra. (Ảnh minh họa)

Tình trạng lạm thu đầu năm học mới không phải bây giờ mới diễn ra, nhưng cũng như nhiều việc khác, đây dường như không phải là trách nhiệm của riêng ai. Nếu như trước kia tình trạng này chỉ đáng lo ngại ở các cấp học phổ thông, thì nay đã lan sang cả bậc đại học, cao đẳng và đều có chung một cách làm. Chúng ta không thiếu luật, thiếu chế tài, nhưng vì sao các trường vẫn dễ dàng lách qua? 

Ở các cấp học phổ thông tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... năm nay có thêm những khoản thu “tự nguyện” mới. Năm ngoái, phụ huynh vừa đóng tiền cho con em học lớp có máy tính nghe ngoại ngữ hoặc tiền mua máy điều hòa, thì năm nay lại thêm tiền mua máy chiếu, mua bảng học tương tác...

Còn ở các địa phương nghèo hơn cũng không thiếu gì cách thu. Chẳng hạn một số trường học ở Sóc Trăng, ngoài thu học phí còn thu tiền điện, nước, vệ sinh, và có cả một loại phí rất khó hiểu gọi là phí quản nhiệm, được lý giải là để sử dụng vào công tác quản lý học sinh!? Nguyên nhân loạn thu có nhiều, nhưng theo chúng tôi, góp phần vào đó có việc cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản quy định cụ thể.

Chưa khai giảng chính thức, nhưng đa số học sinh đã nhập trường gần nửa tháng rồi mà ngành giáo dục nhiều nơi vẫn chưa ban hành quy định về các khoản thu đầu năm. Việc chậm ban hành văn bản quan trọng này dễ dàng được lý giải là còn phải rà soát lại biến động thực tế từ nhu cầu của năm học mới. Trong khi đó, các trường học một mặt thì nói rằng chỉ chờ quy định chung của ngành, nhưng mặt khác cũng mong muốn quy định ấy chậm ban hành, để họ còn lách được những khoản thu ngoài luồng.

Không dừng lại ở các trường phổ thông, tình trạng lạm thu năm nay lan sang cả bậc đại học, cao đẳng. Các trường ngoài công lập đều tăng học phí ở mức độ khác nhau thì còn dễ hiểu, nhưng ở các trường công lập cũng tìm mọi cách để tăng thu. Một trong những cách ấy thì cũng giống như bậc phổ thông, đó là lách luật.

Trong quy chế tuyển sinh năm nay, Bộ Giáo dục Đào tạo cho phép các trường “chủ động trong phương án xét tuyển nguyện vọng 2”. Có trường yêu cầu thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, có trường chấp nhận bản photo. Nhưng vấn đề là đến giờ này nhiều thí sinh chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả thi, trong khi không ít trường đã “chủ động” khóa sổ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2.

Việc chậm nhận được giấy chứng nhận kết quả thi có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chẳng hạn như địa chỉ liên lạc chưa rõ, chưa chính xác, giấy chứng nhận chuyển qua đường bưu điện gặp trục trặc... Tuy nhiên, việc nhiều trường khóa sổ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 quá sớm thì rất khó giải thích. Từ cách “chủ động phương án xét tuyển nguyện vọng 2” như thế này sẽ dẫn tới nhiều tiêu cực, không loại trừ có thêm nhiều khoản thu còn khó chịu hơn nhiều so với những khoản thu “tự nguyện” ở bậc học phổ thông.

Đóng góp xây dựng trường hay các khoản thu “tự nguyện” đúng là không bắt ép, mà lại gần như bắt buộc. Muôn vàn lý do được đưa ra và nói chung nghe đều có lý, kiểu như mức học phí hiện nay quá lạc hậu, hay tất cả vì tương lai con em chúng ta! Ngành giáo dục đào tạo có biết không? Xin thưa rằng có biết. Nhưng quy định, chế tài chưa đưa ra đã có trường biết trước để lách thì quả là khó thật! 

Song, có phải vì khó thế mà để xảy ra tình trạng là có thứ cần sớm lại ban hành rất chậm trễ như quy định về các khoản thu đầu năm học mới hay không? Trong khi có thứ cần nghiên cứu kĩ để làm cho chặt chẽ và công bằng thì lại ra quy định rất sớm và thông thoáng, như việc cho các trường “chủ động phương án xét tuyển nguyện vọng 2”!? 

Thiết nghĩ, ngành giáo dục đào tạo và các địa phương hoàn toàn có thể khắc phục được kẽ hở dễ lách này, bằng cách quy định rõ thời điểm mà từng nơi phải ra quy định về các khoản thu đầu năm ở bậc học phổ thông, cũng như thời điểm sớm nhất để các trường đại học, cao đẳng khóa sổ nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2.

Vẫn biết là ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm, còn nhiều kẽ hở phải lấp đầy, nhưng khắc phục được chỗ nào thì học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh được nhờ chỗ ấy. Đừng để tình trạng lạm thu tới mức loạn thu rõ như ban ngày và kéo dài gây bức xúc quá lâu rồi mà vẫn chậm trễ trong việc ban hành chế tài cần thiết./.

(Giang Trung Sơn/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất