Tỉnh Long An phấn đấu phát triển trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 thông qua việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp-xây dựng theo hướng có tỷ trọng trên 40-50% trong cơ cấu GDP của tỉnh.
Trên cơ sở đó tỉnh Long An đã quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, chuyển hơn 31.000 ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp, nâng diện tích đất phi nông nghiệp từ 18-20% lên 25-28% diện tích đất của tỉnh, giai đoạn 2010-2020 phát triển xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu tái định cư, khu dân cư, các công trình giao thông, thủy lợi, đảm bảo GDP mỗi năm đạt từ 12,5-13%.
Theo đó, giai đoạn 2010-2020 tỉnh Long An vẫn đảm bảo đất nông nghiệp 330.000 ha, chiếm 73% diện tích tự nhiên; đất lúa nước hàng năm 245.000 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ là 243.000 ha, sản lượng lương thực đạt hơn 2 triệu tấn lúa/năm; đất lâm nghiệp 59.000 ha, nuôi trồng thuỷ sản 8.000-9.000 ha và gần 20.000 ha cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả. Tỉnh khai thác lợi thế từng vùng, phân chia các vùng sản xuất phát triển nông nghiệp bền vững như: huyện Đức Hoà và Đức Huệ là vùng đất cao khai thác nước ngọt sông Vàm Cỏ Đông và mạch nước ngầm chuyên canh cây lạc, mía, lúa, cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn. Vùng dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông là vùng đất bưng biền kém màu mỡ phát triển cây mía, dứa, cây điều, cói lác. Các huyện vùng Đồng Tháp Mười hàng năm lũ ở thượng nguồn đổ xuống, khai thác phù sa, nước ngọt mang về tháo chua rửa phèn, phát triển vùng lúa cao sản, rừng tràm, nuôi trồng thuỷ sản. Huyện Thạnh Hoá và phía Bắc Thủ Thừa chuyên canh cây lúa, trồng tràm. Các huyện vùng đất xám màu mỡ, khai thác dẫn nước ngọt từ sông Tiền về tưới tiêu sản xuất lúa cao sản, đặc sản, luân canh rau màu, chăn nuôi lợn, gia cầm. Các huyện Cần Giuộc, Cần Đước phát triển rau xanh, lúa đặc sản, nuôi thuỷ sản vùng nước lợ.
Trong công nghiệp, Long An tập trung đầu tư phát triển khu vực huyện Đức Hòa, nơi có điều kiện thuận lợi, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, có hệ thống giao thông phát triển và nối kết với đường Xuyên Á... với diện tích từ 5.000-10.000 ha. Khu vực các xã thuộc huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Bến Lức tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A và là cửa ngõ kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cơ sở hạ tầng, hệ thông giao thông tương đối phát triển, nguồn nhân lực dồi dào, có khả năng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ với tổng diện tích phát triển công nghiệp từ 5.000-8.000 ha đến năm 2020./.
Thanh Tuấn - TTXVN