(TG) - Thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/1/2022 tại các địa phương và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ xác thực thông tin công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo chỉ đạo của Chính phủ và cơ bản hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip; cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch, Bảo hiểm xã hội và thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân; cài đặt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNelD... mang lại lợi ích thiết thực phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng quan trọng cho việc triển khai Đề án 06 năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy phát triển công tác chuyển đổi số của tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai như: Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nguồn nhân lực phục vụ Đề án còn thiếu, trình độ, chất lượng chưa thật sự đáp ứng tốt yêu cầu, nhất là về công nghệ thông tin. Dữ liệu các chuyên ngành chưa đầy đủ, đồng bộ. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ tập trung đẩy mạnh số lượng, mà chưa thật sự quan tâm về chất lượng dẫn đến số lượng dịch vụ phát sinh hồ sơ còn chưa cao. Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp đột phá, đổi mới của tỉnh trong việc đồng hành với các doanh nghiệp vì một Lào Cai phát triển
Nguyên nhân những tồn tại hạn chế nêu trên do nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa quan tâm, thiếu tính quyết liệt, chưa nhận thức đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của Đề án 06 trong chuyển đổi số; công tác tuyên truyền còn hạn chế, mang tính hình thức, chưa có cách làm sáng tạo để khuyến khích thu hút người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy tốt vai trò gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số; quá trình thực hiện nhiệm vụ trên môi trường điện từ còn lúng túng; việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ, trang thiết bị, an ninh, an toàn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để tiếp tục triển phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung.
Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chủ trương, nhiệm vụ của Đề án 06 và Đề án số 08-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025: Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cần xác định rõ nhận thức triển khai thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh. Nắm rõ những nhiệm vụ được giao để chủ động triển khai thực hiện, nhất là công tác làm sạch, đồng bộ, số hóa dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đăng ký tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến và được định danh, xác thực điện tử, số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và các nhiệm vụ trọng tâm khác được giao cho các ngành, địa phương.
Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng tình, ủng hộ, tích cực hưởng ứng tham gia, bảo đảm việc triển khai thực hiện thành công Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Tập trung nguồn lực đầu tư, bổ sung, nâng cấp bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật, an ninh an toàn hệ thống cổng dịch vụ công tỉnh, Một cửa điện tử các cấp; khai thác, sử dụng hiệu quả việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị; bảo đảm về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triển khai thực hiện chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 06 các cấp, nhất là cấp cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả, trách nhiệm.
Tăng cường các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh công tác số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân các kỹ năng về chuyển đổi số
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai, thực hiện; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở và điều chỉnh các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực hiện công tác thi đua khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án 06, đồng thời phê bình, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, đối với các đơn vị, địa phương và các cá nhân để tồn tại, thực hiện kém hiệu quả.
Tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết và các tiện ích gắn với trách nhiệm tham gia thực hiện Đề án 06 của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện Đề án 06. Phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu, đi đầu của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện chuyển đổi sổ, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch trên môi trường điện tử; cài đặt, sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNelD; xây dựng mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người thân gia đình, bạn bè và nhân dân tham gia thực hiện Đề án 06.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp trên và đặc biệt là sự chung tay đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, chắc chắn Lào Cai sẽ thực hiện thành công được 05 nhóm tiện ích của Đề án 06 đề ra góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước vào năm 2045./.
Đỗ Hiền –Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lào Cai