HIỆN THỰC HÓA MỤC TIÊU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
Trong những năm qua, quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, tỉnh Hậu Giang đã quan tâm lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ ngày càng chặt chẽ hơn. Thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu, đảm bảo đúng các quy định, quy trình công tác cán bộ. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Việc quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Tỷ lệ giảm biên chế đạt kế hoạch Trung ương giao. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học, chưa gắn chặt với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa ngang tầm nhiệm vụ, đây là “điểm nghẽn” thách thức lớn nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và các đột phá chiến lược trong giai đoạn phát triển mới.
Trong khi đó, Hậu Giang là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong vùng và cả nước. Qui mô kinh tế nhỏ, GRDP chỉ chiếm khoảng 4% tổng GRDP toàn vùng; thu nội địa thấp, tỷ lệ tự cân đối ngân sách chỉ khoảng 40%, chủ yếu nhận điều tiết hỗ trợ từ Trung ương. Ba tụt hậu được nhận diện: Quy mô kinh tế nhỏ và khoảng cách chênh lệch ngày càng tụt xa; tăng trưởng kinh tế giảm dần và thấp hơn mức tăng cả nước; tăng thu ngân sách hàng năm (cả số tuyệt đối và tỷ trọng) thấp hơn tăng chi ngân sách, giá trị tự cân đối ngân sách ngày càng giảm.
Với tinh thần “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua định hướng chiến lược và quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030 đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Hậu Giang vươn lên trở thành tỉnh khá, tiến tới tự cân đối ngân sách. Nâng thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh cao hơn mức bình quân khu vực: Giai đoạn 2021 - 2025: Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ 7,5 - 8%/năm; thu ngân sách tăng 20%/năm; giai đoạn 2026 - 2030: Tăng trưởng kinh tế 10 - 12%/năm; thu ngân sách tăng 15%/năm; năm 2030 tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người: 150 triệu đồng/1 người.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược là “tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài”. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, tập trung vào hệ thống giải pháp đồng bộ, bảo đảm liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ, chú trọng giải pháp (đầu vào) đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng cán bộ.
Đề án “Thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ” có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết nhằm tạo đột phá hiện thực hoá mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn mới.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
Đề án xác định rõ đối tượng áp dụng tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ), gồm cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện. Các trường hợp cán bộ nghỉ hưu theo quy định trong giai đoạn 2023 - 2025 không thuộc đối tượng áp dụng tinh giản biên chế theo Đề án này.
Đề án cũng xác định rõ các cán bộ thuộc diện xem xét tinh giản biên chế của tỉnh được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ tài chính của tỉnh; các cán bộ thuộc diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định hiện hành của Nhà nước; các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế.
Đề án cũng xác định rõ, phạm vi áp dụng của Đề án là các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện (gọi chung là cơ quan, đơn vị). Thực hiện thí điểm vào năm 2023 sau đó rút kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2024 - 2025 và các năm tiếp theo.
PHẢI QUYẾT LIỆT, ĐỘT PHÁ NHẰM TINH GIẢN BIÊN CHẾ, TUYỂN DỤNG CÁN BỘ TRẺ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ.
Trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, trên cơ sở phân tích số liệu thực tế khoa học, khách quan, Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhận định rõ, trong những năm qua, số lượng cán bộ của tỉnh ngày càng giảm dần qua các năm, từ năm 2015 đến nay và tiếp tục giảm thời gian tiếp theo, khi giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức, do đó về cơ bản không thể tuyển dụng mới cán bộ nếu không có giải pháp quyết liệt, đột phá mạnh nhằm tinh giản biên chế, tạo dư địa để tuyển dụng mới cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong giai đoạn phát triển mới.
Đề án nêu rõ, Tỉnh ủy Hậu Giang trong những năm qua đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong tỉnh có bước phát triển, trưởng thành, lớn mạnh về nhiều mặt, bảo đảm về số lượng, có cơ cấu hợp lý hơn. Phần lớn cán bộ được rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn nên có bản lĩnh chính trị vững vàng. Trình độ, kiến thức và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ nhìn chung ngày càng được nâng lên.
Việc quản lý biên chế trong tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Trung ương, tinh giản biên chế thực hiện đúng theo quy định và lộ trình. Việc thực hiện tinh giản biên chế được tỉnh rà soát thường xuyên, đảm bảo các trường hợp tinh giản đúng đối tượng, điều kiện theo quy định.
Kết quả rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện đồng bộ, qua đó đã từng bước giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, giảm cấp phó, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý.
Đặc biệt, năm 2021 và năm 2022, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng nhận thấy những hạn chế nảy sinh như cơ cấu tổ chức cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh hiện nay bộc lộ những hạn chế, yếu kém, thực sự là trở lực và thách thức lớn nhất trong công tác tổ chức xây dựng đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới. Nguồn cán bộ đầu vào nhìn chung chưa cao, số lượng và tỷ lệ cán bộ được đào tạo bài bản thấp, chủ yếu cán bộ không qua thi tuyển. Tại hầu hết các cơ quan, đơn vị còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ. Tuổi đời bình quân cán bộ khá cao và đang trong tình trạng già hóa do thiếu chỉ tiêu tuyển mới cán bộ đầu vào, tỷ lệ cán bộ trẻ từ 30 tuổi trở xuống rất thấp (8,95%).
Đặc biệt, việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế tuy đạt về số lượng biên chế giảm nhưng chủ yếu do giảm cơ học. Công tác tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị chưa có chuyển biến thực chất.
Nguyên nhân chủ yếu được xác định là chưa có quy định cứng tỉ lệ tinh giảm cán bộ hàng năm không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hoặc kết quả thực hiện nhiệm vụ ở mức thấp để thay thế bằng nguồn thi tuyển cán bộ trẻ có trình độ, năng lực đối với từng cơ quan, đơn vị. Chưa kể, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò quan trọng của cán bộ và việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Công tác đánh giá cán bộ để sàng lọc cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp cảm tính, nể nang, né tránh, ngại va chạm, dễ dãi. Các trường hợp yếu về năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ không được thay thế, từ đó dẫn đến hiện trạng đội ngũ cán bộ hiện nay vừa thừa vừa thiếu, chưa giảm được những người cần giảm.
Bên cạnh đó, biên chế của tỉnh Hậu Giang được giao còn thấp so với mặt bằng chung các tỉnh tương đồng nhưng vẫn phải thực hiện chủ trương chung về tỷ lệ tinh giản biên chế qua các năm nên công tác tuyển dụng cán bộ mới từ nguồn cán bộ trẻ, chất lượng cao vào các cơ quan, đơn vị, địa phương còn khó khăn.
Thiếu cơ chế, chính sách và quyết tâm chính trị sàng lọc người chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đưa ra khỏi bộ máy biên chế các cấp. Các cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí bố trí thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn hạn chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt kết quả theo yêu cầu đề ra.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ nên cần có bước đi thận trọng và giải pháp tổng thể, phù hợp.
QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CAO, ĐỀ RA CÁC GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ VỀ TINH GIẢN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
Trước yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho giai đoạn hiện nay và mục tiêu, nhiệm vụ to lớn trong thời gian tới, cùng với đó là thực trạng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần có sự đồng thuận, bản lĩnh, trách nhiệm cao trước Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, quyết tâm chính trị thực hiện giải pháp có tính đột phá về tinh giản đội ngũ cán bộ không đủ trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ thấp để tuyển dụng thay thế bằng những cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo được Tỉnh ủy đề ra trong giai đoạn hiện nay, trước hết, đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, đây là khâu đột phá chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Hai là, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động trong cấp ủy, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng công tác tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao gắn với thu hút, trọng dụng nhân tài.
Ba là, cả hệ thống chính trị thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý để xác định biên chế phù hợp. Một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
Bốn là, tỷ lệ tinh giản biên chế được xác định theo từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, thực tế số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Đề án cũng xác định rõ, 6 nguyên tắc cụ thể là (1) Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế; (2) Tiến hành trên cơ sở thực hiện chấm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (4) Bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ và thực hiện huy động các nguồn lực đúng theo quy định của pháp luật; (5) Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền; (6) Cán bộ được tuyển dụng mới vào các cơ quan, đơn vị phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm, đúng chuyên ngành, lĩnh vực cần tuyển; qua thi tuyển công khai, minh bạch, bảo đảm trình độ, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.
Đề án xác định rõ các mục tiêu cụ thể được đề ra trong giai đoạn 2023 - 2026: Chỉ tiêu tinh giản biên chế tối thiểu 5% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 5% đối với viên chức (ngoài chỉ tiêu biên chế Trung ương giao giảm giai đoạn 2022 - 2026) để tuyển dụng cán bộ trẻ có trình độ, năng lực thay thế. Trong đó: Giai đoạn 2023 - 2024: Tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 2% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 2% đối với viên chức. Giai đoạn 2024 - 2026: Tinh giản và tuyển dụng thay thế tối thiểu 3% đối với cán bộ, công chức và tối thiểu 3% đối với viên chức.
Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2026 - 2030, các năm tiếp theo và thực tiễn yêu cầu, chất lượng đội ngũ cán bộ sẽ có quy định cụ thể sau.
TẬP TRUNG THỰC HIỆN 10 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Một là, quán triệt, nâng cao nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương trong việc tinh giản biên chế có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh theo Nghị quyết số 05- NQ/TU ngày 01/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án số 05- ĐA/TU ngày 01/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Gắn tinh giản biên chế với đổi mới tổ chức bộ máy, cải cách chế độ tiền lương, thu nhập, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị về “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”. Nghiên cứu việc thực hiện chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản trị doanh nghiệp có phẩm chất và năng lực cao, phù hợp với yêu cầu quản lý, mục tiêu phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực mũi nhọn vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án năm 2023.