Cùng chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang và đồng chí Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan.
NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Thúy Xuân nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quyết tâm thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 20-CTr/TU, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Lĩnh vực văn học, nghệ thuật được đầu tư gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, xã hội của từng ngành, địa phương. Duy trì việc định kỳ tổ chức gặp gỡ, nhằm động viên, cổ vũ và lắng nghe, ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của văn nghệ sĩ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật được tăng cường. Tỉnh đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”, tạo tiền đề để văn học, nghệ thuật An Giang phát triển; đồng thời cổ vũ, tiếp thêm động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Hệ thống tổ chức Hội Văn học nghệ thuật được củng cố và thành lập từ cấp tỉnh đến cấp huyện (Liên hiệp Hội hiện có 8 chuyên ngành và có 11 Hội Văn học nghệ thuật cấp huyện, với 121 hội viên ở các chuyên ngành Trung ương, 532 hội viên tỉnh và 894 hội viên cấp huyện); đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên văn nghệ sĩ lao động sáng tạo nghệ thuật. Công tác giáo dục chính trị, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức cho văn nghệ sĩ được quan tâm, nhất là bồi dưỡng các tài năng trẻ.
Hoạt động sáng tạo, sáng tác VHNT phát triển sôi động, có nhiều tác phẩm giá trị; phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì, phát triển rộng khắp; quyền tự do sáng tạo được tôn trọng; không khí dân chủ được mở rộng; khuynh hướng sáng tác từng bước bắt kịp và hòa cùng dòng chảy cả nước; có nhiều tác phẩm ca ngợi, cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất, đồng thời phản ánh những mặt trái, phê phán cái xấu; hoạt động quảng bá, phổ biến các tác phẩm đa dạng, phong phú; có hàng trăm tác phẩm đạt giải thưởng trong nước và quốc tế; nhiều VNS được tôn vinh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú và đạt nhiều hình thức khen thưởng ở các cấp.
Đặc biệt, nhân sự kiện 190 năm Ngày thành lập tỉnh An Giang, Tỉnh ủy đã tổ chức sáng tác ca khúc về An Giang, đã nhận được 526 tác phẩm của 280 tác giả/nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia; qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về vùng đất và con người An Giang.
LÍ TƯỞNG, NUÔI DƯỠNG KHÁT VỌNG SÁNG TẠO TÁC PHẨM GIÁ TRỊ
Tại Hội nghị, các đại biểu xem clip những điểm nhấn nổi bật của văn học, nghệ thuật tỉnh An Giang sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 20-CTr/TU; nghe 5 ý kiến tham luận của các đại biểu là lãnh đạo ngành văn hóa; văn học, nghệ thuật tỉnh, địa phương và văn nghệ sĩ về các chủ đề: “Vai trò của cấp ủy đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động văn học nghệ thuật tại huyện Tri Tôn”; “Công tác xây dựng, củng cố hoạt động của các hội văn học nghệ thuật và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ”; “Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua”; “Góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của hội văn học nghệ thuật ở thị xã Tân Châu”. Trong đó, bài tham luận: “Công tác xây dựng đội ngũ sáng tác trẻ, kế thừa và phát huy truyền thống văn học của địa phương; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp” do Nhà văn trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học An Giang báo cáo tại Hội nghị, với điểm nhấn đó là: An Giang là tỉnh có bản sắc rất độc đáo, với khí thiêng sông núi đã tạo nên nhiều anh hùng, danh nhân và văn nghệ sĩ và nơi đây được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Riêng lĩnh vực văn học - nghệ thuật, An Giang đã có nhiều gương mặt kỳ tài, gây tiếng vang và tạo được dấu ấn đậm nét. Nơi đây có một truyền thống lâu đời, với nhiều thế hệ cầm bút ưu tú, tỏa sáng trên diễn đàn văn chương cả nước.
Từ giai đoạn tiền đề thuở sơ khai với Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Văn Hầu... đến các tên tuổi lớn thời kháng chiến như: Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Viễn Phương, Mai Văn Tạo, Lê Văn Thảo... Đến Văn Định, Trịnh Bửu Hoài, Phạm Nguyên Thạch, Hồ Thanh Điền, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Lập Em, Vũ Đức Nghĩa, Trương Công Thuốt, Trần Thế Vinh, Mai Bửu Minh, Lê Thanh My của những năm sau đổi mới. Chưa dừng lại, lần lượt các thế hệ tiếp nối mạnh dạn bộc lộ cá tính, tự tin tỏa sáng trên trang viết và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam như: Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng và Hoàng Thị Trúc Ly. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tác giả trẻ tài năng, giàu nội lực vẫn đang miệt mài, tìm tòi sáng tạo trên trang viết. Có thể kể đến: Nguyễn Ngọc Đào Uyên, Trương Chí Hùng, Nghiêm Quốc Thanh, Trần Sang, Vĩnh Thông, Lâm Long Hồ, Trần Tâm, Huỳnh Thị Nương, Võ Đăng Khoa… Một dòng chảy dồi dào liên tục, như khẳng định vị thế “văn học trẻ” là tương lai của văn học tỉnh nhà.
Để có một thế hệ nhà văn tương lai tài năng như mong muốn, hình thành và phát triển các tác giả “mũi nhọn” từ các cây bút phong trào, học đường cần có thời gian để “ươm trồng, vun bón”. Nhà văn trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ cho rằng, ngoài nỗ lực tự thân, vốn được coi là công việc bắt buộc của người cầm bút, thì chỉ có sự đầu tư và hỗ trợ từ nguồn lực Nhà nước, mà cụ thể là thông qua sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự tập hợp kết nối của Hội Văn học nghệ thuật địa phương, sự giúp sức của các ban ngành, đoàn thể có liên quan mới có thể đưa những cây bút trẻ tiềm năng nơi mái trường Đại học, THPT, các Câu lạc bộ sáng tác văn học… trở nên vững vàng và chuyên nghiệp. Nâng chất, nâng tầm để hướng tới những cuộc chinh phục đỉnh cao văn chương trong tương lai. Và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và tư tưởng, tạo được sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, góp phần vào việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, hướng đến một nền văn học - nghệ thuật đa dạng và giàu bản sắc trên quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp. Tâm ý của nhà văn đã thể hiện lí tưởng hoài bão, nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ với những giá trị tươi sáng, ý nghĩa và tích cực đội ngũ sáng tác trẻ An Giang đã gây sự chú ý và được lãnh tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.
TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của Liên hiệp các các hội Văn học nghệ thuật, ngành Văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong thời gian qua. Định hướng công tác tuyên truyền, phát triển nền văn học - nghệ thuật tỉnh nhà trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW và Chương trình hành động số 20-CTr/TU, gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác văn hóa, văn nghệ. Đưa mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm tại địa phương, đơn vị. Quan tâm quán triệt sâu rộng một trong những quan điểm, nội dung “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội – là ánh sáng soi đường cho quốc dân đi” trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc.
Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; huy động nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa; quan tâm chế độ đãi ngộ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật; tăng cường xã hội hóa sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh.
Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phù hợp thực tiễn và sự cống hiến của văn nghệ sĩ đối với xã hội. Tăng cường phối hợp thẩm định sản phẩm văn học, nghệ thuật; thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa phẩm độc hại, trái với thuần phong mỹ tục. Quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn học nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; tăng cường tuyên truyền và giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giá trị chân - thiện - mỹ cho thanh niên; khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc và của tỉnh. Đồng thời chú trọng tăng cường quản bá tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về nghệ thuật, tư tưởng đến công chúng trong và ngoài tỉnh.
Bốn là, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động các tổ chức thành viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, khích lệ, động viên các văn nghệ sĩ. Quan tâm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với quê hương, thực tiễn cuộc sống để tạo ra những tác phẩm có giá trị.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức hội viên, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; tạo điều kiện để Nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.
Phát biểu tiếp thu và kết thúc Hội nghị, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí cho rằng nội dung chỉ đạo của đồng chí Bí thư là cơ sở quan trọng định hướng nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương có liên quan để phấn đấu khắc phục những tồn tại, hạn chế để đưa nền văn học, nghệ thuật tỉnh An Giang phát triển mạnh mẽ, toàn diện theo định hướng của Đảng, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy và đại biểu đã góp ý, hiến kế nhiều ý tưởng sáng tạo, khả thi, tâm huyết, trách nhiệm giúp cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có nhiều thông tin bổ ích để tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Dịp này, có 15 tập thể và 23 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh vì đã có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; 02 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, kèm logo vì đã có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Tin, ảnh: Trường Giang