(TG) - Phải phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau. Đó là chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960).
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Với chủ trương đưa đồng bào miền xuôi lên khai hoang miền núi, năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào miền xuôi đi xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá miền núi dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là cuộc di dân có tổ chức lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng hậu phương lớn miền Bắc XHCN.
Thực hiện nhiệm vụ to lớn đó, vào tháng 11/1961, Đảng bộ tỉnh Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng) và tỉnh Lào Cai họp thông qua Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh. Theo đó, nhiệm vụ cách mạng to lớn mà 2 tỉnh xác định là sẽ vận động hàng vạn dân Hải Phòng lên Lào Cai để xây dựng kinh tế, văn hóa. Thời gian ban đầu, chỉ từ tháng 8 đến tháng 12/1961, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận trên 600 cán bộ, đảng viên, lao động khỏe mạnh, có trình độ của Hải Phòng lên xây dựng kinh tế, văn hóa. Sau 3 năm (từ 1961 - 1963), Nhân dân Hải Phòng lên Lào Cai đã thành lập 25 hợp tác xã độc lập, 22 hợp tác xã xen kẽ với Nhân dân các dân tộc sở tại. Đồng thời, Hải Phòng đã cử hàng trăm cán bộ khoa học kỹ thuật, bác sỹ, kỹ sư, giáo viên lên Lào Cai công tác và sau đó là gần 3.000 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu, 5.228 lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng hơn 4 vạn người gốc Hải Phòng đang sinh sống, làm việc tại hầu hết các địa phương; từ huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai cho đến huyện Bắc Hà, Si Ma Cai… Từ khi đoàn cán bộ và những cư dân Hải Phòng đầu tiên lên Lào Cai lập nghiệp đến nay, các thế hệ người Hải Phòng đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống; tích cực tham gia các phong trào, sản xuất kinh doanh ở địa phương và đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, số hộ dân Hải Phòng tại Lào Cai đạt khá giàu chiếm khoảng 40% và là chủcủa hàng nghìn trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết liên tịch giữa 2 tỉnh, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chủ động thực hiện nội dung ký kết hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Các nội dung hợp tác chủ yếu nằm trong khuôn khổ hợp tác 5 tỉnh hành lang kinh tế Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vân Nam (Trung Quốc); tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; Phát triển công thương, vận tải và các dịch vụ khác tại khu cửa khẩu; Phát triển kết nối du lịch, xúc tiến thương mại; Giao lưu, quảng bá hình ảnh 2 địa phương. Các nội dung chương trình hợp tác trên các lĩnh vực đều mang những ý nghĩa và giá trị thiết thực nhằm tô thắm thêm mối tình đoàn kết giữa hai địa phương.
Sở Ngoại vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp tổ chức tốt Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) theo cơ chế luân phiên định kỳ. Năm 2017, Sở Ngoại vụ Lào Cai đã tích cực trao đổi, kết nối với Sở Ngoại vụ thành phố Hải Phòng và chuẩn bị các điều kiện để đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai đến tham dự Hội nghị tại thành phố Hải Phòng. Trong khuôn khổ các Hội nghị các tỉnh, thành phố trong tuyến hành lang kinh tế nói chung, trong đó có tỉnh Lào Cai và thành phố Hải Phòng đã ký kết biên bản Hội nghị hợp tác, đồng thời tích cực xúc tiến triển khai các nội dung hợp tác về công tác giao lưu, trao đổi đoàn kết, thúc đẩy kết nối giao thông, hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, tiền tệ… nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu hàng hoá, phát triển kinh tế thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Hạ tầng giao thông được chú trọng phát triển và đồng bộ hoá, hai tỉnh phối hợp đề xuất xây dựng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2 (4 làn xe Lào Cai - Yên Bái); đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Sa Pa; phối hợp thực hiện quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và xây dựng đường sắt khổ lồng kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Ngoài ra hai tỉnh cũng đang tích cực phối hợp, nghiên cứu phương án cho phép xe chuyên dụng được chở hàng hoá thuỷ sản, hải sản chạy liên tục toàn tuyến Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh mà không cần chuyển tải sang các phương tiện khác tại cửa khẩu.
Phát triển công thương, vận tải và các dịch vụ khác tại các khu vực cửa khẩu, Sở Công thương các tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh … (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển Thương mại nhằm xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây, thuỷ hải sản và cầu nối phát triển thương mại giữa các địa phương trên tuyến hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thường xuyên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như: Hội nghị, hội thảo, các hội chợ triển lãm,…
Trong lĩnh vực vận tải đường bộ quốc tế, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai cùng với Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục đường bộ Việt Nam và Ty Giao thông vận tải tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức khảo sát tuyến vận tải hành khách, hàng hoá Côn Minh - Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) - Cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Hà Nội - Hải Phòng; Phối hợp đề xuất thúc đẩy thực hiện hợp tác vận tải hành khách và hàng hoá trực tiếp từ cảng Hải Phòng đến tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua đường bộ cao tốc quốc tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh.
Trong lĩnh vực Du lịch, hai tỉnh hợp tác nghiên cứu, xây dựng tour du lịch kiểu mẫu trên tuyến hành lang kinh tế - 1 tour du lịch - 2 quốc gia - 6 điểm đến (Côn Minh - Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc) - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).
Để ghi nhận những đóng góp của nhân dân thành phố Hải Phòng đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Lào Cai, Sở Nội vụ đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen cho 01 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đóng góp xây dựng Lào Cai. Phối hợp với Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng tham mưu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen cho 29 tập thể và 82 cá nhân người Hải Phòng có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại Lào Cai...
Liên đoàn lao động hai tỉnh, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động; hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động; tổ chức hội nghị đối thoại với người lao động; kỹ năng thương lượng với chủ doanh nghiệp ký kết thoả ước lao động trong đó có nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên và người lao động, hỗ trợ thực hiện chương trình “Quỹ xã hội Công đoàn” giúp đỡ đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Liên đoàn lao động Thành phố Hải Phòng đã hỗ trợ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai làm nhà; hỗ trợ CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo trong dịp Tết; hỗ trợ đồ dùng, sách vở cho các cháu học sinh … với tổng số tiền: 230.000.000đ.
Lịch sử quan hệ cũng như những kết quả quan trọng trong hợp tác giữa hai tỉnh Lào Cai với thành phố Hải Phòng thời gian qua là tiền đề quan trọng để lãnh đạo tỉnh Lào Cai, thành phố Hải Phòng tiếp tục trao đổi, xây dựng nội dung hợp tác mang tính toàn diện, sâu sắc hơn nữa trong những giai đoạn tiếp theo, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh qua đó góp phần vào sự phát triển chung của các địa phương./.
Đỗ Hiền
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai