VAI TRÒ TO LỚN CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC
Nghị quyết số 27 - NQ/TW "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định: Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đội ngũ trí thức nước ta có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc, luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trí thức luôn có vai trò quan trọng trong mọi thời kỳ của tiến trình phát triển xã hội. Họ mang trong mình tri thức nhân loại, tạo sự tiếp nối, và ngày càng làm giàu hơn tri thức nhân loại về thế giới và phương thức cải tạo thế giới.
Vai trò cơ bản của trí thức thể hiện rõ qua những nét cơ bản sau:
Thứ nhất, trí thức góp phần tạo lập cơ sở khoa học cho xây dựng, hoàn thiện đường lối, cũng như đề xuất phương thức hiệu quả để thực hiện tốt đường lối phát triển đất nước.
Bằng các nghiên cứu của mình, đội ngũ trí thức có thể xác định, đề xuất phương cách phát triển từ chính những tri thức nhân loại được tích hợp, truyền nối lại, đồng thời với hoạt động nghiên cứu tổng kết chỉ ra cơ sở thức tiễn, những ưu thế, lợi thế mà quốc gia, dân tộc hiện có, cũng như sẽ có, hình thành trong tương lai trên cơ sở của sự phát triển khoa học công nghệ và tận dụng cơ hội, nguồn lực bên ngoài. Nói cách khác bằng các hoạt động lý luận và tổng kết thực tiễn, đội ngũ trí thức góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối đúng đắn có tính khả thi.
Với tri thức và khả năng lao động trí óc sáng tạo của mình, đội ngũ trí thức sẽ nhận ra quy luật của sự vận động, hình thành các lý thuyết, lý luận về sự phát triển, trở lại dẫn đường cho hoạt động thực tiễn.
Thứ hai, trí thức là bộ phận nòng cốt trong nguồn nhân lực chất lượng cao, có vai trò quan trọng trong sáng tạo công nghệ và ứng dụng công nghệ trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và phát triển nền kinh tế số, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng then chốt cho mọi sự phát triển nói chung, quyết định tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, định hướng phát triển của một quốc gia.
Nguồn nhân lực chất lượng cao, mà nòng cốt là đội ngũ trí thức đóng vai trò tiên phong trong ứng dụng các công nghệ tiên tiến, cả công nghệ kỹ thuật và công nghệ quản lý. Điều này sẽ đưa lại năng suất lao động cao. Năng suất lao động chính là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp, là cơ sở để nâng cao thu nhập, tạo môi trường và điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Ở cấp độ quốc gia, trong điều kiện hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt hiện nay, năng suất lao động xã hội là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.
Đội ngũ trí thức chính là lực lượng sản xuất trực tiếp trên các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, triển khai công nghệ tiên tiến, các dịch vụ khoa học, công nghệ khác. Đồng thời, họ qua nghiên cứu, lao động sáng tạo đã tìm tòi, phát minh ra nhiều công trình khoa học góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân và phúc lợi xã hội nói chung.
Thực tiễn cho thấy, quốc gia nào có đội ngũ trí thức đông và mạnh, thường là những quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ. Và cũng vì vậy, các quốc gia đều có chính sách phát triển đội ngũ trí thức, đồng thời có những chính sách ưu đãi để thu hút đội ngũ trí thức nói riêng, nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung đến làm việc.
|
Thứ ba, trí thức đi liên với hoạt động nghiên cứu sáng tạo của mình là hoạt động truyền thụ tri thức, đào tạo đội ngũ trí thức mới cho xã hội
Trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo, truyền bá tri thức. Chính họ thông qua các hoạt động nghiên cứu làm giàu thêm tri thức nhân loại và cũng chính với năng lực và vốn tri thức của mình, mà đội ngũ trí thức gánh vác vai trò, trách nhiệm trong truyền thụ tri thức cho xã hội và đào tạo đội ngũ tri thức mới.
Việc truyền thụ kiến thức trước hết thông qua công bố các công trình, kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển ở mỗi quốc gia. Trong quá trình đào tạo, họ có thể hợp tác, liên kết với đội ngũ trí thức ở một số quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới nhằm cập nhật thêm các tri thức mới.
Đương nhiên việc đào tạo những trí thức mới nói riêng hay nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, bản thân trí thức không thể độc lập, tự thân có thể đào tạo được, mà phải phối hợp và cùng với các nhóm, tầng lớp, cộng đồng xã hội khác. Song lực lượng quan trọng nhất, tinh nhuệ và chủ lực, có vai trò to lớn nhất mà không ai có thể thay thế là đội ngũ trí thức, họ có thể trang bị tri thức, nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực chất lượng cao, cả về phương diện chuyên môn, tính chuyên nghiệp, lẫn trình độ hiểu biết và năng lực tư duy, vốn văn hóa.
Thứ tư, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng với mọi quốc gia và chính họ là kho lưu giữ và tiếp nối, phát triển tri thức
Thực tiễn phát triển của các quốc gia đều cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức, là nhân tố góp phần quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức là hạt nhân của đổi mới sáng tạo, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo động lực quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Trí thức, bằng lao động của mình, là lực lượng xã hội có khả năng thực hiện tốt và nhanh nhất trong tiếp nhận những giá trị khoa học công nghệ và văn hóa tích cực, tiến bộ, phù hợp với truyền thống của dân tộc.
Chính đội ngũ trí thức mang trong mình tri thức, là kho lưu giữ tri thức. Những trí thức, trên nền tảng tri thức về thế giới tự nhiên và về chính mình, qua các hoạt động lao động sáng tạo phát triển, làm giàu thêm tri thức của mình cũng như tri thức của xã hội.
Thứ năm, đội ngũ tri thức có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những nước đi sau trong tiếp thu, vận dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, đuổi kịp các quốc gia tiên tiến
Kinh nghiệm của các nền kinh tế Đông Á và các nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs) ở châu Á cho thấy sự phát triển "thần kỳ" có được là nhờ phát triển nguồn lao động chất lượng cao mà nòng cốt là đội ngũ trí thức tinh hoa.
Đội ngũ trí thức là lực lượng cơ bản tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ thế giới, chủ động tiếp cận, tiếp nhận và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Thực tế cho thấy, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đang tạo cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với trình độ phát triển khoa học - công nghệ thế giới. Cơ hội đó chỉ thành hiện thực khi đội ngũ trí thức thể hiện được vai trò chủ động, tích cực trong tiếp thu, kế thừa thành tựu của thế giới, làm chủ công nghệ mới, truyền bá, phổ biến và nhân rộng ở Việt Nam. Việc kế thừa các thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thế giới phải là sự kế thừa có chọn lọc. Quá trình này thực hiện trên cơ sở phát huy trí tuệ và trách nhiệm của đội ngũ trí thức Việt Nam.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI PHÁT HUY VAI TRÒ ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC
Môi trường làm việc, cống hiến của đội ngũ trí thức
Môi trường và điều kiện thuận lợi sẽ là bệ đỡ, chất xúc tác cho đội ngũ trí thức phát huy cao nhất năng lực sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động. Trái lại, môi trường kém, không thuận lợi sẽ gây cản trở, kìm hãm năng lực sáng tạo. Môi trường ở đây không đơn thuần là cơ sở vật chất như: giảng đường, thư viện, các phương tiện nghiên cứu, giảng dạy… vốn trực tiếp gắn liền với công việc thường ngày của giới trí thức, mà đó còn là điều kiện cuộc sống, cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội, không khí dân chủ, tự do sáng tạo, công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội; là sự cởi mở, sẵn sàng trao đổi, lắng nghe của các cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu với trí thức; là sự đoàn kết, sự hợp tác trong hoạt động của trí thức.
Với môi trường cơ sở vật chất và kỹ thuật đầy đủ, hiện đại, thích hợp với yêu cầu nghiên cứu, làm việc sáng tạo của đội ngũ trí thức là điều kiện rất cần cho phát huy vai trò trí thức, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay
Để tạo ra môi trường cống hiến, hợp tác làm việc, ngoài các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, thì việc xây dựng, hình thành các tổ chức chính trị-xã hội nhằm quy tụ đội ngũ trí thức dưới dạng các hội liên hiệp ở các cấp có ý nghĩa rất quan trọng. Đây chính là môi trường tạo sự đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, là nơi hội viên có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn công hiến của mình, và cũng là nơi trí thức phát huy vai trò của mình với tính chất là một đội ngũ.
Cùng với môi trường cứng (cơ sở vật chất kỹ thuật và các hình thức tổ chức) thì môi trường mềm ảnh hưởng rất lớn, đôi khi là quyết định với việc phát huy hiệu quả làm việc của đội ngũ trí thức. Đó chính là cơ chế, chính sách tạo lập môi trường dân chủ, tự do sáng tạo, công bằng và sự phối hợp trong hoạt động của đội ngũ trí thức. Trong môi trường dân chủ, người trí thức được tôn trọng trong quá trình lao động sáng tạo, được đáp ứng nhu cầu tinh thần (sự khẳng định các phẩm chất cá nhân, sự đam mê nghề nghiệp…) cũng như đáp ứng nhu cầu vật chất ((thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình; mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt, phục vụ công việc sáng tạo…) và đương nhiên đáp ứng nhiệm vụ chính trị, thực hiện trách nhiệm của người trí thức với cộng đồng bằng các sản phẩm khoa học có chất lượng.
Tác động của cơ chế kinh tế thị trường
Trong nền kinh tế thị trường, giá trị của sức lao động được thị trường đánh giá, chấp nhận trên cơ sở hao phí sức lao động trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy người lao động nói chung, người trí thức nói riêng. Lao động sáng tạo của trí thức là lao động phức tạp, bằng lao động của mình, người trí thức sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao với xã hội, được xã hội thừa nhận đóng góp vào sự phát triển và nhận được mức bồi hoàn xứng đáng.
Bản thân cơ chế thị trường cũng thúc đẩy sự cạnh tranh, vừa kích thích, đòi hỏi người lao động phải nâng cao năng lực trình độ, vừa là cơ chế đáp ứng, bồi hoàn sức lao động đã cống hiến. Nói cách khác cơ chế kinh tế thị trường tạo ra động lực cho phát huy giá trị của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên cũng vì thúc đẩy chạy theo lợi ích kinh tế, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh, nếu như môi trường luật pháp chưa hoàn thiện cũng như ý thức và trách nhiệm của người lao động xuống cấp. Điều này dẫn đến thiếu trung thực trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo, cấu kết, tham ô…làm cho không những không phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức mà ngược lại gây thiệt hai, mất mát cho xã hội. Những hiện tượng gần đây liên quan đến thị trường thuốc và kit xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 là minh chứng điển hình cho sự suy thoái xuống cấp của một bộ phận trong đội ngũ trí thức. Thực trạng này đặt ra yêu cầu, đi liền với đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, rất cần sự rèn luyện bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp với đội ngũ trí thức trong nền kinh tế thị trường.
Hệ thống thể chế, chính sách, quy định đãi ngộ, đánh giá và tôn vinh đội ngũ trí thức
Hệ thống thể chế, chính sách, quy định đãi ngộ, đánh giá và tôn vinh đối với trí thức là một trong những yếu tố quan trọng có tác động lớn đến phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Hệ thống thể chế quy định địa vị pháp lý góp phần tạo môi trường làm việc thuận lợi. Cùng với đó, các chính sách phù hợp tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch, là động lực cho sự cống hiến. Đi liền với đó là sự động viên, tôn vinh kịp thời. Các chính sách này không chỉ tạo điều kiện cho trí thức cống hiến, mà còn khuyến khích, thúc đẩy niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của người trí thức.
BOX: Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc bảo đảm thu nhập đủ sống cho đội ngũ trí thức, không chỉ bảo đảm điều kiện cho người trí thức toàn tâm cống hiến, mà còn là cơ sở bảo đảm chuẩn mực liêm khiết trong hoạt động khoa học.
Một vấn đề đáng chú ý hiện nay, việc quản lý, đánh giá trí thức về cơ bản vẫn thực hiện theo quy trình chung như đối với tất cả các loại nhân lực khác, chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự chú ý tạo điều kiện cần thiết để đội ngũ trí thức phát huy năng lực. Hành lang pháp lý bảo đảm môi trường dân chủ và tự do học thuật chưa đồng bộ. Bên cạnh đó cũng chưa có cơ chế, chính sách đào tạo, tuyển dụng, bố trí, sử dụng và trả công có tính đặc thù áp dụng riêng cho đội ngũ trí thức, thiếu chính sách và cơ chế để trí thức chuyên tâm cống hiến, phát triển và được xã hội tôn vinh bằng chính kết quả hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Trong thực tế, đôi khi còn hành chính hóa các hoạt động của trí thức, gây không ít khó khăn cho việc tập trung vào lao động sáng tạo. Chính tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút, đào tạo và phát huy vai trò đội ngũ trí thức mới, thậm chí còn dẫn đến làm tình trạng chảy máu chất xám thêm phức tạp.
Do vậy, để phát huy hiệu quả đội ngũ trí thức, một trong những việc cần làm là nghiên cứu xây dựng hệ thống chính sách, quy định đánh giá, đãi ngộ phù hợp, thậm chí cần có những ưu đãi đặc thù với đội ngũ trí thức. Tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng chế và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của đội ngũ trí thức.
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển
Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, ngoài các cơ chế chính sách, nhà nước cần huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Trước hết là đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao kết quả nghiên cứu. Theo định hướng và mục tiêu đặt ra, nhà nước thông qua cơ chế đặt hàng để thu hút đội ngũ trí thức tham gia giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ đặt ra trước yêu cầu phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đi liền đó, cần thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục để tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo. Thực tế hiện nay mức đầu tư cho khoa học công nghệ ở Việt Nam còn hạn chế;tỷ lệ chi cho khoa học - công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.
Cùng với nguồn đầu tư từ nhà nước, thông qua các cơ chế, chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân đầu tư vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu.
Kinh nghiệm phát triển khoa học công nghệ của các quốc gia trong khu vực cho thấy, phần đầu tư cho nghiên cứu phát triển và triển khai của khu vực ngoài nhà nước ngày càng tăng, thu hút và phát huy ngày càng hiệu quả đội ngũ trí thức tham gia đóng góp vào sự phát triển, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, để gia tăng sự đóng góp của đội ngũ trí thức cũng như để thúc đẩy phát triển hơn nữa khoa học công nghệ nước nhà, đầu tư của Việt Nam cho nghiên cứu và phát triển nên tập trung theo các hướng cơ bản sau: Một là, đầu tư cho phát triển nhân lực để sẵn sàng có lao động tay nghề cao cho hoạt động R&D. Nâng cao chất lượng của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu và cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, đồng thời có những chính sách về thu hút và hỗ trợ nhà nghiên cứu tài năng, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực về khoa học, công nghệ. Hai là, triển khai một số cơ chế, chính sách mở linh hoạt hơn để tạo sự khác biệt, linh hoạt, hấp dẫn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D. Khuyến khích doanh nghiệp lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của mình. Ba là, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù đối với một số dự án “chủ lực” nhằm tạo động lực lan tỏa thu hút các dự án FDI có hoạt động R&D đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Bốn là, tăng cường các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các biện pháp thực thi bảo hộ trí tuệ và các hoạt động sở hữu trí tuệ được tập trung triển khai theo hướng phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong nước, hướng đến hình thành một nền kinh tế thâm dụng trí tuệ ở Việt Nam(1).
Trình độ, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức
Trình độ của đội ngũ trí thức được xem là điều kiện đầu tiên, điều kiện cần có để sử dụng và phát huy sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức vào sự phát triển của mỗi quốc gia. Trình độ không hẳn thể hiện ở bằng cấp mà thể hiện ở năng lực giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đội ngũ trí thức được đánh giá cao khi có nhiều kết quả nghiên cứu giải quyết các vấn đề của đời sống trong nước và quốc tế. Một trong những tiêu chí quan trọng là số lượng các công trình khoa học được công bố bởi các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế. Do vậy muốn phát huy tốt vai trò đội ngũ trí thức, điều đầu tiên cần có chính sách quan tâm đến đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức có năng lực, trình độ sánh ngang với các quốc gia khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, trình độ mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để trở thành trí thức, bởi một người có trình độ học vấn cao chỉ có thể trở thành trí thức khi người đó đem tri thức của mình áp dụng vào hoạt động lao động, sáng tạo, áp dụng vào thực tế xã hội, để phục vụ xã hội. Nói cách khác việc phát huy đội ngũ trí thức còn phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm của chính người trí thức nói riêng và đội ngũ trí thức nói chung. Để có được điều này, đi liền với đào tạo chuyên môn, cần đào tạo giáo dục về ý thức trách nhiệm, về đạo đức của người trí thức. Vai trò của người tri thức thực sự được phát huy tác dụng cao nhất khi họ ý thức được lao động vì sự phát triển đất nước, vì hạnh phúc của chính họ và người dân./.
PGS.TS. Vũ Văn Hà - Ths. Vũ Thị Phương Dung
-------------------
(1) Cục ứng dụng và phát triển công nghệ: Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển: kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, most.gov.vn, ngày 29/6/2022