(TG)-Là một tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có trên 64% dân số là người dân tộc thiểu số với 25 dân tộc khác nhau. Trong những năm qua tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng: GDP bình quân năm tăng trên 14%; đời sống của nhân dân các dân tộc được cải thiện; quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh nông thôn và biên giới được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng…Đạt được kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, căn cứ chỉ tiêu, biên chế được giao và tiêu chuẩn công chức theo quy định, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lào Cai đã có những chính sách thu hút, ưu tiên, tạo điều kiện khi tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số công tác từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã. Do đó, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số so với tổng số cán bộ toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động của cả hệ thống chính trị.
UBND tỉnh Lào Cai ban hành mới một số chính sách như Quyết định số 73/2007/QĐ-UBND về sửa đổi và ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút cán bộ khoa học, kỹ thuật có trình độ cao và nghệ nhân về làm việc tại Lào Cai; Quyết định số 44/2008/QĐ-UBND về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ cơ sở tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mặt khác tỉnh đã quyết định giao thêm một số chức năng, nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về các kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ đạo các ngành chức năng tranh thủ các nguồn lực, chương trình từ các bộ, ngành trung ương từ đó lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh....Công tác kiểm tra đánh giá, tổ chức sơ kết định kỳ được các cơ quan chủ trì được thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị đã thường xuyên tổ chức rà soát, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện nhằm phát hiện những bất cập để kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế của tỉnh.
Chỉ tính trong 3 năm gần đây đã tổ chức các lớp đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng cho trên 7.200 lượt người. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho 870 người, lựa chọn và cử 105 con, em dân tộc thiểu số đi đào tạo đại học theo địa chỉ tại các trường đại học ở Trung ương để tạo nguồn cán bộ cho tương lai. Tuyển dụng 1.717 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số vào cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, chiếm 65% tổng số người được tuyển. Tuyển dụng 54/74 sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp đại học. Đến nay, hầu hết các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đều có cán bộ là người dân tộc thiểu số. Số lượng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số của tỉnh đã tăng lên rõ rệt.
Nếu năm 2000 chỉ có 2.069/13.042 là người dân tộc thiểu số, chiếm 15,86%, thì đến nay đã tăng lên 6.313/25.107, chiếm 25,1% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý ngày càng nhiều, có 17 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2010 - 2015), chiếm hơn 30%; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh chiếm trên 36%; Cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ chức vụ trưởng, phó ngành của tỉnh chiếm trên 14%, cán bộ diện sở, ngành quản lý chiếm hơn 13%, cán bộ diện huyện quản lý chiếm 23%. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, độ tuổi dưới 40 chiếm gần 78%, về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn cũng từng bước được quan tâm phát triển. Nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số của tỉnh được Đảng và Nhà nước điều động về Trung ương giữ các chức vụ cấp cao quan trọng. Ngoài ra, còn rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức tỉnh đã được điều động về công tác tại các bộ, ngành góp phần bổ sung nguồn cán bộ có trình độ năng lực đã được tôi luyện và trải qua thực tế cơ sở cho Trung ương, đây là nguồn nhân lực quan trọng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lào Cai.
Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay chưa phù hợp với tỷ lệ dân số của tỉnh. Các dân tộc thiểu số toàn tỉnh chiếm tỷ lệ trên 64% dân số nhưng tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số mới đạt 26,66% và phân bố không đều. Cán bộ dân tộc thiểu số của Lào Cai tập trung chính ở cấp xã, các đơn vị sự nghiệp (giáo dục, y tế), khối đảng, đoàn thể, còn trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các ngành khối kinh tế còn ít. Nguyên nhân do một bộ phận cán bộ người dân tộc thiểu số vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số; thiếu sự rèn luyện trong học tập và công tác để phấn đấu vươn lên.
Việc bố trí cán bộ chưa khoa học, hợp lý về cơ cấu trong từng cơ quan, đơn vị. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành, ban, các cấp và các cơ quan làm công tác tham mưu về nhân sự chưa đầy đủ, chưa thấy hết vị trí, ý nghĩa của việc quy hoạch, tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Việc bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số hằng năm tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp (đặc biệt là sinh viên có trình độ cao đẳng, đại học) còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối về cơ cấu cán bộ, nhất là số cán bộ dân tộc thiểu số ở các ngành của tỉnh. Số cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số được bố trí đi đào tạo, bồi dưỡng còn ít và gặp khó khăn về phía gia đình, nhất là cán bộ nữ dân tộc ở cấp xã.
Để công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn, bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ toàn tỉnh nói chung, cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng đạt chuẩn và hoạt động có chất lượng xứng tầm với sự phát triển đi lên của địa phương và đất nước, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ Đảng và Hội đồng nhân dân các cấp, các địa phương đơn vị và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở về vị trí vai trò đối với việc tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; Chú trọng đến công tác lựa chọn một cách đồng bộ từ cơ sở: bao gồm cả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; đảm bảo ở các cấp, ngành, lĩnh vực đều có các đối tượng cán bộ là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của co quan, đơn vị; Quan tâm đến việc đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường phổ thông dân tộc nội trú, các đơn vị giáo dục chuyên nghiệp, các trung tâm dạy nghề tại địa phương đối với việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu tiên trong đào tạo và sử dụng cán bộ./.
Ngô Hữu Tường
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lào Cai