Trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ dành cả
buổi sáng ngày 15/11/2014 để làm công việc lấy phiếu tín nhiệm đại biểu
Quốc hội. Cảm giác đầu tiên của nhiều cử tri là thấy mừng và đặt nhiều
hy vọng.
Tuy nhiên, nhiều cán bộ nghỉ hưu, trong đó có nhiều người đã công tác liên tục trong hơn 50 năm tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước và đoàn thể đặt rất nhiều quan tâm.
Chúng ta đã làm công tác lấy phiếu tín nhiệm hoặc có nơi còn làm đến mức bỏ phiếu tín nhiệm; nhưng kết quả vẫn không đạt, hiệu quả công tác của không ít cán bộ, công chức vẫn chưa tốt lên, dân vẫn kêu ca về tình trạng nhũng nhiễu, kém hiệu quả của một bộ phận cán bộ công quyền.
Lấy gì làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm?
Chí ít phải căn cứ vào việc người lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn thành ra sao các nhiệm vụ được giao, nhất là đối với đại biểu Quốc hội khóa XIII này đã được bầu từ mấy năm nay và nhiệm kỳ của Quốc hội cũng gần sắp hết. Căn cứ vào các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, nhất là những ý kiến thảo luận rất sôi nổi hiện nay tại Quốc hội về các dự thảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội đã đề ra. Căn cứ vào sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân nói chung đối với những đại biểu Quốc hội mà họ đã bầu ra trong mấy năm nay làm việc và quan hệ với nhân dân và cử tri ra sao. Căn cứ vào việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập và giữ gìn phẩm chất đạo đức của người đại biểu trong thời gian qua, nhất là việc người đó đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ đến đâu. Căn cứ vào thái độ tự phê bình của mỗi đại biểu và sự phê bình thẳng thắn, nghiêm túc của các đoàn đại biểu Quốc hội thì mới tránh được tình trạng “dĩ hòa vi quí”, “dễ người dễ ta”, khiến chẳng ai dám nói ra sự thật.
Mức lấy phiếu tín nhiệm phải như thế nào?
Quốc hội dự kiến đề ra 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Như vậy có đúng và hợp lý không? Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thi tuyển sinh viên vào các trường Đại học cũng đề ra 3 mức để chọn nhân tài: Thi đỗ điểm cao, thi đỗ từ mức trung bình trở lên và thi không đạt điểm trung bình phải loại.
Còn khi thi tuyển cán bộ công chức thì chỉ có 2 mức: Đạt và không đạt (như thi tuyển lấy sinh viên vào các trường đại học). Do đó, dư luận trong nhân dân và cán bộ đề nghị Quốc hội chỉ nên đề ra hai mức trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này là: Tín nhiệm và không tín nhiệm. Như vậy, người nào còn tín nhiệm thì giữ lại, người nào không còn tín nhiệm thì phải nghỉ. Thế mới đúng, mới nghiêm, mới rèn luyện và giáo dục được cán bộ. Làm như vậy còn tránh được tình trạng đại biểu Quốc hội khi đã trúng cử rồi thì sinh ra chủ quan, kém ý chí phấn đấu và rèn luyện, suốt cả nhiệm kỳ không đóng góp được là bao cho công việc của Quốc hội và không thực hiện được bao nhiêu sự ủy thác của cử tri đã bầu mình.
Điều đáng nói nữa là: Nếu có thể lấy phiếu tín nhiệm, thậm chí cả bỏ phiếu tín nhiệm cũng được đối với các đại biểu Quốc hội thì tại sao không lấy phiếu tín nhiệm các cán bộ công chức nói chung làm trong các cơ quan công quyền ? Nếu ta đề ra được các quy chế và quy trình làm việc đúng đắn, dám làm và nghiêm túc thì chắc chắn sẽ lựa chọn được nhiều người xứng đáng, đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất… để đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao, loại bỏ được những cán bộ yếu kém, bất cập, không có đức, không có tài, thoái hóa biến chất. Làm được như vậy thì uy tín của Đảng, của Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể càng được nâng cao, càng bền chặt; người dân càng tin yêu, ủng hộ chúng ta nhiều hơn. Điều đó, có lợi cho công cuộc đổi mới, sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Theo Báo Tin tức