Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 26/2/2011 10:32'(GMT+7)

Lễ hội Cấp sắc người Dao đỏ Nậm Lành

Theo tục lệ người Dao, Lễ cấp sắc có sự tích như sau: Xưa kia khi tổ tiên người Dao đỏ đang sinh sống trên các sườn núi, bỗng đâu ma, quỷ xuất hiện. Chúng giết hại bà con, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng. Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho dân. Giết mãi không hết, Ngọc Hoàng liền kêu gọi người trần gian cũng phải biết tự cứu lấy mình. Nhưng vì, người trần gian không có phép thuật nên hễ đánh là thua. Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp cho một đạo sắc chỉ, phong thầy, để cùng với quân nhà trời xuống trần gian trừ yêu quái. Nhờ có sự hiệp lực giữa trời và người mà tất cả ma quỷ đều bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc (quá tăng) cho những người đàn ông đã lập gia đình có lòng muồn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời từ đó và lưu truyền đến tận ngày nay.

Ông thầy trong Lễ cấp Sắc phải chọn thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ của người dân tộc Dao. Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới. Buổi lễ cấp sắc có thể làm chỉ một hoặc nhiều người, nhưng phải là số lẻ.

Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên, họ được cấp ba đèn và 36 binh mã, đây là nghi thức thông thường. Bậc hai họ được cấp bảy đèn và 72 binh mã. Cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã.

Người Dao ở Nậm Lành huyện Văn Chấn thường quan niệm: Con người sinh ra và lớn lên phải có ba thầy dạy dỗ mới trở thành con người có đức, có ích cho gia đình và xã hội.

Thầy thứ nhất là bố mẹ đẻ; bố mẹ đẻ ra con cái phải dạy con tập nói, tập đi, tập theo gương bề trước, học theo những điều hay, không để cho con cái mình ngu dốt, lười biếng; phải biết kính trên, nhường dưới, có tình thương yêu con người.

Thầy thứ hai là thầy cô giáo dạy chữ, biết tiếp xúc và quan hệ xã hội, biết khoa học và công nghệ, biết làm người và trở thành người có ích cho xã hội.

Thầy thứ ba là thầy mo cấp sắc cho từng người để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thầy mo dạy bảo con cháu tôn sư trọng đạo, kính thầy, yêu nước, yêu quê hương. Không được làm điều ác, không làm những điều trái với lương tâm, đạo đức...

Chuẩn bị làm Lễ cấp sắc phải xem tuổi anh cả có hợp với năm cấp sắc không, phải chọn ngày tháng tổ chức, số người tham gia, số thầy cúng.

Lễ vật, vật dụng trong lễ cấp sắc gồm: hai con lợn (phải từ 50 kg trở lên); hai con gà để cúng bái tổ tiên. 100 tờ giấy bản; quần áo thầy cúng (mỗi người một bộ); chuông dâng hương (mỗi người một chiếc); ghế xu (mỗi người một chiếc, Gia đình chuẩn bị gỗ, thầy cúng sẽ đóng); bộ đèn ba chiếc, tích một bộ; tồng chìn (mỗi xu để một bộ 36 chiếc), một bộ trống chiêng.

Việc đầu tiên của Lễ cấp sắc là gia đình làm cơm, rượu cúng báo tổ tiên về việc chuẩn bị và hẹn thời điểm tiến hành lễ cấp sắc.

Ngày hành lễ cấp sắc thường gần Tết nguyên đán, khi ấy lúa trên nương đã đầy bồ, lợn trong chuồng đã béo, thời tiết se lạnh phù hợp việc nhảy múa hát ca. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng không được nói tục, chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng, không được để ý đến phụ nữ... Thời gian tiến hành lễ cấp sắc ba đèn kéo dài từ một đến hai ngày, cấp sắc bảy đèn ba đến năm ngày. Các nghi lễ chính gồm: Lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên, các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự, sau đó thầy cúng làm lễ khai đàn, nhằm báo cho tổ tiên biết lý do buổi lễ. Người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề, ngồi trước bàn, hai tay giữ một cây tre ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Đặc biệt trong lễ cấp sắc là cấp đạo sắc cho người thụ lễ với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Tại đạo sắc này, tên âm của người thụ lễ được ghi luôn để khi chết về được với tổ tiên. Quan trọng nhất trong nghi lễ là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Người thụ lễ lấy vạt áo hứng gạo từ thầy cả và bố đẻ, sau đó các thầy sẽ dạy cho người thụ lễ một số điệu múa.

Kết thúc nghi lễ, các thầy múa dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh. Từ đây chàng trai thụ lễ đã được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn toàn về thể xác cũng như tâm linh.

Theo GS.TS Hoàng Nam, giáo viên Khoa Văn hóa dân tộc, Trường Đại hoc Văn hóa thì: Lễ cấp sắc của người Dao đỏ có giá trị nhân văn được thể hiện ở các giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu. Trong ngày cấp sắc, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của người dân trong bản với các nhạc cụ: thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, được hình tượng hóa bằng các động tác nhảy, múa kết hợp với ca hát để Bàn Vương và tổ tiên, dòng họ xem như diễn tả về việc làm nương rẫy, tra hạt, làm nhà...

Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, để cả bản đến xem đông vui như trẩy hội. Một trong những nguyên nhân chính khiến lễ cấp sắc còn giữ được nguyên vẹn truyền thống là bởi nhận thức của người dân về những giá trị tinh thần cao quý, là nguồn mạch sâu xa tạo nên sự gắn kết cộng đồng dân tộc.

(Theo Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất