Sự
thanh bình, thân thiện trong các lễ hội ở Quảng Nam không phải vì quy
mô lễ hội nhỏ, ít “hiển linh” mà bởi cách ứng xử của con người với lễ
hội. Mọi người đến với lễ hội trong tâm thế của người con tìm về cội
nguồn, tưởng nhớ công đức của người đi trước và cầu mong những điều tốt
đẹp đến với mọi người chứ không phải xin lộc cho cá nhân mà dẫn đến
giành giật phản cảm như vừa xảy ra tại một vài nơi.
Phố cổ Hội An, tỉnh
Quảng Nam những ngày đầu xuân rộn ràng trong không khí lễ hội. Đó là các
lễ giỗ tổ nghề mộc, lễ hội làng gốm Thanh Hà, Hội cầu bông, Tết Nguyên
Tiêu… Trong đó, có những lễ hội thu hút hàng vạn người tham gia như: Lễ
rước Cộ Bà chợ Được, lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu,
Lễ tế cá Ông, lễ cúng tổ Minh Hải, Tết Nguyên Tiêu… mang đậm giá trị văn
hóa dân gian truyền thống.
3 năm liền, bà Jan
Chambers, du khách Australia đều tham dự “Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam”. Sau
khi dự lễ, bà tìm đến nhà dân để tìm hiểu quy trình trồng bắp và chế
biến các sản phẩm từ bắp. Đi đến đâu, bà Chambers cũng nhận được sự chào
đón niềm nở, những nụ cười thân thiện cùng với lời mời thưởng thức món
ăn mộc mạc, dân dã của làng quê nơi đây.
|
Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam |
Bà
Jan Chambers cho biết, chính tình cảm của người dân địa phương đã níu
kéo bà quay trở lại vùng đất này: “Tôi rất hạnh phúc khi tham gia lễ hội
Bắp nếp Cẩm Nam. Lễ hội này cho tôi biết thêm một nét văn hóa mới, một
cách chế biến bắp khác biệt so với quê hương chúng tôi. Hôm nay, tôi đã
được thưởng thức rất nhiều món ngon tại đây”.
Làng gốm Thanh Hà nằm
bên bờ sông Thu Bồn thơ mộng thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An,
tỉnh Quảng Nam những ngày đầu xuân rộn rã tiếng cười. Hằng năm cứ vào
ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, hàng trăm hộ dân nơi đây tập trung về
miếu Nam Diêu thành kính giỗ tổ trong sự chứng kiến của người dân và du
khách. Bây giờ đã quá nửa tháng Giêng rồi mà dư âm lễ hội vẫn còn vang
vọng.
Chị Nguyễn Thị Hà, bán
hàng tại đây cho biết, sản phẩm bày bán ở đây ngày tết cũng như ngày
thường, lúc diễn ra lễ hội cũng như không có lễ hội, giá cả các mặt hàng
đều không thay đổi. “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, ở đây
không có chuyện người dân lợi dụng lễ hội để chèo kéo, “chặt chém” du
khách. Chị Hà cho rằng, chặt chém là cách “ ăn xổi ở thì”. Khách đến đây
ngoài việc tham quan còn được tham gia làm đất, nặn tượng.
Thạc sĩ Trần Ánh, nhà
nghiên cứu văn hóa, hiện là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An, tỉnh
Quảng Nam cho biết, đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa Thế giới hội tụ
văn hóa vật thể và phi vật thể. Mà văn hóa phi vật thể là cái vô hình.
Lễ hội hay các hình thức tín ngưỡng dân gian là văn hóa phi vật thể, lưu
tồn song hành với sự phát triển của xã hội. Ông Trần Ánh cho biết, lễ
hội ở Hội An diễn ra quanh năm nhưng vẫn giữ được trật tự. Chính sự văn
hóa, lịch thiệp của người Hội An đã thu hút hàng triệu lượt khách đến
tham quan mỗi năm. Nhiều lễ hội diễn ra dài ngày nhưng vẫn giữ được sự
tôn nghiêm, an toàn cho du khách. Có lẽ chính vì thế mà thành phố Hội
An, tỉnh Quảng Nam được nhiều tạp chí nổi tiếng trên thế giới bình chọn
là “Thành phố được yêu thích nhất”.
Theo ông Đinh Hài, Giám
đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam thì bản chất của lễ
hội vốn có từ ngày xưa. Việc tổ chức lễ hội là việc của nhân dân chứ
không phải chính quyền đứng ra tổ chức: “Chúng tôi hướng đến giao cho
người dân địa phương chủ động đứng ra tổ chức, Nhà nước chỉ giữ vai trò
giám sát và hỗ trợ. Nhìn chung các lễ hội của Quảng Nam trong dịp đầu
năm mới đã thu hút được khách du lịch. Thông qua việc tổ chức lễ hội
cũng giúp cho người dân địa phương đặt niềm tin vào năm mới thắng lợi
trong phát triển sản xuất. Người dân mà chủ động đứng ra tổ chức lễ hội
đảm bảo được bản sắc văn hóa lễ hội”.
Lễ hội là sự kiện văn
hóa mang tính cộng đồng. Thế nhưng, việc tổ chức lễ hội hiện nay tại
nhiều địa phương không còn là chuyện của cộng đồng nữa mà là chuyện của
chính quyền và ngành chức năng. Nhiều lễ hội trước đây chỉ diễn ra trong
cộng đồng làng, xã; nay đã nâng cấp thành lễ hội cấp tỉnh hoặc quốc gia
để tổ chức hoành tráng khiến đối tượng “ăn theo” lễ hội ngày càng
nhiều. Có lẽ vì thế mà nhiều lễ hội dần mất đi bản sắc văn hóa tốt
đẹp./.
Theo VOVnews