Sau Thái Lan (năm 2005), Macau – Trung Quốc (2007) thì Việt Nam được chọn tổ chức AIG III – 2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam trở thành chủ nhà của một kỳ Đại hội thể thao tầm cỡ châu lục, quy tụ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đại hội thể thao trong nhà lần thứ 3 sẽ có 21 môn thi (1 môn biểu diễn), tranh 219 bộ huy chương.
Đúng 20 giờ tối 30/10, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), lễ khai mạc Đại hội thể thao trong nhà lần thứ 3 – AIG III diễn ra hoành tráng, ấn tượng, hấp dẫn với màn trình diễn âm thanh, ánh sáng hiện đại. Trên khán đài B, một màn hình LCD lớn nhất từ trước đến nay với diện tích 400 m2 sẽ tạo hiệu ứng phối hợp với hình ảnh trong chương trình biểu diễn.
Ngoài sự có mặt của 42 đoàn thể thao các nước châu Á, trong buổi lễ khai mạc còn có sự góp mặt của khoảng 5.000 diễn viên, nghệ sĩ, học sinh của Trường đại học TDTT Bắc Ninh, các trường múa, Cao đẳng, THPT, THCS trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận và hơn 40.000 khán giả có mặt trên sân Mỹ Đình.
Chương trình Lễ khai mạc được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được diễn ra theo thông lệ quốc tế và nghi lễ quốc gia. Phần hội, bao gồm 3 chương, chương 1: AIG III - Ngày hội thể thao của tuổi trẻ; chương 2: Văn hóa Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội; chương 3: Hội nhập và khát vọng châu Á.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một Đại hội thể thao mang tầm cỡ châu lục. Đến dự Lễ khai mạc Đại hội có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Trưởng ban tổ chức Đại hội Hoàng Tuấn Anh.
Về phía TP. Hà Nội có ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UNBD TP.HN.
Về phía khách quốc tế, đại hội vinh dự có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á (OCA), Hoàng thân Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah; Phó Thủ tướng nước CHDCND Lào Somsavat Lengsavad và các đại sứ quán các nước.
Lễ khai mạc được bắt đầu bằng lễ rước Quốc kỳ của nước chủ nhà Việt Nam. Tiếp đó là lễ diễu hành của các đoàn tham dự đại hội. Dẫn đầu là đoàn Afghanistan, tiếp đến là các đoàn thể thao Bhutan, Bangladesh, Bahrain, Brunei Darussalam, Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Iran, Iraq, Jordan, Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Kuwait, Lào, Ma Cao (Trung Quốc), Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Syria, Thái Lan, Tajikistan, Turkmenistan, Đài Loan (Trung Quốc), Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Uzbekistan, Yemen, Đông Timor, Kyrgyzstan. Cuối cùng là đoàn thể thao nước chủ nhà Việt Nam ( với 505 VĐV, thi đấu ở 21 môn chính thức và một môn biểu diễn).
|
Đoàn chủ nhà Viêt Nam |
Sau lễ diễu hành của các đoàn thể thao tham gia đại hội, các vận động viên tiêu biểu của các đoàn thể thao tham dự đại hội AIG III, dẫn đầu là VĐV Bùi Thị Nhung (HCV nhảy cao châu Á), Nguyễn Tiết Cương (5 lần vô địch thế giới môn đá cầu) và Nguyễn Tiến Cương (Vô địch bắn súng châu Á) của nước chủ nhà Việt Nam làm lễ rước đuốc thắp lửa đại hội.
Nghi lễ châm lửa thắp sáng đại hội của vận động viên Bùi Thị Nhung và màn pháo hoa rực sáng kết thúc là đến phần lễ kéo cờ nước chủ nhà và lá cờ biểu tượng của Đại hội AIG.
Thay mặt BTC, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Trưởng ban tổ chức Đại hội AIG III bày tỏ lòng cảm ơn Hội đồng Olympic châu Á đã tin tưởng, ủng hộ Việt Nam đăng cai, tổ chức Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần này. Đây là một sự kiện thiết thực, to lớn, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị tích cực cho Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Việc tổ chức đại hội thể thao châu Á lần này, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với thể thao châu lục; khẳng định ý chí, quyết tâm, phấn đấu đưa thể thao châu Á đi lên. Tăng cường hợp tác, hoà bình vì một châu Á phát triển, góp phần vào phong trào Olympic quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) - Hoàng thân Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah cho rằng: Thành công của kỳ đại hội SEA Games 2003 là minh chứng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể đăng cai thành công các đại hội thể thao khác. Bởi vậy, sự thành công của một đại hội thể thao mang tầm châu lục như Đại hội thể thao châu Á trong nhà AIG III sẽ là minh chứng rõ ràng hơn, cho thấy Việt Nam có khả năng tổ chức được những sự kiện lớn hơn nữa.
Cũng thông qua đại hội này, Hội đồng Olympic châu Á không những cố gắng hết mình để quảng bá, tuyên truyền những ý tưởng thể thao trên khắp châu lục mà còn tạo cơ hội cho thanh thiếu niên của châu Á, đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ thể hiện khả năng tốt nhất của bản thân.
Hoàng thân Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah nhắn nhủ: “Vinh quang cuối cùng không phải là những tấm huy chương mà các bạn đạt được mà là việc các bạn thể hiện tinh thần thể thao cao thượng và trong đó tất cả các bạn đều là người chiến thắng”.
Cùng với lời “cảm ơn Việt Nam” ba lần bằng tiếng Việt, Hoàng thân Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah trân trọng kính mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lên tuyên bố khai mạc đại hội.
“Thay mặt nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi tuyên bố khai mạc Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ III tại Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố trong tiếng reo hò của hơn 4 vạn khán giả có mặt tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Tiếp đến là phần Lễ của đại hội. VĐV Nguyễn Mai Phương và trọng tài Hoàng Quốc Vinh thực hiện đọc lời tuyên thệ thi đấu trung thực, trong sáng và sẽ giành thành tích cao nhất tại AIG III.
Lúc này, trên bầu trời của Sân vận động quốc gia Mỹ Đình xuất hiện 42 chiếc dù bay mang quốc kỳ của 42 nước tham dự AIG III lượn qua trong tiếng reo hò, phấn khích của các khán giả.
Bà Ngô Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UNBD TP. Hà Nội, Trưởng ban điều hành Lễ khai mạc chính thức công bố bắt đầu hoạt động nghệ thuật của Lễ khai mạc AIG III.
Tiếng Trống hội non sông với dàn hòa tấu trống của 50 tay trống đến từ Nhà hát Tuồng Việt Nam vang lên hùng tráng, làm nổi bật tinh thần thể thao AIG bắt đầu cho phần hội của Lễ khai mạc.
Màn trình diễn của trống hội non sông hùng tráng kết thúc cũng là lúc 500 VĐV nhịp nhàng trong điệu múa cờ xuất hiện mở đầu cho chương I với chủ đề “Ngày hội thể thao của tuổi trẻ”. Bên cạnh đó, linh vật của Đại hội với 240 thiếu nhi trong trang phục con gà cách điệu, thể hiện sự thanh bình của TP. Hà Nội và Việt Nam.
Điểm nhấn của chương I là màn trình diễn Vovinam hòa quyện vào màn múa của các nữ sinh trong trang phục áo tứ thân, áo nón ba tằm, vừa thể hiện được chất tình, sức mạnh, sự khéo léo và tinh thần thượng võ.
Kết thúc chương I là sự sắp xếp tạo hình khéo léo của những diễn viên nón ba tằm tạo nên hình một chiếc trống đồng khổng lồ - giá trị muôn đời của dân tộc Việt Nam.
Chương II: Là những màn múa giới thiệu những nét đặc sắc văn hóa Việt Nam với những màn múa của những lễ hội làng vùng đồng bằng Bắc Bộ; Lễ hội hoa đăng và Múa xuân phả ở miền Trung; Lễ hội Tây Nguyên; Lễ hội sông nước Nam bộ…
Nét văn hóa đồng bằng châu thổ sông Hồng hiện lên trong điệu múa của 50 diễn viên với trang phục tứ thân, nón quai thao, 50 trai tráng với màn múa cờ hội… Hòa trong chất thơ của những nét văn hóa nhẹ nhàng của người đất Bắc là không khí náo nhiệt của lực lượng thể thao trình diễn với những cây Tre thể hiện tinh thần thượng võ của nhân vật Thánh Gióng trong truyền thuyết.
Nét văn hóa của miền Trung nhẹ nhàng đằm thắm được tô điểm trong màn biểu diễn Lễ hội hoa đăng và Múa xuân phả ở miền Trung. Màn biểu diễn được điểm tô bởi 100 diễn viên tay cầm đèn hoa sen thắp nến hòa quyện bên 320 con ngựa hồng và bạch trong màn trình diễn múa ngựa Xuân phả.
Tiếng cồng chiêng bắt đầu cho một lễ hội Tây Nguyên hùng tráng với những màn giã gạo, đánh cồng, múa khiên… như đang sống lại giữa một cảnh hội làng Tây Nguyên. 320 diễn viên cầm khiên, giáo thể hiện cảnh đi săn, sức mạnh và tình thần thượng võ. Ngôi nhà Rông truyền thống cũng được tái hiện trong màn biểu diễn này với sự sếp xếp khéo léo của các diễn viên trên sân.
Tiếng nhạc reo rắt, đằm thắm mở đầu cho nét văn hóa của người dân sông nước Nam Bộ. Các cô gái trong chiếc áo bà ba, các chàng trai chít khăn rằn xuất hiện cùng hát giao duyên. Cảnh sông nước Nam Bộ cũng được tái hiện trong màn đua ghe trên sân khấu lớn.
Chương III có chủ đề: Việt Nam, châu Á. Hội nhập và phát triển (thể hiện khát vọng hội nhập của thể thao nói riêng và Việt Nam nói chung). Diễn viên trong trang phục của 45 nước nối tay nhau tạo thành khối đoàn kết của 5 tiểu vùng châu Á. Một châu Á đoàn kết, đang vươn tới đỉnh cao thành tích thể thao được các diễn viên thể hiện trong màn múa quạt đặc sắc. Thế giới trong tầm tay, thế giới cùng nắm tay nhau sống trong hòa bình là thông điệp trong chương III của màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của Lễ khai mạc AIG III.
Màn nghệ thuật cuối của chương III là hình ảnh những con rồng của đại hội bay lên là thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới: “Thăng Long Hà Nội chào đón AIG III”.
Những màn pháo hoa rực rỡ với muôn màu sắc trên bầu trời của sân Mỹ Đình là phần kết thúc Lễ khai mạc AIG III, như gửi tới lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho một kỳ Đại hội thành công rực rỡ./.
Ngọc Thành-Việt Đức (VOVNews)