Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 7/2/2010 22:16'(GMT+7)

Đọc “Đường Bác Hồ đi cứu nước”

Hạnh phúc của nhà văn là được nhà xuất bản sẵn sàng làm bà đỡ cho tác phẩm của mình, làm cầu nối giữa mình với thế giới muôn màu muôn vẻ của mọi đối tượng độc giả.

Nhà văn Trình Quang Phú đã có được niềm vui ấy, niềm hạnh phúc ấy khi “Đường Bác Hồ đi cứu nước” Nhà xuất bản Thanh Niên cho in từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đến hôm nay “Đường Bác Hồ đi cứu nước” đã được tái bản lần thứ 8 (Nhà xuất bản Thanh Niên).

“Tìm đường cứu nước” không phải là cụm từ mới mẻ ở thời đại Nguyễn Tất Thành. Nhưng so với cha ông, con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có khác. Và không ít nhà nghiên cứu, học giả, nhà văn, nhà báo… trong và ngoài nước đã khai thác cái “khác” ấy ở Nguyễn Tất Thành.

Chính “cái khác” ấy, cùng với những bài học của tiền bối, đã giúp Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc, trở thành Hồ Chí Minh. Học giả Phạm Văn Đồng, người học trò gần gũi của Hồ Chí Minh đã viết “Tôi bắt đầu cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách đặt câu hỏi Hồ Chí Minh là ai lúc ra đi tìm đường cứu nước?”(Đường Bác Hồ đi cứu nước trang 11). Theo Phạm Văn Đồng, phải tìm cho được “dấu ấn của gia đình, quê hương”. Có thể là sự ngẫu nhiên, Trình Quang Phú khi đi vào khai thác Hồ Chí Minh, anh đã khai thác khá sâu về “dấu ấn gia đình và quê hương” đối với Hồ Chí Minh và con đường đi tìm đường cứu nước của Người.

Bằng nhiều con đường, Trình Quang Phú đã tiếp cận được gia phả Hồ Chí Minh ở thế hệ thứ năm, cách nay khoảng 400 năm. Đấy là dòng họ Nho học, nhiều người đỗ đạt. Dẫu có lúc thăng, lúc trầm, nhưng hôm nay chúng ta vẫn có thể hiểu được nền văn hóa đã khai sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua tư tưởng thời đại mình để tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê mà vẫn không đánh mất cái văn hóa làng quê Việt Nam (đại diện là Kim Liên) trọng nghĩa, trọng tình.

Trước sau như một, Hồ Chí Minh vẫn giữ trong mình cái mạch văn hóa: Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng. Cái mạch văn hóa làng quê ấy như một dòng chảy thấm đẫm vào Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh như một tất yếu chan hòa tính nhân văn.

Dẫu là một phó bảng, nhưng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chí Minh) gần như suốt đời lận đận với cái nghèo, với cái khó, với vợ, với con. Khi không còn là quan nữa ông lại giúp đời bằng cái nghề của người thầy thuốc, và nhắm mắt xuôi tay ở cuối đường chân trời đất nước. Ông vượt qua mọi thử thách cuộc đời bằng sự điềm tĩnh hiếm thấy. Ông giao lưu với những người bạn cùng thời với tấm chân tình, bằng hữu. Đấy chính là giá trị tinh thần ông ươm mầm vào tư tưởng con cái ông.

Như những người Việt Nam yêu nước và có học lúc bấy giờ, Nguyễn Tất Thành không thể không tìm hiểu về Phan Bội Châu, về Phan Châu Trinh, về con đường cứu nước của mỗi người, không thể không suy nghĩ về phong trào Đông du, về Đông Kinh nghĩa thục… Tìm hiểu cặn kẽ thời đại mình, Nguyễn Sinh Cung qua tư chất phản biện của mình không phải để chấp nhận mà để tìm con đường phù hợp hơn. Và con đường đó bắt đầu với Nguyễn Tất Thành từ năm 1910 - khi rời Trường Dục Thanh ở Phan Thiết vào Sài Gòn...(Đường Bác Hồ đi cứu nước trang 53)

Sài Gòn sau hơn nửa thế kỷ chiếm đóng của thực dân Pháp, mặc dù có những hào nhoáng của tiền chủ nghĩa tư bản, nhưng không che được cái khoảng tối của người dân lao động, nghèo khổ và đói rách. Ở đây Nguyễn Tất Thành gặp lại cha là phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và nghè Mô, là ông Hồ Tá Bang - những người tốt bụng và yêu nước. Trình Quang Phú đưa chúng ta theo chân của Nguyễn Tất Thành từ căn nhà Thương quán Liên Thành, ở số 1-2-3 đường Tecxa Chợ Lớn, đến trường dạy nghề đào tạo công nhân hàng hải… Có lẽ đây là nơi bắt đầu cụ thể hóa hành trình qua phương Tây của Nguyễn Tất Thành. Từ đây cảng Nhà Rồng, cảng Sài Gòn và những con tàu đến và đi đã trở nên thân quen đối với Nguyễn Tất Thành. Con đường Tây du với Nguyễn Tất Thành từ đây không còn xa vời khuất nẻo nữa mà chỉ còn trong ý niệm thời gian.

Trình Quang Phú dẫn chúng ta lần theo dấu chân của người con trai xứ Nghệ từ Bắc vào Trung rồi vào Nam, từ trong nước ra ngoài nước. Đáng lẽ Đông du như tiếng gọi cha anh, Nguyễn Sinh Cung thực hiện chuyến Tây du. Tây du là một con đường chưa được khám phá để làm một cuộc giải phóng dân tộc. Ở đấy là sào huyệt của kẻ thù. Nhưng bằng linh cảm của mình, bằng trí tuệ mẫn cảm của chàng trai xứ Nghệ ở tuổi 20 ấy, mà ra đi. Ước vọng, khát vọng và căm thù! Tất cả, tất cả đều đã được soi sáng qua dòng tộc, gia đình và làng quê, đúng như lời nhắn nhủ của học giả Phạm Văn Đồng. Tìm hiểu, nghiên cứu... về Bác không thể không thông hiểu hoàn cảnh gia đình, cùng mối tương tác giữa gia đình và xã hội của làng quê xứ Nghệ. Nhiều người đã làm như thế và Trình Quang Phú cũng vậy.

Với hơn 570 trang “Đường Bác Hồ đi cứu nước” là sự chắt lọc tinh khiết, là sự nối kết uyển chuyển và sáng tạo nhiều công trình của người đi trước. Đây là một công trình đã được thực hiện nhiều năm bằng cách trích, nối từ các tác phẩm theo thời gian, cuộc đời hoạt động của Bác để tạo thành một tác phẩm...(Đường Bác Hồ đi cứu nước trang 5). Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Đường Bác Hồ đi cứu nước là một công trình sưu tập, biên soạn công phu... góp thêm với bạn đọc, nhất là các bạn trẻ những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh”(Đường Bác Hồ đi cứu nước trang 7). Trước mắt tôi là một tác phẩm dày dặn, bìa cứng, in đẹp, hoàn toàn xứng đáng để tác giả và nhà xuất bản dâng tặng mừng Đảng Cộng sản Việt Nam 80 tuổi./.

(Theo: SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất