Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 17/1/2010 21:51'(GMT+7)

Nơi tình yêu thắm lại

Minh họa: K.T

Minh họa: K.T

Cưới vợ xong, tuần trăng mật mà tôi chọn là một nơi được mệnh danh là đất chết. Nhiều người cho lời khuyên hãy đến những vùng có cảnh đẹp, các khu du lịch… nhưng tôi đã quyết tâm trở về mảnh đất ba tôi đã cầm súng và chiến đấu. Người vợ mới cưới của tôi ban đầu cũng ái ngại, rồi cuối cùng cũng đồng tình, tôi thật hạnh phúc khi nàng đồng ý.

Ba tôi tham gia chiến trường Quảng Trị một thời gian dài, nghe mẹ và bà kể lại, lúc đóng quân tại một làng ven sông Thạch Hãn, ba thường viết thư về cho mẹ và bà, trong thư kể nhiều về con người và cảnh vật nơi này, kể về cái thị xã nhỏ bé nép mình bên con sông, những con đường bị bom cày xới, những người phụ nữ chân đất bế con chạy khỏi vùng lửa đạn…

Ngày đó, ba đi theo tiếng gọi của miền Nam, như những trai tráng cùng làng, ba cưới mẹ vội vã, đơn sơ bằng một mâm cơm đạm bạc có mặt đôi bên gia đình. Chiến tranh không cho phép mỗi con người hưởng trọn cái hạnh phúc dạt dào của tuổi trẻ, vì hạnh phúc của họ nằm ngoài tiền tuyến, khi đối mặt với quân thù. Sau đêm tân hôn, ba lên đường cùng đồng đội, mẹ đưa tiễn người chồng mà hơi ấm dường như chưa quen. Suốt cuộc hành quân dài từ Bắc đến Trung, ba đều viết thư cho mẹ kể lại những nơi ba đi qua. Sau thời gian ba đi vào giới tuyến, mẹ bắt đầu nuôi trong mình một giọt máu của ba. Tôi sinh ra và lớn lên chưa kịp biết mặt ba, chỉ biết rất mơ hồ qua những ký ức của đồng đội, lời kể của bà và mẹ!...

Giờ đây, những hình ảnh mẹ nhắc lại trong thư của ba giờ đã hiện hình trước mặt. Xuống ga Quảng Trị, ngoắc chiếc ta xi của hãng Dòng Hiền, tôi cùng vợ làm một vòng quanh thị xã. Anh lái xe taxi cũng là một tay “hướng dẫn viên du lịch” nghiệp dư, biết tôi đi hưởng tuần trăng mật thì ngạc nhiên vì sao lại đến nơi này, anh nói ở đây chẳng có điểm du lịch nào phù hợp cho nghỉ tuần trăng mật, chủ yếu là du lịch tâm linh và hoài niệm chiến trường xưa thôi. Anh bảo thị xã này nhỏ bé lắm, nhưng nó chứa nhiều cái mà mỗi một con người cần nhiều thời gian để chiêm nghiệm. Anh bảo đây là đất của lịch sử và văn hóa, những gì còn lại của người Chăm ở vùng đất này cũng nhiều, với lại đây là “cố đô” của nhà Nguyễn, cái buổi sơ khai khi Chúa Nguyễn Hoàng vào đây khai hoang, đã chọn đây là Dinh để yên dân, trị quốc.

Tôi hỏi anh dấu vết của Nguyễn Hoàng còn lại gì trên vùng này, anh bảo giờ còn lại là hoài niệm cùng người dân và những tên làng, tên chợ thôi, còn vật chất cụ thể thì chỉ có những đền thờ, tượng ở làng Trà Liên cách đây không xa. Còn cái dấu vết đáng trân trọng nữa là thành cổ Quảng Trị, đó là dấu vết của thành quách mà thời Nguyễn bỏ lại trên đất Quảng. Đúng là người lái taxi am tường về lịch sử quê hương mình. Anh giới thiệu cho chúng tôi một khách sạn nằm cách thành cổ không xa, chào tạm biệt anh, tự hứa khi quay về sẽ gọi đúng chiếc taxi có anh lái để gặp lại lần nữa. Thị xã vào mùa đông cũng mưa bụi bay lất phất như ngoài Bắc, tôi đứng ở ban công khách sạn để hít một hơi thật sâu vì biết mình đã đặt chân đến mảnh đất thiêng, mảnh đất của sự hy sinh mất mát và oanh liệt!

Buổi sáng, khi cái rét cùng với những cơn mưa phùn bao phủ những con đường, tôi muốn đi bộ trên con đường trục chính của thị xã để thưởng thức cái sức sống từ miền đất thiêng. Bom đạn đã không còn nhưng dấu tích của nó đang hiện hữu trên những mảng tường của những ngôi nhà đổ nát mà nay nó trở thành di tích. Tôi đi ngang qua trường Bồ Đề, cái phế tích rêu phủ xanh nhưng nó làm minh chứng cho cái khắc nghiệt của chiến tranh. Bà cụ bán cháo ghé lại dưới gốc bàng trơ lá, bỏ quang gánh xuống để bày biện mọi thứ ra bán, chúng tôi ăn hai bát bánh canh cá lóc, mùi hành nén thơm ngon quyện trong cái lạnh tê người. Bà bảo bánh canh cá lóc là món đặc sản của người Quảng Trị, món này phải nói đến người Hải Lăng, họ làm thì hết chê.

Tôi hỏi ở cái thị xã hiu hắt này có món gì đặc sản? Bà im lặng một hồi rồi bảo: Bom! Tôi không muốn đi sâu vào cái “đặc sản” này, nhưng bà cụ sau khi biết tôi là người miền Bắc, vào thành cổ để thăm lại mảnh đất nơi ba mình ngã xuống nên cụ như tìm được một người đồng cảm để tâm sự. Cụ bảo đã mất đứa con trai chính trên mảnh đất quê hương mình, con trai cụ ngã xuống vào cái mùa hè đỏ lửa năm 1972. Lúc đó cụ đã ra Vĩnh Linh, cả làng chạy tan tác, chỉ kịp nhìn lại ngôi nhà rồi dìu dắt nhau đi. Những ngày khói lửa thật khủng khiếp, nỗi đau cứ dâng lên khi mỗi chiều ngóng về phía Nam sông Bến Hải, nơi từng những cột khói bốc lên, không biết đứa con trai mình ở lại cầm súng để bảo vệ thành cổ còn sống hay đã chết, nhưng cái không khí muốn diệt tan quân thù luôn sôi sục trong mỗi người dân ở đất thép Vĩnh Linh. Cuối cùng cái hung tin cũng đến trên đôi mắt thâm quầng của người mẹ, con trai bà hy sinh giữa những tấn bom đạn dội xuống. Bà bảo cái thời khắc ấy cỏ cây cũng không còn huống chi là người. Bà gọi đùa “đặc sản” ở xứ này là bom vì nó còn nằm chìm dưới đất, dường như nó không chịu tha cho những người dân nơi này, thỉnh thoảng tiếng nổ xé trời lại vang lên ở đâu đó sau lũy tre, trên đồi trọc và cả những kho phế liệu của người buôn. Tiếng nổ của hơn 30 năm trước và tiếng nổ bây giờ chẳng khác nhau là bao, nghe những tiếng nổ của những quả bom còn sót lại ở đâu đó, thấy nỗi đau mất mát lại thêm một lần bị chà xát như mới hôm qua.

Nhìn những bức tường rêu phong, mưa vỗ về tí tách, từng khóm hoa nở dưới những cành lá của người đàn ông bán cây cảnh trưng bày ở ngôi trường phế tích này, cụ bà rót cốc trà nóng cho tôi như trấn tĩnh lại trong những phút giây hồi tưởng quá khứ. Trong đôi mắt bà ánh lên một vẻ tự hào khi những màu xanh của cây lá, vẻ bình yên của cái thị xã nhỏ bé này có một phần xương thịt góp vào của con trai cụ. Tôi biết điều đó vì chính bà nội của tôi nhiều lần im lặng và hồi ức về đứa con trai của mình, mỗi người có một số phận khác nhau, nhưng riêng cái mất mát nào dường như cũng như nhau.

Tôi đi dưới cơn mưa theo con đường nhỏ để đến sông Thạch Hãn, vợ tôi đi bên cạnh nắm tay co mình vì lạnh, hai chúng tôi như người con lâu ngày trở về quê hương, luôn tìm thấy trong mỗi bước chân có dấu chân của ba đã đi qua. Dòng sông trong xanh, bình yên. Tháp chuông, lầu chuông vừa xây còn thơm mùi gạch mới. Cái hình ảnh bến thả hoa hiện hữu trước mắt, đã có lần tôi ước mơ kính cẩn trước dòng sông này khi xem lễ thả hoa chiếu trên ti vi hay đọc thơ của Lê Bá Dương. Vợ tôi đứng nghiêng mình và nắm tay tôi chặt hơn, tôi biết nàng xúc động khi đứng trước một nghĩa trang trên sông!

Tôi nhớ có lần nghe mẹ kể về ba vượt sông Thạch Hãn để tiếp cận thị xã. Mùa mưa nước to và chảy xiết, ba cùng hai đồng chí bí mật bơi qua sông, vốn là dân sông nước ở sông Hồng nên ba bơi qua được và tiếp cận bờ, một người đồng chí đã bị nước cuốn trôi trước sự bất lực của ba. Nhưng hàng đêm, trước những cấp thiết tiếp ứng quân lực, hàng chục chiến sĩ dũng cảm vượt sông để vào thành cổ.

Quảng Trị biết đến là tỉnh của những nghĩa trang, riêng ở cái thị xã nhỏ bé này có những nghĩa trang kỳ lạ: nghĩa trang trên sông Hãn, nghĩa trang trong thành cổ và xa hơn nữa cái Nghĩa Trũng được hình thành từ thuở Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Dường như đâu đây trong mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều có máu và từ đó cây đâm chồi, hoa nở dâng hương. Một màu xanh bao phủ thành cổ Quảng Trị, xanh cỏ cây, xanh nước hồ của những con kênh chạy quanh bờ thành, xanh áo, xanh mũ của các cựu chiến binh về đây dâng nén hương nồng mặc niệm đồng đội đã khuất.

Tôi cúi xuống đưa tay lướt nhẹ trên những cành cỏ lau, những giọt mưa đầu mùa đông tạo thành những giọt nước như những đôi mắt nhìn tôi, nhìn bầu trời hòa bình…

Dù không đi qua chiến tranh, nhưng những bức ảnh của Đoàn Công Tính ở bảo tàng đã cho tôi biết những người con ưu tú của mọi miền đất nước đã chiến đấu trên mảnh đất này thật anh dũng. Tôi cùng vợ dâng nén hương thơm thắp ở bia tưởng niệm, lòng run run nghẹn ngào vì đã về nơi mảnh đất mà ba mình ngã xuống: “ Ba ơi, con đã về đây thăm ba và các chú…”.

Tôi bóc một nắm đất ở trong cái “nghĩa trang” này đưa vào túi nylon, một nắm đất nhỏ để đưa về cho mẹ, cho bà, trong đó đã thấm máu thịt của ba hơn 30 năm trước. Tôi tin chắc là thế.

YÊN SƠN - SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất