Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Sáu, 5/2/2010 21:28'(GMT+7)

“Em là mầm non cuả Đảng”- Một tiếng reo vui của trẻ thơ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

“Em là búp măng non em lớn lên trong muà Cách mạng. Sướng vui có Đảng tiền phong, có Đảng như ánh thái dương sống yên vui trong tình yêu thương, cuộc đời ngàn năm bừng sáng...”

Mở đầu bài hát là tiếng reo vui cuả những em bé đựơc sinh ra khi có Đảng và như những búp măng non lớn lên trong vườn xuân cuả Cách mạng. Những búp măng non ấy được vun trồng uốn nắn, được sống yên vui trong vòng tay cuả cha mẹ, trong tình thương yêu cuả Đảng, Bác Hồ. Cuộc đời tăm tối bao năm nay bỗng bừng sáng bởi ánh sáng cách mạng. Ánh sáng cuả Đảng ta đã sưởi ấm cho tất cả mọi người dân- đặc biệt là trẻ thơ- những “búp trên cành”. Ở đây, tác giả dùng hình ảnh những “búp măng non” được lớn lên trong mùa Cách mạng. Hình ảnh búp măng non trên huy hiệu cuả các em như biểu tượng của “tre già măng mọc” - một sư kế thừa và phát huy. Muà Cách mạng - mùa xuân. Vâng! Khởi thuỷ cuả mọi sự sinh sôi phát triển đều từ mùa xuân, lại có thêm ánh thái dương đã bừng sáng làm tràn ngập hy vọng cuả vườn xuân Cách mạng.

Em bé lại càng tự hào khi được mang trên vai chiếc khăn quàng dỏ thắm - một góc lá cờ Tổ Quốc - đã thấm máu cuả bao thế hệ cha anh. Những truyền thống ấy như “tiếng thơm muôn đời còn vang”. Truyền thống đó là truyền thống đấu tranh bất khuất, ý chí quật cường cuả bao lớp người “cha trước con sau”. Truyền thống ấy đã đựơc viết lên trang sử vàng cuả dân tộc mà:

“Con lớn lên sẽ viết tiếp thay cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”

Vì họ tự hào được đấu tranh cho độc lập tự do cuả Tổ Quốc, có lý tưởng của Đảng dẫn đường. Niềm tự hào ấy đã lan sang các em nhỏ:

“Khăn quàng thắm vai em ghi chiến công anh hùng Cách mạng. Tiếng thơm muôn đời còn vang, sáng ngời ý chí đấu tranh bước lên theo lý tưởng quang vinh, cuả Đảng tiền phong dẫn đường”

Nếu như câu hát thứ nhất được duy trì ở những nốt móc đơn, đôi khi có những nốt móc đơn chấm đôi đi liền với móc kép - tạo sự vui tươi nhí nhảnh cuả một em bé đang nhảy chân sáo ca hát như con chim sơn ca trong vườn xuân - thì vẫn nét nhạc ấy - câu hát thứ hai được nhắc lại như khắc sâu công ơn cuả những thế hệ anh hùng Cách mạng, như khẳng định một lần nữa lý tưởng cuả Đảng là đúng đắn. Và vầng thái dương ấy đã đem lại ánh sáng cho vạn vật mùa xuân. Cuối câu 2 có đôi chút thay đổi về tiết tấu và cao độ. Tác giả đã sử dụng dấu nhắc lại kết hợp với khung thay đổi tạo nên hiệu quả bất ngờ. Sự chuyển điệu khéo léo từ la thứ sang đô trưởng đã làm đoạn 2 của bài hát sáng, khoẻ hơn. Vẫn là tiết tấu chủ đạo bằng cách dùng những nốt móc đơn, nhưng ở đây không còn các dấu chấm dôi, mà thay vào đó là những nốt đen ở cuối tiết nhạc. Đó là sự khẳng định công ơn của Đảng ta, là sự khắc sâu ghi nhớ, khắc cốt ghi tâm cuả thế hệ trẻ với công lao to lón của Đảng:

“Tiếng hát cuả chúng em bay qua muôn trùng sông núi. Ghi công ơn cuả Đảng Tiền phong em sướng vui...”

Đảng đã đem lại ánh sáng cho dân tộc, đem lại muà xuân cho đất nước. Nhưng đối với trẻ em, những thứ thiết thực nhất là “sách mới, áo hoa”. Các cụ ta có câu “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Ở đây, tác giả đã khéo léo tìm lối nói cụ thể theo cách nói của người xưa. Khi chưa có Đảng, dân tộc ta sống lầm than cơ cực:

“Kiếp ngưòi cơm vãi cơm rơi

Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi”

Thì bây giờ, Đảng đã đem lại cơm no áo ấm cho người dân. Và em bé vui sướng bởi không chỉ có “áo hoa”- vật chất, mà còn có “sách mới”- tri thức. Em đã khắc ghi công ơn đó và thể hiện bằng lời ca, như con chim sáo líu lo nhảy nhót, hát múa trong vườn xuân. Cao trào cuả bài hát được sử dụng những nốt nhạc âm khu cao( nốt mí) thể hiện như một tiếng reo vui của trẻ thơ vì được hưởng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, đầy đủ về vật chất và được chăm chút về tri thức, tinh thần.

“Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta. Vui tung tăng em ca có Đảng cuộc đời nở hoa”

Bài hát được viết ở thể loại 2 đoạn. Mỗi đoạn có 4 câu hát. Cấu trúc vuông vức, tiết tấu đơn giản (chỉ sử dụng các nốt móc đơn, nốt đen, nốt trắng và đôi khi có xen các nốt móc kép...), cao độ trung bình (đô-mí) là quãng 10 bình ổn, dễ hát, phù hợp với chất giọng cuả thiếu niên nhi đồng, lời ca giản dị chân thành tha thiết. Bài hát như một tiếng reo vui của thiếu nhi Việt Nam khi cuộc sống có ánh sáng của Đảng soi đường chỉ lối. Tác giả đã khéo léo khai thác hình ảnh “măng non” trong “vườn cách mạng” với 2 chủ thể là “em “ và “Đảng”, có mối liên kết giữa cho và nhận.

Đảng và những lý tưởng cuả Đảng là những khái niệm trừu tượng đối với trẻ thơ, nhưng những gì Đảng đem lại cho các em lại rất cụ thể. Tâm hồn trẻ thơ đón nhận tự nhiên như những búp măng non đón ánh mặt trời, được nuôi dưỡng, ươm mầm trong mùa xuân cách mạng - vườn xuân cuả dân tộc. Nhiều năm qua đi, nhưng “Em là mầm non của Đảng” vẫn mãi là một khúc ca hay, thật xứng đáng được chọn là một trong số “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX”./.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất