(TG) - Tạp chí trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang với tựa
đề "Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai".
Trải qua mấy nghìn năm dựng và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên những
trang sử hào hùng. Nhưng cũng trên chặng đường dài hàng chục thế kỷ ấy,
dân tộc ta cũng từng nếm trải biết bao nỗi cay đắng, gian truân.
Lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng
ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai. Những bài học từ
lịch sử còn giúp chúng ta tự nhận thức chính mình...
Nhiều năm công tác tại đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, tôi thường đi
ngang qua Hoàng Thành, qua Hồ Tây, khi sáng sớm tinh sương hay lúc chiều
nắng tắt. Có lúc tôi dừng lại bên những dấu tích của thời đại vàng son
Lý-Trần, hoặc ngắm nhìn Hồ Tây sương khói, ngẫm nghĩ về những thời kỳ
thịnh, suy của đất nước, về những lẽ hưng vong của thời cuộc.
Cứ mỗi lần như vậy, trong đầu tôi lại thoáng hiện lên câu thơ "Người
lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong" (Bạch đầu quân sĩ tại,
vãng vãng thuyết Nguyên Phong) trong bài thơ "Xuân nhật yết Chiêu Lăng" (Ngày xuân thăm Chiêu Lăng) của Vua Trần Nhân Tông.
Câu chuyện thời Nguyên Phong phá giặc Mông Cổ, trận đánh của người Việt
làm kinh động cả thế giới, vẫn luôn được các lão chiến binh kể lại cho
con cháu và trở thành điểm tựa sức mạnh để quân dân Ðại Việt tiếp tục
thắng cường địch Nguyên-Mông lần hai, lần ba.
Lịch sử luôn có một sức mạnh như thế! Những giây phút thả mình vào lịch
sử cũng đã hình thành trong tôi nhiều suy nghĩ và hành động.
Vừa may, khi có anh bạn vong niên tặng bộ tiểu thuyết lịch sử "Bão táp
triều Trần" của nhà văn Hoàng Quốc Hải, tôi đọc và thấy nhiều điều tâm
đắc. Tiểu thuyết là sáng tạo của nhà văn nhưng nó phản ánh thực tại đời
sống và mang lại những chiêm nghiệm quý giá.
Nhân vật Hoàng tiên sinh trong Bão táp triều Trần nói với Ðức ông Trần
Thủ Ðộ: trì quốc chứ không phải trị quốc; trì quốc khó hơn nhiều, làm
được điều đó mới đảm bảo được sự lâu bền, mới là sáng nghiệp tổ tông.
Giữ nước là công việc của trăm họ, của muôn dân còn trị nước chỉ là công
việc của một số ít người. Triều đình nào cũng thế, vua nào cũng vậy,
lập thân, lập quốc bằng nhiều con đường khác nhau nhưng khi đã nắm quyền
tất thảy đều phải xây dựng tính chính Danh: khi nhà Trần soán ngôi nhà
Lý ấy là bởi nhà Lý lúc ấy đã mạt, không còn điều khiển, kiến thiết được
quốc gia, giặc dã nổi lên khắp nơi, ngoại bang nhòm ngó.
Nhà Trần lên ngôi định đoạt, cơ đồ vững như bàn thạch ấy là bởi xã hội
lấy lại được thế quân bình, dân chúng an cư, lạc nghiệp, triều đình tựa
được vào lòng dân. Cứ đem lòng dân mà đo vận nước thì luôn chính xác.
Năm 1258, sau hơn 30 năm xác lập vương triều, Trần Thái Tông, Hoàng đế
đầu tiên của nhà Trần đã cùng với tôn thất vực dậy được một dân tộc vốn
ốm yếu, loạn lạc giai đoạn cuối đời Lý Huệ Tông, trở thành một cường
quốc được lân bang nể trọng, đủ sức lãnh đạo toàn dân đánh bại đạo quân
Mông Cổ hùng mạnh.
Kỳ tích đánh bại đế quốc Nguyên-Mông dưới triều Trần không dừng lại ở
đó. Năm 1285 và 1288, đội quân bách chiến bách thắng, vó ngựa giẫm nát
khắp Á-Âu Nguyên - Mông đã phải dừng lại và thảm bại trước quân và dân
nhà Trần.
Thắng lợi của Ðại Việt trước đại quân của một đế chế hùng mạnh vào bậc
nhất thế giới thời bấy giờ đã cho thấy sức mạnh vô địch của nhân dân ta
và chỉ ra một chân lý của lịch sử dân tộc là một khi đã trên dưới đồng
lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức (lời Hưng Ðạo Vương Trần Quốc
Tuấn) thì không kẻ thù nào có thể khuất phục được dân tộc ta.
Dù là nhân vật lịch sử đem đến nhiều tranh cãi, nhưng Trần Thủ Ðộ cũng
nổi tiếng đức độ, công tư phân minh, biết nghe lời phải trái, cương
trực.
Khi là Thái sư thống quốc, trụ cột triều đình, ông đã lệnh chặt ngón
chân để phân biệt cháu của vợ mình là Linh Từ Quốc mẫu với những tiểu
quan nhỏ khác, vì kẻ này nhờ Quốc mẫu xin một chân Câu đương, một chức
dịch nhỏ ở làng xã, khiến kẻ này kêu van mãi mới được tha.
Ðây là người đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, không đan xen tình riêng vào việc công.
Cũng vẫn nhân vật Hoàng tiên sinh trong Bão táp triều Trần đã khuyên
Trần Thủ Ðộ trước khi chia tay rằng việc tối kỵ là chỉ san định những
điều có lợi riêng cho các người cầm quyền, mà thiệt hại cho dân chúng,
thì đấy sẽ là đầu mối của sự loạn.
Tránh được việc tối kỵ đó đã giúp cho nhà Trần kéo dài 175 năm, nhưng
hỡi ôi, cũng vì không làm được điều răn dạy đó mà Trần triều rốt cục
cũng bị sụp đổ... Âu cũng là bài học cho hậu thế.
Hơn 100 năm kể từ vị Hoàng đế đầu tiên của Trần triều, vào buổi sáng sớm
cái ngày mà quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An (Chu Văn An), bậc quốc
sư dạy dỗ cho hai Hoàng đế Hiến Tông và Dụ Tông, phải chấm tay áo gạt
nước mắt, treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi về quê dạy học, kinh thành Thăng
Long vẫn vắng lặng. Tờ sớ mà ông liều thân xin chém đầu 7 tên gian thần
đầu triều vẫn nằm im đâu đó trong mật viện hay trên long án... Ðó cũng
là cái ngày báo hiệu cho sự lung lay và sụp đổ của vương triều Trần từng
một thời rực rỡ.
"Ðại Việt sử ký toàn thư" chép: Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền
thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can Dụ Tông không nghe, bèn
dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua
yêu. Người bấy giờ gọi là Thất trảm sớ. Sớ dâng lên nhưng không được trả
lời, ông liền treo mũ về quê.
Ðại Việt sử ký cũng ghi nhận dù không làm quan nữa nhưng Chu Văn An vẫn
nặng lòng với vận nước, mỗi khi có triều hội lớn ông lại về kinh sư;
những dịp ấy vua thường muốn trao cho ông tham gia chính sự song ông
nhất quyết không nhận, vật phẩm ban tặng thì thường đem cho lại người
khác.
Tiền nhân đã dạy qua câu đối Tết: Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự
cao (biết là đủ, không tham lam thì tâm lúc nào cũng tĩnh tại, không
xin xỏ thì phẩm giá tự nó đã cao trọng) là vậy.
Cơ đồ mà Thái sư Trần Thủ Ðộ đã dày công khai môn dựng nghiệp, trải các
đời vua Trần thống lĩnh toàn dân đoàn kết 3 lần đánh bại Nguyên-Mông,
tiếc thay, lại rơi vào tay Dụ Tông, bậc quân vương mà hoang dâm xa xỉ.
Dẫu cho tôi có làm đúng phận tôi trung, nhưng vua không còn thực hiện
phận làm vua sáng, ghét bỏ người hiền, không ưa lời nói thẳng, trọng
dụng kẻ bất tài, để gian thần lộng hành, tham nhũng tràn lan... thì cái
Danh đã không còn Chính nữa. Mạt lộ không còn xa.
Nhìn lại lịch sử, các triều đại trị quốc tuy có khác nhau nhưng sự suy
vong nói như Chu An, đều có nguyên nhân giống nhau như khuôn đúc, từ chỗ
"không ưa lời nói thẳng, ghét người hiền, bỏ người tài, khinh dân, nghi
ngờ kẻ sỹ, trọng dụng kẻ bất tài, vô đạo".
Dụ Tông chết (năm 1369) để lại di họa, nhà Trần còn tồn tại thêm 31 năm với 5 đời vua, đến năm 1400 mất vào tay nhà Hồ.
Nhà Hồ sau khi giành ngôi báu đã làm được không ít việc, nhưng được
nước mà không được dân nên cũng chẳng giữ được bao lâu, chỉ vỏn vẹn 7
năm rồi lại để đất nước rơi vào tay giặc Minh.
Ở giai đoạn lịch sử đất nước tiếp theo, không giống với nhà Trần và nhà
Hồ, nhà Lê bước lên vũ đài chính trị trên cơ sở thắng lợi của sự nghiệp
kháng chiến chống quân Minh xâm lược.
Các lãnh tụ nghĩa quân được xem như những vị cứu tinh đưa dân tộc thoát
khỏi họa làm nô lệ cho ngoại bang. Như một lẽ đương nhiên, triều đại do
những người anh hùng lập ra được nhân dân tôn thờ như những giá trị
thiêng liêng.
Triều Lê với những vị hoàng đế anh minh như Lê Thánh Tông, người lệnh
cho danh sỹ Thân Nhân Trung soạn văn bia với câu "hiền tài là nguyên khí
quốc gia", đã dựa vào các nhân tài để tạo dựng hàng loạt những giá trị
văn hiến truyền lại cho đời sau, đưa Ðại Việt lên hàng cường quốc trong
khu vực.
Vậy nhưng chính triều đại ấy rồi cũng sụp đổ hoàn toàn vào cuối thế kỷ
XVIII. Con đường đi tới quyền lực và đưa đất nước lên tới đỉnh cao hưng
thịnh của các triều đại rất khác nhau, nhưng nguyên nhân suy vong thì
chẳng khác nhau là mấy. Ðó là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của
những người cầm quyền.
Vào thời Lê Trung Hưng, nhà bác học Lê Quý Ðôn (1726-1784) có tổng kết 5
nguy cơ dẫn đến quốc gia suy vong là: Trẻ không kính già, trò không
trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sỹ phu ngoảnh
mặt. Cả năm điều ấy đều là những yếu tố bên trong. Dân tộc Việt Nam
không bao giờ sợ giặc ngoại xâm, chỉ sợ những người cầm quyền không đủ
dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ.
Tìm hiểu lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh
nghiệm vô giá mà cha ông ta đã đúc kết bằng cả mồ hôi và xương máu.
Hôm nay chúng ta bước sang một năm mới với một tâm trạng tươi tắn, niềm
tin trong nhân dân đã trở lại, sức khỏe nền kinh tế có phần hồi phục, vị
thế đất nước được lan tỏa rộng rãi.
Nhìn lại năm ngoái, phải khẳng định một điều, những gì Ðảng ta đã làm
trong công tác cán bộ và xây dựng Ðảng là đúng với mong muốn và nguyện
vọng của toàn dân.
Cũng cần khẳng định rằng việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu
cực sẽ không dừng lại, mà từ đây, với niềm tin đã được xốc dậy, cả đất
nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm.
Chẳng phải trong nhân dân, trong mỗi Ðảng viên đã luôn bất bình và phẫn
nộ trước nạn tham nhũng, suy thoái? Chẳng phải chúng ta đã chứng kiến
những kẻ có lòng tham vô đáy lợi dụng kẽ hở của chính sách, lạm dụng
quyền lực để móc túi nhân dân, rồi chính những kẻ đó và bè cánh lại tìm
mọi cách để "chui sâu, leo cao" hơn nhằm bảo đảm cho khối tài sản ăn cắp
đó tiếp tục sinh sôi, nảy nở?
Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Ðảng này, chế
độ này, đất nước này sẽ đi về đâu? Người chép sử không bao giờ viết chữ
"nếu". Chính vì vậy mà ngay lúc này, Ðảng và những người nắm giữ vai
trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động.
Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng, đồng lòng đi theo Ðảng bằng cả lý trí
và trái tim để thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này. Mỗi chúng ta rồi
đây đều phải đứng trước sự phán xét công bằng của lịch sử, của dân tộc.
Với niềm tin đó chúng ta cùng phấn khởi bước sang năm Mậu Tuất 2018./.
Trương Tấn Sang
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam