Thứ Tư, 27/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 26/7/2012 16:53'(GMT+7)

Lietsi.com và giấc mơ trả lại tên cho người đã khuất

Câu chuyện về trang web số hóa một liệt sỹ lớn nhất Việt Nam giữa chúng tôi được bắt đầu bằng ước mơ to lớn ấy.

Từ niềm khắc khoải cá nhân…

Lê Công Thành, chàng trai sáng lập ra mạng xã hội tìm mộ liệt sỹ trông rất giản dị ngoài đời. Áo phông, quần cộc, người gầy nhom, nhưng điểm thu hút người đối diện vẫn là ánh mắt sáng, lúc nào cũng nhìn thẳng về phía người đối thoại.

Thành bắt đầu câu chuyện về cái duyên đưa mình đến với ý tưởng làm nên lietsi.com một cách rất gan ruột. Rằng, bản thân gia đình anh cũng có người nằm xuống trên chiến trường B những năm 60 của thế kỷ trước. “Ông tôi đi B năm 1964-1965. Đến năm 1966 thì gia đình nhận được giấy báo tử”, anh Thành hồi tưởng. Nhưng điều làm cả đại gia đình Thành day dứt nhất là trên mảnh giấy ấy chỉ vỏn vẹn có mấy dòng chữ về tên tuổi, quê quán. Còn thông tin quan trọng nhất: nơi ông đã ngã xuống thì không có. “Sau này có điều kiện, cả nhà đã đổ vào B tìm ông. Mọi người cũng đã dùng mọi biện pháp, kể cả áp vong nhưng vẫn vô vọng”, Thành băn khoăn.

Vậy là, ngay từ lúc ấy, trong đầu người thanh niên trẻ Lê Công Thành đã nhen nhóm ý tưởng lập một mạng xã hội để tìm kiếm mộ liệt sỹ. Trên cơ sở này, với sự ủng hộ của bạn bè, người thân, Thành đã lập ra website lietsi.com.

“Khác với các trang web đã tồn tại hỗ trợ việc tìm kiếm những người đã ngã xuống, lietsi.com hoạt động dựa trên sức mạnh của cộng đồng trên các mạng xã hội, các tình nguyện viên”, anh Thành cho hay. Cụ thể, dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn số hóa mộ liệt sỹ. Lúc này, các tình nguyện viên sẽ đi chụp lại ảnh bia mộ ở các nghĩa trang liệt sỹ và đưa lên hệ thống để xây dựng ngân hàng dữ liệu chính xác về vị trí hiện tại của các liệt sỹ. “Với lượng 1,1 triệu mộ liệt sỹ, chỉ cần vài nghìn lần chụp ảnh của các nhóm tình nguyện, có thể bao quát hết các mộ liệt sỹ ở Việt Nam”, anh Thành cho biết thêm.

Cũng trong giai đoạn này, dự án sẽ được lan truyền thông qua quảng cáo, ứng dụng trên Facebook và các mạng xã hội khác. “Mục đích chính của chúng tôi là xây dựng một hệ thống hỗ trợ từ cộng đồng, qua đó số hóa được số lượng mộ liệt sỹ lớn nhất có thể. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ cho việc đối chiếu, so sánh khi thân nhân liệt sỹ có nhu cầu tìm kiếm”, anh Thành nói.

Giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt, khi hệ thống hỗ trợ tìm kiếm online sắp được đưa vào hoạt động. Thông qua hoạt động của các cộng tác viên và mạng xã hội, một số lượng khổng lồ mộ liệt sỹ sẽ được số hóa. Lúc này, khi thân nhân có nhu cầu sẽ đăng ký trên trang web các thông tin về tên, tuổi, nơi chiến đấu, địa điểm hy sinh của liệt sỹ. Lúc đó, hệ thống, dựa trên cơ sở dữ liệu được xây dựng, sẽ tự động quét và đối chiếu cho ra kết quả trùng khớp. “Nếu tìm thấy, chỉ cần qua vài thao tác đơn giản, thân nhân đã tìm được người nhà thay vì tìm kiếm chung chung quanh địa điểm hy sinh hay áp vong, gọi hồn”, anh Thành hồ hởi.

Nền tảng để thực hiện thành công hệ thống dữ liệu khổng lồ này, anh Thành cho hay, về cơ bản vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Vì vậy, bản thân những người đã khai sinh ra web cũng liên tục vận động các tình nguyện viên, các nhóm phượt hỗ trợ bằng cách chụp ảnh mộ liệt sỹ và gửi lên các mạng xã hội. “Tính cộng đồng và tính tương tác được đề cao và cũng sẽ là chìa khóa để dự án số hóa được thành công”, anh Thành chia sẻ.

Trả lại tên cho anh

Ngồi lặng lại một lát, Lê Công Thành hướng ánh mắt ra xa xăm rồi nói tiếp: “Nhưng đích đến sau cùng của lietsi.com không phải ở đó”. Điều ám ảnh anh nhiều hơn là làm thế nào để trả lại tên cho những người vô danh đã ngã xuống. “Có những liệt sỹ như ông tôi, ngã xuống trên đường hành quân, đồng đội chôn ven đường mòn hay trong những cánh rừng. Qua năm tháng, dấu tích mất đi, nếu không tìm lại được, họ mãi mãi sẽ trở thành vô danh”, anh Thành ngậm ngùi.

Bởi vậy, anh nhấn mạnh nhiều hơn đến giai đoạn 2 của dự án, giai đoạn xây dựng ngân hàng lưu trữ DNA từ những hài cốt liệt sỹ vô danh.

Nguyên tắc thực hiện trong giai đoạn này khá đơn giản. Những thành viên của web sẽ vận động, hướng dẫn các thân nhân có liệt sỹ bị mất tiến hành lấy mẫu DNA rồi gửi bản số hóa về cho web. “So với chi phí tìm kiếm, số tiền các thân nhân bỏ ra không lớn. Bù lại, chúng tôi sẽ xây dựng được một ngân hàng DNA trực hệ đủ lớn. Khi có mộ liệt sỹ vô danh, kết quả DNA sẽ được đối chiếu, so sánh và lọc ra kết quả chính xác trong thời gian ngắn nhất”, người sáng lập trang lietsi.com cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo anh Thành, giai đoạn này cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt vì nếu trì hoãn lâu hơn, các DNA trực hệ sẽ bị pha trộn. Lúc này, kết quả đối chiếu sẽ không còn chính xác nữa. “Thông qua việc vận động, chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng được một ngân hàng DNA đủ lớn để phục vụ công tác tìm kiếm online. Đây cũng là đích đến sau cùng của dự án”, anh Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như việc tìm kinh phí để kiểm tra và lấy mã gien từ những hài cốt vô danh. Đây là những công việc đòi hỏi cần có những khoản đầu tư và hỗ trợ lớn từ nhà nước hoặc các tổ chức bên ngoài. Mặt khác, cũng có rất nhiều hài cốt đã không còn khả năng để phân tích và tìm ra nguồn gien nữa, do các thân nhân của các liệt sỹ vô danh cũng không còn.

Tuy rằng còn phải đối mặt với nhiều thử thách và khó khăn, nhưng không vì thế mà anh Lê Công Thành có ý định từ bỏ công việc này. Anh cho biết, anh tin rằng nó đang đóng góp cho xã hội và xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh để lại. Gần đây cũng có một số tín hiệu đáng mừng là dự án của anh đang được một số tổ chức trong và ngoài nước quan tâm và tỏ ý muốn hỗ trợ. “Chúng tôi hy vọng, lietsi.com sẽ trở thành một kho dữ liệu đủ lớn để phục vụ công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ thất lạc”, anh Thành chia sẻ./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất