Dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội” do Hi Seoul/Soul of Asia (Hàn Quốc) thực hiện trên tổng diện tích 10.200 ha, với tổng mức đầu tư lên đến 7.900 triệu USD.
Tổ chức nghiên cứu dự án đã hoàn thành giai đoạn I được thành phố Hà Nội thống nhất triển khai giai đoạn II và lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân. Nhưng nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư VN cho rằng, dự án này dường như chưa tính đến yếu tố lịch sử- văn hoá của 2 bên bờ sông, dòng chảy (lũ lụt)...
Khó khả thi
Ông Tô Anh Tuấn, GĐ Sở Quy họach - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, sông Hồng là tài sản thiên nhiên quý báu của Hà Nội. Đây là cụm không gian cảnh quan quan trọng của thành phố. Thành phố sẽ phát triển 2 bên sông Hồng bằng việc thay vì quay lưng ra sông Hồng sẽ quay mặt ra sông Hồng thể hiện thành phố hiện đại trong tương lai. UBND TP HN đã lựa chọn thành phố Seoul làm đối tác vì Seoul đã cải tạo thành công dự án sông Hàn, được coi là kỳ tích sông Hàn của người Hàn Quốc. Tuy nhiên, GS. TSKH. KTS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Các tiêu chí và nội dung mà các tác giả đề xuất: Sông Hồng an toàn với lũ; Sông Hồng hơi thở tự nhiên; Sông Hồng cùng với văn hóa lịch sử; Hà Nội với sông Hồng có sức cạnh tranh quốc tế... được nhìn nhận là đúng nhưng chỉ mới là mục tiêu và là các khẩu hiệu. Còn đối với một đồ án quy hoạch thì lại phải thể hiện cụ thể tính đặc sắc đặc trưng cơ bản của dự án. Việc đánh giá môi trường đất đai sử dụng 2 bên bờ sông Hồng và an toàn khu vực nghiên cứu với các vùng phụ cận cũng đáng quan tâm".
Theo dự án, sẽ đắp 19,8 km đê mới cấp đặc biệt, sửa chữa và nâng cấp 55km đê cũ lên đê cấp đặc biệt, ước khoảng mấy triệu m3 đất đủ tiêu chuẩn đắp đê. Vấn đề nạo vét 21,7 triệu m3 bùn, đất để tăng diện tích mặt cắt thoát lũ và chiều sâu vận tải thủy trong mùa khô. Rồi dùng bùn, đất đó để tôn nền khu tái định cư cho 39.100 hộ phải di dân, tái định cư. Số bùn, đất nạo vét được đưa ra biển để đổ... thì không khả thi. Đó là còn chưa tính tới việc Hà Nội sẽ trở thành một đại công trường trong 12 năm với mọi điều phát sinh. Giải tỏa 39.100 hộ hiện đang sinh sống ngoài bờ sông Hồng đi nơi khác là rất khó.
Phương án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đang gây nên nhiều dư luận khác nhau. Đề án có phương án tốt cần có sự đánh giá chính xác hơn, có trách nhiệm hơn của từng loại chuyên môn trong quy hoạch, có ý kiến thẩm định cụ thể được thành phố chính thức giao nhiệm vụ. Cần có nhiều cán bộ chuyên môn về phía Việt Nam tham gia sâu rộng hơn để có thể vừa học hỏi kinh nghiệm và phương pháp công tác, vừa để thẩm định chung chất lượng của dự án trước khi trình thành phố và Nhà nước phê duyệt. GS.TSKH Nguyễn Thế Bá |
Bỏ quên yếu tố văn hóa?
Dự án “Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội” từ sông Hàn áp vào Hà Nội- không một chút ăn nhập gì với “tính lịch sử”, “bản sắc văn hóa” của Việt Nam, của sông Hồng, của Hà Nội. Bản thân dự án không mang “tính triết lý Việt Nam” phong phú, sâu sắc, giá trị với tầm nhìn mấy trăm năm sau nói chung, đối với “tính triết lý Hà Nội” nói riêng”, đó là những trao đổi khá thẳng thắn của TS. Nguyễn Hoàn, Viện Kinh tế Việt Nam. Những di tích lịch sử đó là một sự cấu thành qua nhiều đời cả phần xác và phần hồn của nhân dân địa phương hàng trăm năm, hàng nghìn năm lịch sử thăng trầm. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, không nên hững hờ với tài nguyên di sản lịch sử văn hóa của tổ tiên để lại cho muôn đời con cháu mai sau.
Theo GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, các cơ quan chức năng cần xem kỹ trước khi phê duyệt dự án. Bởi việc điều chỉnh, cải tạo xây dựng mới, chuyển đổi dân cư trong giải pháp mặt bằng để tạo lập nên các khu đô thị mới hiện đại, bảo đảm chất lượng cư trú cao hài hòa với thiên nhiên có đầy đủ mọi trung tâm dịch vụ văn hóa, xã hội và kinh tế là ước mơ của mọi người và của các tác giả có hiện thực và hiện thực đến đâu là một bài toán rất khó. Ý tưởng tổ chức không gian ban đầu theo kiểu phác thảo chưa hoàn toàn thuyết phục về mặt kiến trúc quy hoạch cũng như tỷ lệ công trình minh họa. Dãy nhà cao tầng dọc tuyến đê Tứ Liên không tạo nên sự gắn kết giữa sông Hồng và hồ Tây là một ví dụ cần xem xét.
Trần Văn Quyết-VanHoaOnline