Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 12/12/2008 8:22'(GMT+7)

Thưa các cô chú làm ở Đài truyền hình Việt Nam!

Lũ trẻ và trò xúc xắc đỏ đen

Lũ trẻ và trò xúc xắc đỏ đen

Câu hỏi buộc lòng chúng tôi phải viết, kính thư đến các bác các cô làm ở Đài truyền hình cả nước.

1. Sẽ có bạn đọc hỏi ngay : việc những đứa trẻ bán sơn địa chơi những trò ấy thì có liên quan gì đến truyền hình? Đó là lẽ tự nhiên như mưa thì Hà Nội lụt thôi. Cần gì phải bàn tới cho tốn giấy mực. Xin thưa rằng, chuyện chúng tôi sắp kể không tầm phào mà trái lại, nó là câu chuyện về một thể hệ, một lớp người đang hình thành nhân cách.

Chắc hẳn, bạn đọc để ý thấy, khoảng hơn một tháng trở lại đây, Truyền hình Việt Nam có phát sóng bộ phim Singapore tựa đề: Ván bài đen tối. Bộ phim được nước bạn sản xuất đã khá lâu với những cảnh quay kỹ xảo siêu tưởng. Nội dung không có gì nổi bật khi kể về cuộc đời – cuộc tình của một ông vua bài vu vơ tên Ngôn Phi. Rằng, chàng với tài đánh bạc “cái thế” đã vượt qua số phận, lật được bao mưu mô, lấy người đẹp, đẻ con khôn và tiếp tục gây dựng sự nghiệp của mình. Nghĩa là, cốt phim dựng quanh chuyện đen đỏ, dựng đến độ người xem nhầm tưởng rằng: bộ phim tôn vinh nó, cổ súy và kêu gọi mọi người làm theo. (Dẫu tựa là Ván bài đen tối – nhưng cách thức xoáy vào thủ thuật chơi bạc đã khiến khán giả hiểu theo hướng này).

Và thế là, người ta xem phim như xem một seri ảo thuật, mà ở đó, nhân vật giỏi hơn cả David Coppefield, những quân bài như có sự sống, uốn éo thành rồng và phượng. Sự gay cấn luôn được đẩy đến cao trào với nhiều cuộc đọ sức giằng co đến phút chót.

Chính độ hấp dẫn lạ lùng của bộ phim đó đã khiến các bác, các cô ở Đài quyết mua bản quyền phim để phát vào giờ “gần vàng” của sóng?

Và phải chăng, cũng chính những kỹ xảo, triết lý sống đặc biệt đến méo mó của các nhân vật trong phim đã hút người xem lại màn hình?

Về khoản ấy, quả thật chúng tôi vẫn còn phân vân lắm lắm. Nhưng chỉ biết một điều, trong số những khán giả ngồi trước ti vi kia, có một số lượng không nhỏ những đứa trẻ sơn cước huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ngây thơ chúng tôi đã gặp.

Những người chọn phim ở Đài truyền hình đã bao giờ nghĩ: Phim mình mua bản quyền phát lại cho đồng bào mình xem hướng tới nhóm công chúng nào chưa? Đã bao giờ các bác đi thật xa ra khỏi lòng những thành phố lớn để xem tác động của nó đến mọi người thế nào chưa? Còn riêng ở cái mảnh đất nghèo nàn và cằn cỗi chúng tôi vừa đi qua này, những đứa trẻ ngày còn bơi thuyền vượt lũ đến lớp, tối tối đã quây tròn quanh một chiếc bàn con, xúc xắc đỏ đen như những thần tượng trên màn ảnh.

T- đứa bé lớn nhất chừng 14 tuổi thoăn thoắt đảo mấy chiếc cốc hoa hồng hàng ngày bố uống rượu, mắt nheo nheo đầy thích thú. Xung quanh, một lũ nhỏ hơn, da còn đen nhẻm đất bùn, lặng thinh theo dõi. Tiếng thành chén va nhau lanh canh. Vật được giấu trong cũng lanh canh mà thách đố. Xong việc, T hào hứng: 

 - Tao đố chúng mày chiếc cốc nào có hòn đá?

Không khí im lặng căng thẳng ngay lập tức bị phá vỡ. Cả lũ nhao nhao đòi thử. Cốc này phải không, tao thấy tay mày bỏ đá vào đó. Không, cốc này cơ, mắt mày toét hả? Chúng mày sai hết cả rồi, chả có cốc nào đúng cả, vì chính mắt tao thấy hòn đá bị văng ra lúc đảo mà… Đủ mọi phỏng đoán được đưa ra, nhưng chủ trò thì vẫn cười cười mà không mở. Thế mới thêm phần bí mật, thế mới giống anh Ngôn Phi nào đó trên màn ảnh. Sau rốt, T hớn hở he hé một chiếc hoa hồng ra, viên đá xù xì đen đúa của vùng bán sơn địa lộ ra trong những tiếng ồ à của lũ trẻ.

Ấy mà chưa hết, giá các bác thuộc Trung tâm bản quyền phim truyền hình có chứng kiến tiếp, chắc hẳn sẽ phải xin mua lại ý tưởng của các em với cái giá không hề nhỏ. Sau khi kết thúc trò chơi đầu tiên, những em đoán sai tự động đứng dậy, đưa tay tát cái bốp vào má mình. Mà tát phải đỏ lên nhé. Tát làm sao cho đom đóm mắt cứ nổ gọi là. Tiếng kêu phải thật giòn giã kia. 5 đầu ngón tay phải hằn hằn trên má.

 - Sao các cháu lại phải tự đánh mình?

 - Vì theo giao kèo, ai thua phải tự vả mình chú ạ - T hớn hở bảo.

Chúng tôi bỗng giật mình vì hình như cái triết lý sống méo mó của nhân vật: Dám chơi dám chịu phạt đã ăn rất sâu vào tâm trí những đứa trẻ nghèo ven dòng sông Thương này mất rồi. Đến độ, chúng hóa thân tận cùng vào những trò đen đỏ, để đem cả bản thân mình ra làm “kèo” cho những đồng xúc xắc.

Các bác Truyền hình kính mến, nếu các bác chịu quá bộ ra khỏi lòng phố một chút ít thôi, các bác sẽ gặp được rất nhiều cảnh đau lòng như thế đấy. Cả một thế hệ đang lớn lên, ngày ngày say mê xem phim của các bác. Lượng người xem tăng cao, quảng cáo nhiều. Và nhân cách các em cũng dần dần bị méo mó đi. Với các em, khi đã ngồi bên mấy bộ bài, cái chén, con xúc xắc, các em chỉ tưởng mình là những Ngôn Phi nào đó; chỉ biết nhìn nhận một chiều để dùng đỏ đen phân cao thấp. Mối quan hệ bạn bè bỗng dưng biến thành quan hệ của người sai bảo và kẻ bị khiến. Những vết đỏ lịm của 5 ngón tay trên má các em như một vết cứa vào văn hóa và tương lai đất nước."

2. Nói to tát thế, nhưng tôi biết, những đứa trẻ kia cũng không cần đến cái thằng tôi phải dạy dỗ chúng, hay lên tiếng hộ. Chúng vốn chỉ quen với sông rộng, đồi dài; với những chuyến đò chở khách qua sông. Có được một trò chơi mới, một thần tượng mới là cả niềm ước vọng. Tôi cũng đã chứng kiến, em bé 7 tuổi úp 2 chiếc chén lên nhau, đổ đầy nước vào và gạt gạt uống như thời Tùy Đường bên Trung Quốc. Lại thấy có bé nằng nặc đòi mẹ mua cho khẩu súng đồ chơi, rồi tự hóa thân thành một chàng Tom Cruise tít tận trời Tây mà ra tay hiệp nghĩa. Và đến giờ, lại là những Thần bài nhỏ xíu, túm năm tụm bẩy với đôi mắt trong đầy háo hức. Phải chăng, các nhà làm phim và phụ trách phim Việt đã đánh rơi mất các em trên hành trình phát triển của mình.

Tôi không nắm được kế hoạch phát triển của đài ta về lĩnh vực đó. Nên, khi T – sau khi bị thua đã lủi thủi tự vả miệng kéo kéo tôi hỏi: Phim có còn phần 3 không hả chú? Tôi chỉ biết cười. Chắc là sẽ không có đâu các cháu ạ. Vì các bác làm trên Đài chắc cũng sẽ có những đứa con như các cháu – trắng như một tờ giấy mới. Các bác ấy chắc sẽ không muốn tự tô đen lên chính tương lai của mình đâu.

3. Có một nghịch lý nữa là trong khi phim chiếu ngoài rạp cho một số ít người xem được biên tập rất kỹ, những cảnh nóng và bạo lực đều cắt; thì phim cho mọi người lại không hẳn thế. Ván bài đen tối là câu chuyện của đỏ đen, xúc xắc. Vậy nên làm sao mà bỏ những đoạn nhân vật chơi bài như nghệ sĩ được? Nghệ sĩ đến mê mẩn và lệch lạc.

Địa phận bến phà Đồng Việt, xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang mà tôi nói đến trong bài viết chỉ cách thủ đô chừng 100km. Đó là khoảng khá xa về địa lý, nhưng chắc hẳn không xa về lòng người. Bởi, các bác, các cô bao nhiêu người có con nhỏ, bao nhiêu con nhỏ đang xem phim và bao nhiêu phim có nội dung giáo dục tốt? Vậy nên, chúng tôi buộc lòng phải viết một kính thư gửi các bác, các cô, các chú làm Đài tha thiết mong muốn: trẻ em chưa thể tự nhận thức được đúng sai, hay dở. Trong đầu óc các em chỉ có những khuôn mẫu. Xin đừng tạo ra hay nhập về những khuôn mẫu làm “đen tối” các em trước tuổi. Suy đến cùng, thật ra đó là cách thức nhanh nhất góp phần làm hỏng một thế hệ đang hình thành về nhân cách.

 

Trong bối cảnh phim truyền hình Việt đang bị đánh giá là bão hòa, nhàn nhạt với những khuôn mặt đẹp vô hồn và nội dung gượng ép, việc Đài TH cho phát sóng những bộ phim cũ của các nước một cách không  chọn lọc càng khiến cho chất lượng sóng hình giảm xuống. Khán giả buộc phải xem những thước phim kỹ xảo vụng về, ý tưởng sơ sài và nhất là nội dung không mang tính giáo dục rõ nét. Như Ván bài đen tối – mặc dù có mục tiêu phơi bày cho người xem thấy mặt trái của cờ bạc, nhưng cách xây dựng tình tiết và nhân vật quá chú trọng tôn vinh tài đánh bạc đã khiến khán giả có suy nghĩ: Đây là một bộ phim cổ súy mang màu sắc xã hội đen (một dòng phim Hồng Kông những năm 90 của thế kỷ trước – với một bộ phim có nội dung tương tự: Vua cờ bạc). Mặt khác, các mối quan hệ gia đình bạn bè của các nhân vật đều được giải quyết bằng trò đỏ đen càng khiến cho tư duy phim rối rắm, siêu thực và phản giáo dục.

 

Về vấn đề này, ông Peter – chuyên gia Tâm lý – truyền thông Đức tại HVBCTT đã khẳng định: “Phim chân chính có thể nói đến những mặt trái của xã hội như bạo lực, tình dục, cờ bạc; nhưng không được để người xem hiểu lầm là đang cổ xúy cho những hành động đó”. Thiết nghĩ, các bác là Truyền hình VN cũng nên lắng nghe và tham khảo.


Theo Lưu Sơn (Nghebao.com)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất