Nếu bạn đến thăm Việt Nam, bạn mới chỉ hiểu “bề nổi” của đất nước này. Còn đến với Việt Nam học thì bạn sẽ hiểu hết được “cội rễ” của đất nước anh hùng này.
Nhiều đại biểu quốc tế đã chia sẻ cảm nhận của mình như vậy bên lề Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ III (diễn ra từ ngày 5 đến 7-12 tại Hà Nội). Với họ, những người đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, hội thảo Quốc tế Việt Nam học là nơi để họ gặp gỡ chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm xoay quanh chủ đề: Đất nước Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.
Sự hội nhập ấn tượng
Trong ba cuộc hội thảo quốc tế Việt Nam học diễn ra tại Việt Nam (năm 1998, 2004 và 2008), đây là lần đầu tiên Giáo sư Ma-xa-nô-ri Ai-ky-ô thuộc Trường đại học Na-gô-y-a (Nhật Bản) tham dự dù ông đã nghiên cứu về Việt Nam trong một thời gian rất dài. Cũng giống như Giáo sư Ma-xa-nô-ri, Phó Giáo sư Mai-cơn Líp, Trường đại học Bri-xtít Cô-lum-bi-a (Mỹ) cũng lần đầu tiên tham dự hội thảo. Giáo sư cho biết, ông đã có 12 năm gắn bó với Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án về tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam nhưng “do không có điều kiện đến Việt Nam thường xuyên nên internet là “cầu nối” giúp tôi đến Việt Nam trong thời gian tích tắc”.
May mắn hơn hai đồng nghiệp trên, Giáo sư Giắc Ha-ri, người Mỹ, đã hai lần tham dự hội thảo và có nhiều lần tới Việt Nam. “Lần đầu tiên tới Việt Nam cách đây 15 năm, mỗi khi ra đường tôi chỉ nhìn thấy toàn xích lô và xe đạp, những ngôi nhà lụp xụp ngả màu rêu. Nhưng chính sự nghèo nàn nhưng bình dị đó lại hút hồn tôi. Nhiều năm sau tôi trở lại Việt Nam thì thấy nơi đây khác quá. Những ngôi nhà cao tầng, cửa hàng hiện đại nối đuôi nhau san sát. Người dân Việt Nam luôn cởi mở và tươi cười chào tôi dù vốn tiếng Anh của họ chỉ là vài câu như “Hello”, “Bye”…”, Giáo sư Giắc Ha-ri bồi hồi nhớ lại.
Tâm sự của Giáo sư Giắc Ha-ri cũng là cảm nhận của nhiều học giả nước ngoài tham dự Hội thảo. Theo họ, cuộc sống của người Việt Nam hiện nay được cải thiện rất nhiều là nhờ kết quả của 20 năm Đổi mới và sự hội nhập và phát triển của Việt Nam sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Theo nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế… Cùng với thành công của hơn 20 năm Đổi mới, đến nay kim ngạch xuất khẩu đã tăng gần 50 lần, từ 800 triệu USD năm 1986 lên 39,6 tỷ USD năm 2006. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, từ 341,7 triệu USD năm 1988, thì sau 20 năm đã lên tới gần 100 tỷ, riêng 6 tháng đầu năm 2008 đạt khoảng 30 tỷ USD. Nhiều dịch vụ ra đời và phát triển, ngành du lịch tăng nhanh, hàng chục vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài đem lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình và đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo… Ấn tượng về sự hội nhập của Việt Nam sau khi gia nhập WTO đã khiến ông Mai-cơn Líp phải thốt lên rằng: Một cuộc hội nhập nhanh, mạnh mẽ và đầy tiềm lực.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trò chuyện với các học giả quốc tế bên lề hội thảo. |
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu đang đe dọa chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Giá cả của nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng cao, người tiêu dùng đang chịu sức ép tăng giá của nhiều mặt hàng, khiến cho nguy cơ tái nghèo tăng cao... Chị Đa-ri-a Mi-su-cô-va, nghiên cứu sinh Trường đại học Vla-đi-vô-xtốc (Nga), tác giả cuốn sách “Việt Nam-Mảnh đất Tiên Rồng” viết bằng tiếng Nga, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga. Tuy nhiên, Việt Nam có “nội lực” lớn đủ để vượt qua khó khăn này. Đồng quan điểm với Đa-ri-a, Thạc sĩ Ha-na Blô, của Trường đại học Pa-xau (Đức) tin tưởng Việt Nam sẽ “cất cánh” khi “lội qua vũng lầy” khó khăn trên.
Những đề xuất thiết thực
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III được tổ chức khá công phu với quy mô lớn, phong phú về nội dung khoa học hơn so với hai lần trước. Nếu như hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ II có 10 tiểu ban, thì tại hội thảo này, 18 tiểu ban đã đề cập tới nhiều vấn đề, từ những nội dung khái quát chung đến vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn, vấn đề đô thị hóa, tài nguyên-môi trường và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ban tổ chức đã nhận được gần 900 bản tham luận của các học giả trong và ngoài nước. Theo ông C.Níp-phi, Cố vấn về chính sách của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, gần 900 nhà Việt Nam học tham dự hội thảo cho thấy ngày càng có nhiều người quan tâm tới Việt Nam. “Nhiều tham luận tại hội thảo rất hấp dẫn, trong đó có nhiều nghiên cứu mới”.
Tại các buổi thảo luận, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất có ý nghĩa thiết thực đối với ngành Việt Nam học. Các đại biểu cho rằng, trước mắt cần phải thiết lập một cơ chế đóng vai trò là cơ quan liên lạc, tập hợp các nhà Việt Nam học trên thế giới; thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế Việt Nam học để tăng cường trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu Việt Nam; lập website Việt Nam học… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất việc xây dựng giáo trình cơ bản về dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; chú trọng việc đào tạo ngành và nghề Việt Nam học, làm sao để ngày càng có nhiều chuyên gia thành thạo nghề, có thể hoạt động trong các ngành văn hóa, giáo dục, du lịch… Tiểu ban Văn hóa đề xuất cần phải có những nghiên cứu về giao lưu, giao thoa văn hóa, tiếp biến văn hóa của Việt Nam trong lịch sử để gợi mở những định hướng và phương thức tổ chức cho giao lưu và hội nhập kinh tế-văn hóa hiện đại. Nhà nghiên cứu thống nhất đề xuất những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chống ô nhiễm môi trường... Trong khi các đề xuất về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển các trung tâm ngành nghề, đào tạo nguồn nhân lực nông thôn cũng được các đại biểu tiểu ban Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đề cập tới.
Nhìn nhận về thành công ban đầu của hội thảo, Giáo sư Ma-xa-nô-ri khẳng định, Việt Nam học đã đưa thế giới gần với Việt Nam hơn. Những thông tin, nghiên cứu về Việt Nam mà ông nhận được từ hội thảo sẽ rất hữu ích cho các học giả và sinh viên Nhật Bản./.
(Theo: Kim Oanh/QĐND)