Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 15/12/2008 15:1'(GMT+7)

Văn hoá Đông Bắc: hội tụ và nhân thêm sức mạnh hợp tác, quảng bá

Lễ hội cầu mưa của đoàn  Hà Giang

Lễ hội cầu mưa của đoàn Hà Giang

Bức tranh đậm bản sắc văn hoá

Hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 10 tỉnh vùng Đông Bắc ngày hội với niềm vui, niềm tự hào được giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc, những lời ca, điệu múa, những lễ hội dân gian, những bộ trang phục rực rỡ, những món ăn độc đáo của của dân tộc mình và của vùng đất mà mình đang sống.

Trong suốt 4 ngày diễn ra ngày hội, liên tục diễn ra các chương trình ca múa nhạc dân gian, lễ hội truyền thống, thi đấu trò chơi dân gian và giới thiệu văn hoá ẩm thực của các dân tộc vùng Đông Bắc. Ngày hội thực sự là dịp gắn kết, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống vốn có của đồng bào các dân tộc Đông Bắc, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo các giá trị văn hoá và nâng mức hưởng thụ văn hoá.

Không quản đường xa, mỗi tỉnh đã mang về đây rất nhiều vật dụng dựng lên một trại văn hoá, tái hiện nếp sinh hoạt và các lễ hội truyền thống, giới thiệu các món ăn, nghề thủ công truyền thống. Tỉnh Lạng Sơn tái hiện mô hình nhà sản xã Văn Thụ- huyện Văn Lãng (mô phỏng theo nhà sàn của đồng chí Hoàng Văn Thụ), tỉnh Hà Giang dựng lại mô hình ngôi nhà sản của người Mông. Tỉnh Phú Thọ mô phỏng nhà sàn của người Mường ở Phú Thọ. Tỉnh Bắc Giang tái hiện nơi sinh hoạt, ăn nghỉ của một gia đình trung nông; đồng thời tái hiện tại mô hình nhà tiêu biểu như: nhà sàn của người Cao Lan (huyện Yên Thế), nhà người Việt ở trại của các huyện Việt Yên, Yên Dũng...

Các lễ hội truyền của các dân tộc đã được các tỉnh chọn lựa, những trích đoạn đặc sắc nhất giới thiệu với công chúng. Tỉnh Bắc Giang tái hiện lễ tế ngựa hội Đình Vồng (xã Song Vân, huyện Tân Yên), thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Bắc Giang trong câu "Trai Cầu Vồng Yên Thế". Cùng là lễ cấp sắc, nhưng lễ cấp sắc của dân tộc Dao ở Vi Đường (Phong Đăng, Vĩnh Phúc) lại có nét riêng so với lễ cấp sắc của người Dao đỏ do các nghệ nhân thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn) thể hiện và khác với lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y (do các nghệ nhân ở xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ) thể hiện. Tỉnh Lạng Sơn tái hiện trích đoạn lễ phong sắc cho bà then. Tỉnh Phú Thọ góp vào ngày hội lễ hội cồng chiêng của người Mường, với các trích đoạn diễn tấu cồng chiêng: "Đi đường", "Rủ nhau đi hội" "Chào", "Chúc rượu".... Tỉnh Hà Giang giới thiệu trích đoạn lễ hội "Mừng năm mới" của dân tộc Giáy, do các nghệ nhân dân tộc Giáy ở xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc thể hiện. Không khí vui tươi của một lễ cưới của Dao đỏ ở bản Kia Chang, Xuân Phú huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang mang đến cho lễ hội vẻ đẹp trong sáng của bài ca tình yêu nơi núi rừng tươi đẹp.

Những làn điệu dân ca quan họ mượt mà trữ tình, những giai điệu vui tươi của các làn điệu xoan, ghẹo, vang lên cùng những giai điệu then, hoà chung với những tiếng khèn, tiếng sáo... Mỗi lời ca, tiếng hát, mỗi giai điệu đều vang lên từ chính tâm hồn yêu nghệ thuật dân tộc của mỗi nghệ nhân, diễn viên. Sự mộc mạc, chân tình, biểu diễn nhiệt tình của các nghệ nhân, diễn viên không chuyên đã luôn nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả.

Nét trong sáng, duyên dáng của các thiếu nữ trong những trang phục đẹp nhất của dân tộc mình, hay sự quyết liệt của các vận động viên trong những cuộc đua tài thể thao đều đem đến cho ngày hội sự thú vị riêng.

Rồi nữa, những món ăn nổi tiếng của các miền quê cũng có mặt ở đây. Nào xôi nhiều màu của Bắc Cạn, Thái Nguyên, nào lợn quay, vịt quay xứ Lạng, nào bánh chưng, bánh dày, bưởi Đoan Hùng... làm ấm lòng du khách cùng rượu làng Vân, bánh đa Kế của Bắc Giang...

"Chớp" cơ hội quảng bá du lịch

Đây là lần đầu tiên ngày hội của các dân tộc vùng Đông Bắc có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba mảng văn hoá, thể thao và du lịch, vì vậy các tỉnh đều tận dụng cơ hội quí báu này để quảng bá những tiềm năng du lịch của mình.

Các tờ rơi, sách báo, đĩa CD, VCD về các điểm du lịch, các tour du lịch nổi tiếng được gửi tới tận tay du khách. Những bức ảnh, rồi các mô hình, các sản phẩm thủ công truyền thống của từng địa phương được giới thiệu tỷ mỉ cho hàng nghìn lượt khách mỗi ngày.

Ban quản lý Vịnh Hạ Long huy động các tình nguyện viên vận động người dân Bắc Giang và nhân dân đi dự hội bầu chọn cho Vịnh Hạ Long vào danh sách là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tỉnh Quảng Ninh còn tái hiện mô hình Vịnh Hạ Long bằng cơm nếp và các loại củ, quả như: khoai môn, dưa hấu, đu đủ, rau xanh.... "Chúng tôi giới thiệu ở đây những sản phẩm văn hoá và du lịch đặc trưng nhất như: Lễ hội Yên Tử, Lễ hội đua thuyền ở vùng Quan Lạng, lễ hội Tiên Công, lễ hội Du lịch Hạ Long, nét văn hoá truyền thống của cộng đồng dân ở làng chài Cửa Vạn....v.v...". - Bà Nguyễn Thị Vân- Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Trong câu chuyện với du khách, các hướng dẫn viên của các trại văn hoá đều "tranh thủ" giới thiệu những điểm du lịch độc đáo nhất của tỉnh mình và những nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Theo lời ông Thạch Bích Thân- Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian vừa qua, du lịch Vĩnh Phúc có nhiều cố gắng tiến hành quảng bá du lịch của tỉnh. Một là sản xuất các ấn phẩm (cẩm nang du lịch), bản đồ, tờ rơi, tờ gấp, giới thiệu danh lam thắng cảnh để đưa đến du khách trong và ngoài nước, tăng cường thu hút khách cho tỉnh. Hai là tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hàng tầng như đường, hệ thống cấp nước sạch cho các điểm du lịch như: Thác Bay, Lập Thạch, đến Tây Thiên, Thiền Viện Trúc Lâm và Đại Lải. "Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch chúng tôi tiến hành song song hai công tác quan trọng. Một là về góc độ quản lý Nhà nước thì Sở du lịch chúng tôi mở nhiều lớp đào tạo về tạo nguồn du lịch, đào tạo chuyên ngành về lễ tân, quầy bar, bàn, bếp, buồng cho các nhân viên về dịch vụ du lịch. Hai là mở nhiều lớp bồi dưỡng cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và trình độ phục vụ của nhân viên trong các doanh nghiệp"- Ông Thân nói.

Hai năm một lần, đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc lại có dịp gặp gỡ, để giới thiệu cùng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế những bản sắc văn hoá đã được gìn giữ, vun đắp từ ngàn đời, góp sức làm giàu có thêm những giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc VN. Điều này không chỉ tăng cường sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác, phát triển của văn hoá- thể thao và du lịch trong vùng./.

Thành Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất