Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 11/12/2008 17:18'(GMT+7)

Thử nhận diện về cái gọi là “văn hoá” game...

Hình ảnh một game được giới trẻ "nghiện"

Hình ảnh một game được giới trẻ "nghiện"

Chúng ta đang có cả kênh truyền hình để phổ cập và cổ súy cho cái gọi là “ văn hoá” game. Đã có những cuộc thi giành cho các game thủ. Tại bất cứ ngóc ngách nào trên đất nước ta cũng dễ dàng thấy nhan nhản những loại “ tụ điểm văn hóa” này: những quán trò chơi điện tử với mục đích giết thì giờ và moi tiền các em nhỏ …Đã có một trung tâm ứng dụng tin học được tặng thưởng những danh hiệu cao cho cái công việc “phát minh” ra các trò chơi điện tử để đáp ứng các nhu cầu khách hàng là các em nhỏ. Trong khi đó thì văn hoá đọc ngày càng trở nên xa vời đối với lớp trẻ...
 
Tất cả những điều đó nếu xếp chúng, coi chúng như là một thứ trò chơi của thanh thiếu niên thời hiện đại thì thôi cũng đành; đằng này người ta lại đi choàng cho nó tấm áo choàng văn hóa. Tác hại của sự mạo danh này rất dẽ làm cho lệch chuẩn văn hóa của lớp trẻ.

Đài truyền hình gần đâyđưa tin lặp đi lặp lại vụ án về một em học sinh phổ thông trung học tại Hà Nội vì cần tiến để mua một thứ vũ khí cho nhân vật của mình trong trò chơi điện tử thiên long bát bộ mà đi đến hành vi bắt cóc, tống tiền và dẫn tới giết người, nạn nhân là một em nhỏ. Vụ án làm đau lòng gia đình người bị hại và làm thất thần, đau đớn cả người mẹ có đứa con thủ ác. Vậy thì nguyên nhân từ đâu và đã là quá muộn chưa khi các phương tiện thông tin đại chúng cần gióng những tiếng chuông cấp báo về mặt trái của các phương tiện nghe nhìn đối với lớp trẻ, nhất là những em nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường.
 
1. Cha ông ta có câu: buôn tàu không giàu bằng hà tiện; muốn phát triển kinh tế thì phải mở cửa giao thương, định đề đó không một quốc gia nào dám chối bỏ; nhưng sự mở cửa bao giờ cũng phải kèm theo thiết chế: mã khoá, điều chỉnh và điều tiết trong khi tham gia giao lưu. Làm ra nhiều của cải nhưng gia đình không biết căn cơ, không xây dựng và gìn giữ gia phong thì đôi khi giàu có vật chất lại trở thành tiền đề cho những bất hoà về tình cảm, tinh thần, lối sống... Chưa có một xứ sở nào trên hành tinh này mà khi xây nhà, làm nhà mà lại không thiết kế và thi công đồng bộ một hệ thống cửa, khoá an toàn, thích dụng và hiện đại. Chưa có một quốc gia nào tuyên bố mở cửa mà không kèm theo các thiết chế kiểm soát sự ra vào cửa của ngôi nhà của mình từ nguồn nước, không khí, đến vật phẩm xuất ra nhập vào.
 
Trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập một trong các lĩnh vực mà sự mở, đóng hết sức quan trọng đối với xã hội - đó là lĩnh vực văn hoá, giáo dục. Ở lĩnh vực này chúng ta dễ dàng nhận thấy hình như chúng ta chưa trang bị, chế tác ra được hệ thống “ổ khoá” có cấu trúc và công năng đủ khả năng ngăn, mở để lựa chọn cho được những giá trị phù hợp cho môi trường sống dành cho các cư dân đang sống trong ngôi nhà chung của mình…Vì không phải là một công trình nghiên cứu nên chúng tôi chỉ nêu một trong những hiện tượng đáng lo ngại: tác động của mặt trái của các phương tiện nghe nhìn và giải trí đối với lớp trẻ hiện nay, đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách.
 
2. Không ai phủ nhận sự tiện lợi và thích dụng của các phương tiện nghe nhìn và giải trí; nó đã vào đến mọi gia đình trong các hang cùng ngõ hẻm của đất nước này và lớp trẻ là thế hệ hưởng thụ nhiều nhất những sản phẩm của loại phương tiện này.
 
Lối sống bàng quan, thiếu kiềm chế, thụ động trong tư duy nhưng lại manh động, vô cảm trong hành động; tệ đua xe đánh võng đang xảy ra tại nhiều đô thị lớn; những tội ác, những kiểu đâm chém, giết người dã man mà hung thủ còn đang ở tuổi vị thành niên liệu có thể coi là mặt trái của những trò chơi game, tác động của những bộ phim kinh dị… Máu đổ, giết người là những tội ác man rợ và kinh sợ, thế nhưng nếu chúng ta thâm nhập vào thế giới game sẽ thấy những cảnh đua xe, đâm chém, đầu rơi, máu xối diễn ra thành một thứ trò chơi giải trí, tạo cảm giác mạnh cho rất nhiều game thủ. Khi những hành vi man rợ trở thành trò chơi không còn ghê sợ thì khoảng cách giữa một “game thủ” với một sát thủ giết người là điều dễ hiểu.
 
Bỏ học để chơi game, ăn cắp tiền, giết người để có tiền chơi game, chơi game đến đột quỵ, đâm chém nhau vì một thách đố từ trò chơi game..., tất cả những chuyện đó đã từng xảy ra từ các quán điện tử.
 
Hiện chưa có một cuộc điều tra xã hội học, hay một công trình, đề tài nghiên cứu khoa học nào về các “phản ứng phụ” do mặt trái của phương tiện nghe nhìn và giải trí gây ra cho lớp trẻ, mặc dù chúng ta có nhan nhản các trung tâm, viện nghiên cứu các vấn đề văn hoá-xã hội…Ở một số nước phát triển, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi thấy nổ ra nhiều cuộc “nổi dậy” kêu gọi bài trừ, chống lại sự xâm lăng của phương tiện nghe nhìn và giải trí, đứng đầu các chiến dịch này thường là các nhà văn, các nhà văn hoá lớn và có uy tín.
 
Mới đây, Hãng thông tấn Reuter vừa công bố một công trình nghiên cứu gây sửng sốt: Hollywood không phản ánh đúng các giá trị đạo đức của số đông người Mỹ. 61% số người Mỹ trong một cuộc thăm dò đã cho rằng: các giá trị tôn giáo của số đông người Mỹ đã bị phim bạo lực của Hollywood tấn công; 59 % số người dược hỏi cho rằng: mạng lưới phim ảnh và truyền hình Mỹ không tôn trọng các giá trị đạo đức và tôn giáo của số đông người Mỹ.
 
Còn ở ta, phương tiện nghe nhìn và giải trí đang là thứ tận hưởng phổ cập như cơm bữa tới hàng triệu con người mà chưa thấy nhiều những lời chỉ dẫn như các loại thuốc thường được quảng cáo trên truyền hình: “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

Theo Phạm Trần Lê  (hoinhavan.vn)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất