Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 14/12/2008 22:1'(GMT+7)

Xã hội hoá truyền hình: Tìm định nghĩa cho vai trò khán giả

Các khách mời đang chăm chú theo dõi chương trình của VTC9.

Các khách mời đang chăm chú theo dõi chương trình của VTC9.

Cũng xuất phát từ đó, số lượng đài truyền hình đang có cũng như lực lượng hoạt động trong lĩnh vực này tăng vọt nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu được giải trí của người dân.

Bài toán còn nhiều ẩn số

Chủ trương xã hội hoá sản xuất chương trình truyền hình như một bước ngoặt mở ra thời cơ cũng như thử thách cho những nhà làm truyền hình tại VN. Các kênh truyền hình mới liên tiếp ra đời đồng nghĩa với việc khán giả có thể thoải mái lựa chọn mỗi khi ngồi trước màn hình TV, so sánh, nhận xét và cũng tự mình quyết định trong việc ủng hộ các chương trình phù hợp nhu cầu giải trí của chính mình.

Không có gì là khó hiểu khi nói con đường xã hội hoá truyền hình ở VN hiện thời mới chỉ đạt được tiêu chí đa dạng, và để phong phú từ nội dung cho đến hình thức quả thực còn là bài toán khó cho những nhà đầu tư.

Điểm sơ qua hàng chục game show đang được phát sóng dày đặc hiện nay, để tìm được game show có chất lượng tốt, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay!

Đó là chưa kể những chương trình cố ý gây "sốc" với nội dung không phù hợp với văn hoá người Việt và các spot quảng cáo xuất hiện liên tục khiến người xem phải ngán ngẩm chuyển kênh.
 
Câu hỏi đặt ra, quyền lợi của người xem được đặt ở đâu trong thước đo này? Có phải thuộc về khoản thu từ các đơn vị tài trợ được đổ vào hàng loạt cho các món ăn tinh thần mà người xem được giao quyền chủ động?

Câu trả lời nằm ở sự nhận thức đúng đắn mục đích của việc xã hội hoá sản xuất chương trình truyền hình là như thế nào trong thời kỳ mà ở đó sự cạnh tranh lành mạnh, sáng tạo sẽ thắng lối làm ăn cẩu thả và "đơn giản" lỗi thời.

Nói như ông Mai Quốc Chính - Tổng Giám đốc công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Latasa (đơn vị vừa liên kết với Truyền hình cáp VTC cho ra đời kênh truyền hình VTC9 Let's Việt): "Không cần đợi đến nhà tài trợ cắt hợp đồng hay ngừng không hợp tác mà chỉ cần sản xuất ra một chương trình kém chất lượng thì chính khán giả sẽ là người đào thải nó trước tiên".

Khán giả là Thượng đế?

Khi các công ty nghiên cứu thị trường nhảy vào công cuộc đo rating những chương trình truyền hình thì cũng là lúc thực tế chứng minh, nhà sản xuất đang bỏ công sức, tiền của để tìm hiểu những vị khách "thụ động" của mình.

Nói khán giả "thụ động" là bởi vì xét trên khía cạnh nào đó, người xem có quyền chuyển kênh nhưng không thể có một phương pháp nào khác để nói lên tiếng nói của mình tới những nhà sản xuất. Chính vì vậy phản hồi có thể đo được chính là mật độ trung thành của khán giả với kênh truyền hình mà họ yêu thích.

Còn nhớ thời kỳ vàng son của VTV, khi mỗi chương trình của nhà đài này đều để lại một dấu ấn. Khái niệm giờ vàng xuất hiện, hàng loạt những chương trình như "Hành trình văn hoá" "Chiếc nón kỳ diệu" liên tục nắm vững vị trí số một trong sự lựa chọn của người xem và những MC lần đầu tiên xuất hiện trên sóng bỗng chốc trở thành những người được khán giả hâm mộ không khác gì diễn viên hay ca sĩ.

Trung thành với lối tìm tòi, phát hiện những gương mặt mới, VTV6 và VTV9 tiếp tục mở ra những chuyên mục mới, trẻ trung, gần gũi và chỉ tập trung thẳng vào đối tượng thụ hưởng là giới trẻ. Điều này được minh chứng khá cụ thể khi các kênh truyền hình Yeah1, O2 cũng lần lượt xuất hiện và HTV liên tục cải tiến HTV Phụ nữ, HTV Gia đình v.v...

Trong khi đó, ra đời khá muộn màng nhưng được đánh giá là kênh truyền hình hiện nay có nhiều nội dung thuần Việt nhất - kênh truyền hình VTC9 Let's Việt cho thấy con đường của mình khá khác biệt tuy đó chưa hẳn là một ý tưởng "có một không hai".

Bắt đầu từ những chương trình khá thú vị và đơn giản như "Chào cờ", "Thế là người Việt Nam", "Võ đài chiến thắng" hay "Chuyện lý chuyện tình", VTC9 Let's Việt cho người xem cái nhìn khá mực thước nhưng cũng không kém phần táo bạo. Sự táo bạo đó được thể hiện khi lần đầu tiên người xem nhận thấy một bài học đơn giản như việc dừng xe đúng vạch khi đi đường hay không xả rác nơi công cộng cũng được chắt lọc một cách ý nhị đưa lên màn ảnh thông qua những tình tiết thực nhưng không mang nặng tính giáo điều.

Đầu tư và sinh lãi là bài toán mà bất kể doanh nghiệp nào cũng nghĩ đến khi bắt đầu thử sức và ít ai biết, đầu tư truyền hình yếu tố rủi ro không thể kiểm soát bằng mức vốn mà chính là từ những khán giả đang cầm điều khiển mỗi ngày trước tivi.

Sẽ đến lúc những vị khán giả không thể chấp nhận các chương trình hời hợt, thiếu chiều sâu cũng như yếu kém về mặt chuyên môn và khi ấy người ta cần tìm đến ý nghĩa cốt lõi của một chương trình, dù đó có thể chỉ là mục điểm tin hay giới thiệu một gương mặt sáng.

Đã đến lúc những chương trình như "Vượt lên chính mình", "Ngôi nhà mơ ước" hay "Những mảnh ghép cuộc đời" sẽ níu giữ mắt, cảm xúc của khán giả để tư thế của các đơn vị tài trợ không chỉ đến để đặt một cái logo mà đến với cương vị hỗ trợ nhà sản xuất đem lại những chương trình ý nghĩa thực sự cho công chúng xem đài.

Hơn bao giờ hết, các nhà đài phải xem khán giả là những vị vua để phục vụ họ bằng cả sự tận tụy và mong muốn phát triển công cuộc xã hội hoá sản xuất chương trình truyền hình để công cuộc ấy không chỉ mạnh về lượng mà còn ổn về chất bởi một chương trình kém chất lượng thì "vua" chính là người đào thải nó trước tiên.

(Nguyên Phong/Lao động)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất