Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 15/12/2008 18:13'(GMT+7)

Cáp treo chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) sẽ “nuốt chửng” di tích?

Bản đồ quy hoạch vị trí ga trên

Bản đồ quy hoạch vị trí ga trên

Báo cáo đầu tư cho biết tổng chiều dài của tuyến cáp treo là 829m, độ cao chênh lệch của ga trên và ga dưới khoảng 284m, công suất vận chuyển mong muốn trên 1.000 người/h. Loại hình là hệ thống cáp đơn tuần hoàn có bộ phận kẹp mở cáp tự động, nguồn gốc thiết bị và công nghệ châu Âu, với tổng số vốn đầu tư 120 tỷ đồng.

Thuyết minh dự án theo kiểu “đánh đố”?

Với dự án này, nhiều người hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong việc thu hút lượng lớn khách hành hương tham quan di tích và cảnh quan, không gian nơi đây. Bên cạnh những mặt tích cực như phát huy tối đa giá trị di tích gắn liền với phát triển du lịch thì bản thân dự án cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại, đó là quy mô và các hạng mục của nhà ga trên của cáp treo, những giải pháp về quy hoạch, kiến trúc hạng mục công trình phụ trợ và bảo vệ môi trường sinh thái. Nói cách khác, phần về giải pháp quy hoạch, kiến trúc của tuyến cáp treo còn “thuyết minh” khá đơn giản.

Về vị trí nhà ga trên, Báo cáo viết: “Khu đất phía trước nằm ngoài khuôn viên của Chùa được chọn làm nhà ga trên. Vị trí được lựa chọn có địa hình thuận tiện nhất để xây dựng thêm các công trình phụ trợ phục vụ du khách. Vị trí nhà ga trên vừa đủ xa Chùa để đảm bảo sự tôn nghiêm và đảm bảo sự thuận lợi cho du khách trong những ngày lễ hội”. Theo dự án, nhìn trên cả tuyến cáp treo thì vị trí nhà ga (trên) và 16 hạng mục công trình xây dựng phụ trợ đi kèm nhằm phục vụ du khách có thể nói rất quan trọng. Vậy nhưng không hiểu sao các tác giả của Báo cáo đầu tư chỉ dùng bốn dòng để “thuyết minh” việc xây dựng nhà ga trên cũng như các công trình phụ trợ khác như trên. Liệu đây có phải là sự “đánh đố” của phía đơn vị lập dự án đối với cơ quan chuyên môn và cơ quan thẩm định, phê duyệt? Trong khi đó những ai đã đặt chân lên chùa Hương Tích đều biết rằng, trên đỉnh núi chỉ có vài công trình di tích kiến trúc nhỏ với quy mô vừa phải, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hoá. Thế nhưng, trong bản đồ quy hoạch định vị vị trí xây dựng nhà ga trên và các công trình phụ trợ lại thể hiện rất rõ việc chiếm một khoảng diện tích rất lớn, có thể nói lớn gần gấp hai diện tích toạ lạc của chùa.

Không lùi vị trí nhà ga thì di tích sẽ bị lấn át hoàn toàn

Nhìn vào bản quy hoạch, mặc dù các tác giả không chỉ rõ là xây dựng bao nhiêu công trình nhưng chúng tôi đếm được có tới những 17 công trình: nào là nhà ga trên, nhà dịch vụ đón tiếp, ăn uống, khu vệ sinh... nằm tiếp sát với di tích. Cho đến thời điểm này phía lập dự án vẫn chưa đưa ra quy mô, mô hình thiết kế nhà ga trên và các hạng mục công trình phụ trợ đi kèm như thế nào và liệu có phù hợp với kiến trúc di tích, cảnh quan không gian nơi đây, nhưng theo một số nhà nghiên cứu cho biết, với số lượng công trình như vậy là quá dày đặc, thậm chí không cần thiết. Không chỉ dày đặc về số lượng công trình mà một số chuyên gia, nhà quy hoạch cũng cảnh báo rằng, nếu không xử lý triệt để về mặt quy hoạch cũng như không đưa kiến trúc công trình nhà ga trên và hạng mục phụ trợ về gần với kiến trúc truyền thống, hài hoà với cảnh quan xung quanh thì khi xây dựng lên nó sẽ “nuốt chửng” các công trình kiến trúc di tích gốc. Ngoài ra, có nhiều ý kiến thật sự lo ngại về bản quy hoạch khi đưa vị trí của nhà ga trên và các hạng mục công trình phụ trợ của dự án nằm quá gần với di tích gốc. Nếu bản quy hoạch không được điều chỉnh bằng cách đẩy lùi vị trí nhà ga và các hạng mục công trình phụ trợ ra ngoài khu vực bảo vệ di tích thì khi xây dựng những công trình kiến trúc mới sẽ lấn át hoàn toàn di tích gốc. Nói cách khác, lúc đó nhìn từ xa khách tham quan chủ yếu nhận thấy những công trình hiện đại hơn là những công trình di tích. Khi đề cập đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh cho biết, “Thể hiện trên bản quy hoạch là như vậy thôi còn trên thực địa thì sẽ rất khác bởi địa hình nơi đây là giật cấp, không bằng phẳng”. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy rằng, rút kinh nghiệm từ một số nhà ga cáp treo đã được xây dựng trong một số di tích thì ở đây nhà ga trên của cáp treo ở chùa Huơng Tích vẫn cần được lùi xa so với di tích để bảo vệ cảnh quan, không gian.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, một dự án xây dựng trong khu vực di tích (vị trí nhà ga trên của tuyến cáp treo tại chùa Hương Tích nằm trong khu vực III bảo vệ di tích) nhưng tại phần căn cứ pháp lý lại không được đơn vị dự án dựa vào Luật Di sản văn hoá và một số văn bản pháp lý có liên quan. Có thể “quên”, song rõ ràng khi chưa nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Di sản văn hoá thì việc lên quy hoạch, triển khai xây dựng nơi đây sẽ ảnh hưởng phần nào đến giá trị kiến trúc, cảnh quan di tích chùa Hương Tích. Thêm nữa, trong Báo cáo đầu tư cũng không đề cập đến trong quá trình xây dựng sẽ ảnh hưởng như thế nào về mặt địa hình, cảnh quan vì khi đã xây dựng kiểu gì cũng phải san gạt mặt bằng và chặt cây cối. Màu sắc của hệ thống cabin, cột cáp treo cũng chưa được đề cập để xem có hài hoà với màu sắc xung quanh. Đó là chưa nói đến đã có hay chưa việc lập dự án tiến hành thám sát, điều tra khảo cổ học tại vị trí dự kiến xây dựng nhà ga. Và một vấn đề quan trọng không kém nữa là cơ quan chuyên môn vẫn chưa tiến hành đánh giá tác động môi trường mà dự án mang lại, việc mà hiện nay dư luận đang đặc biệt quan tâm.

Theo VanHoa Online 


Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất