Thứ Năm, 26/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 1/12/2011 20:36'(GMT+7)

Phát triển đội ngũ giáo viên là khâu then chốt

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, việc xây dựng, phát triển một nền giáo dục vững mạnh là nhân tố then chốt, quyết định để thúc đẩy xã hội phát triển. Trong các kỳ đại hội vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) là quốc sách hàng đầu và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định vấn đề này, trong đó nhấn mạnh “phát triển đội ngũ giáo viên là khâu then chốt” trong chiến lược “đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT”.

Qua hơn 25 năm đổi mới, cùng với sự phát triển toàn diện của đời sống kinh tế-xã hội, lĩnh vực GD-ĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên cả ba mặt: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Điều này đã được thể hiện qua việc đầu tư cho GD-ĐT ngày càng tăng, trang thiết bị trường học được đổi mới; quy mô đào tạo không ngừng được mở rộng; số học sinh các cấp phát triển nhanh chóng; công tác xã hội hóa và xây dựng xã hội học tập đã thu được kết quả bước đầu; nhiều trường dân lập, tư thục bậc đại học, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, phổ thông và mầm non được thành lập, hoạt động có hiệu quả... Đội ngũ giáo viên đã phát triển nhanh chóng và giữ vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu.

Giáo viên là “máy cái” trong hệ thống giáo dục. Chất lượng, nhân cách, phẩm chất đạo đức và lý tưởng của đội ngũ này như thế nào sẽ ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến sản phẩm mà họ đào tạo ra - đó chính là những con người - những công dân xây dựng xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”(1). Do đó, xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên không chỉ là vấn đề mang tính lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với sự phát triển giáo dục của nước ta.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn tình hình GD-ĐT của đất nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Đây là tư duy mang tầm chiến lược, thể hiện quan điểm toàn diện, khách quan, khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi hơn lúc nào hết, phát triển đội ngũ giáo viên vững mạnh, toàn diện, vừa hồng vừa chuyên là yêu cầu cấp thiết của giáo dục Việt Nam hiện tại. Yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên được Đại hội chỉ rõ là phải "xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng", là khâu then chốt, là tiền đề trong đổi mới GD-ĐT.

Để làm tốt chủ trương này, chúng ta cần nhanh chóng khắc phục các yếu kém trong bố trí, sắp xếp và sử dụng để sớm xây dựng được đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm các yêu cầu về năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ giảng viên/sinh viên bình quân ở nước ta là 1/28, thậm chí có trường 1/30, trong khi đó, ở các nước khác là 1/15 hoặc 1/20. Do đó, cần làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, quản lý mục tiêu, chất lượng giáo dục, đào tạo. Mặt khác, phải có chế độ chính sách, đặc biệt là chính sách về lương, thưởng, thăng tiến, phát triển chuyên môn, đánh giá, đãi ngộ phù hợp để tạo động lực và hiệu quả làm việc của đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã cải thiện chế độ chính sách cho giáo viên, nhưng các chính sách, chế độ hiện hành đối với giáo viên vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ quả là nhiều giáo viên không thể toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp GD-ĐT, sự nghiệp trồng người.

Ngược lại, để mỗi giáo viên thực sự giữ vai trò trung tâm trong phát triển GD-ĐT cần bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng đạo đức và kỹ năng sư phạm giỏi cho họ. Về vấn đề này, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ, phải “đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành...". Vì giáo viên không chỉ là người thầy, nhà khoa học, nhà tư tưởng, người cung cấp tri thức, mà còn phải là người hướng dẫn người học đến với tri thức, khoa học bằng đường đi ngắn nhất và phải là tấm gương về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kỹ năng sư phạm giỏi cho người học noi theo.

Hiện nay, GD-ĐT đang phát triển mạnh mẽ cùng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, do vậy, sự đánh giá của người học đối với đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Đại hội XI nhấn mạnh: “Phát triển hệ thống kiểm định và công bố công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo". Đây là quan điểm đột phá của Đại hội XI nhằm kiểm định chất lượng nguồn lực của quá trình GD-ĐT nói chung và kiểm định năng lực của đội ngũ giáo viên nói riêng. Việc đánh giá tập trung vào tính hữu ích của môn học; thời gian của chủ đề, bài giảng; phương pháp giảng dạy; quan hệ thầy - trò...

Có thể nói, chủ trương “phát triển đội ngũ giáo viên là khâu then chốt” trong chiến lược “đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT” đã và đang đi vào cuộc sống. Trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, sự nghiệp phát triển GD-ĐT nói chung và chủ trương “phát triển đội ngũ giáo viên” sẽ đem lại kết quả như mong đợi, góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước./.

Lê Văn Phong
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

________________________________

(1) -  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, tập.8, tr.184.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất