Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 6/12/2011 12:45'(GMT+7)

Tự chủ Đại học phải gắn với trách nhiệm

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học được đề xuất đã lâu, nhưng mới chỉ thực hiện thí điểm ở 5 trường Đại học và đã đạt được một số thành quả bước đầu. Về nguyên tắc, giao quyền tự chủ là để các trường hoạt động trong một hành lang pháp lý, chứ không phải giao quyền để các trường muốn làm gì thì làm.

Giao quyền tự chủ trong đào tạo đại học nhằm tạo điều kiện cho trường chủ động trong quá trình tiếp cận với nhu cầu xã hội. Nhà trường biết xã hội đang cần gì để xây dựng qui mô đào tạo phù hợp. Xã hội đặt hàng và trả công đào tạo. Nguồn thu cao hay thấp phụ thuộc vào uy tín của từng trường. Mà uy tín chỉ có thể khẳng định vào chất lượng đầu ra của người học. Với ý nghĩa đó, tự chủ phải đi liền với tự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm với người học và trách nhiệm trước pháp luật.

Các trường đại học khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí về đảm bảo chất lượng, đội ngũ giảng viên thì sẽ được Bộ Giáo dục-Đào tạo giao quyền tự chủ trong việc quyết định chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác quốc tế và mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp thu chi. Một số trường đại học được giao tự chủ đã tạo được đột phá trong đào tạo. Đây cũng là cơ sở để Bộ Giáo dục-Đào tạo tiếp tục mở rộng thí điểm tới những trường Đại học công lập “tốp đầu”, có cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên tốt như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM, các trường Đại học Sư phạm, Bách khoa, Y Hà Nội và Đại học Ngoại thương tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Việc chỉ thí điểm tự chủ tuyển sinh cũng có nguyên do từ thực tế. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII, hầu hết các trường đại học, nhất là đại học địa phương, đại học mới thành lập đều tuyển sinh vượt từ 150-200% năng lực đào tạo, khiến nguồn đầu tư của Nhà nước cho mỗi sinh viên trong một năm giảm từ 6-8 triệu đồng xuống còn 2-3 triệu đồng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sinh viên ra trường.

Hệ thống cơ sở giáo dục đại học của chúng ta có trường bề dày truyền thống hàng trăm năm, nhưng có trường mới thành lập hoặc vừa được nâng cấp, chất lượng còn yếu. Do vậy, nếu giao quyền tự chủ một cách tràn lan trong khi năng lực kiểm soát có hạn sẽ gây nên sự hỗn loạn trong hệ thống giáo dục. Chưa hẳn một số trường đã đủ sức tự chủ hoặc một số trường sau khi nhận, có thể lạm dụng quyền tự chủ để tùy tiện mở rộng quy mô mà không quan tâm đến chất lượng. Vì vậy giao tự chủ phải có lộ trình.

Căn cứ vào năng lực của từng trường, Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ giao quyền tự chủ cùng những qui định chặt chẽ về trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo. Nếu cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện hoặc vi phạm sẽ bị thu hồi quyền tự chủ, đảm bảo công bằng cho các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu nâng cao năng lực đào tạo.

Giao quyền tự chủ là cởi trói để các trường đại học phát huy năng lực, sáng tạo, đổi mới. Được tự chủ, chắc chắn sẽ có những trường đột phá, tạo ra những giá trị mới trong lĩnh vực giáo dục đại học. Tất nhiên, giao quyền tự chủ cũng sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh mới, những trường yếu kém sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Mùa tuyển sinh vừa rồi, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu không phải vì thiếu người học mà vì không đủ uy tín để hấp dẫn thí sinh. Nhiều người chen nhau để được vào đại học nhưng nhất định không vào học trường chất lượng kém. Đó là dấu hiệu tốt trong quá trình sàng lọc tự nhiên.

Tự chủ luôn đi liền với tự chịu trách nhiệm. Một khi tính trách nhiệm đối với quyền tự chủ của các trường chưa cao, thì tự chủ ấy dễ sinh ra “tự tung tự tác”, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ chỉ làm nhiễu loạn hoạt động giáo dục nước nhà; nếu các trường đại học cứ mải mê chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo thì các trường ấy sẽ bị người học quay lưng, bị xã hội đào thải./. 

(Vân Thiêng/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất