Thứ Sáu, 27/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 11/5/2012 22:44'(GMT+7)

Lớp trẻ vẫn loay hoay chọn nghề

Một chương trình tư vấn hướng nghiệp - chọn nghề năm học 2012. (Ảnh minh hoạ)

Một chương trình tư vấn hướng nghiệp - chọn nghề năm học 2012. (Ảnh minh hoạ)

Những băn khoăn…

Nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu học tập của người dân và nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày một tăng. Tuy nhiên, trong khoảng mười năm gần đây, mỗi năm có rất nhiều học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT, một phần trong số đó có thể vào học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên để lấy bằng bổ túc văn hóa, một phần vào học trong các trường dạy nghề, một số học các trường trung cấp chuyên nghiệp, phần còn lại ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo lấy một nghề. Nếu tính cả số học sinh bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, thi trượt cao đẳng và đại học mỗi năm thì con số thanh niên chưa được đào tạo nghề nghiệp hàng năm sẽ rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn người mỗi năm. Hậu quả là một số lượng lớn thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo cả về nghề và văn hóa đã tạo ra sự lãng phí lớn cho xã hội và tác động đến tính hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo.

Cũng có một số địa phương làm khá tốt công tác phân luồng, nhưng trên phạm vi cả nước vẫn chưa có tổng kết thực tiễn để đề xuất những giải pháp tổng thể, khả thi cũng như những điều kiện và hành động cụ thể trong và ngoài hệ thống giáo dục để làm tốt công tác phân luồng học sinh. Và như thế đã dẫn tới thực tế, rất nhiều em học sinh, ngay cả sinh viên đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời đều không khỏi lo lắng, băn khoăn, đôi khi còn cảm thấy bế tắc trước tương lai của mình. Em Nguyễn Thị Hiền (học sinh lớp 12 Trường THPT Nho quan A, Ninh Bình) bày tỏ lo lắng: “Tới thời điểm này em thực sự chưa biết lựa chọn trường nào để dự thi, vì em chưa đủ tự tin cho kỳ thi đại học sắp tới”. Cùng chung tâm trạng lo lắng ấy, em Nguyễn Thị Phượng ở quận Ba Đình (Hà Nội) - nơi được cho là trung tâm thông tin của cả nước cũng không khỏi bối rối: “Em đang gặp rất nhiều áp lực trong việc chọn ngành, chọn trường. Vừa để làm vui lòng cha mẹ, vừa được học ngôi trường mơ ước là điều rất khó khăn. Em rất sợ mình chọn trường theo ý thích để rồi học hành tốn kém mà ra trường không xin được việc làm sẽ bị bố mẹ trách móc vì đã không nghe lời”. Khi việc lựa chọn nghề nghiệp chưa được định hướng tốt sẽ dẫn tới tâm lý chọn đại khái một trường nào đó theo kiểu thụ động, dựa dẫm vào người khác, như trường hợp của Nguyễn Thị Lan (học sinh Trường THPT Yên Khánh A, Ninh Bình) dự định thi vào Trường Đại học Lao động xã hội chỉ vì có chị gái đang học ở đó, nếu đỗ sẽ đỡ bị bỡ ngỡ trong môi trường học tập mới.

Một thực tế diễn ra trong những năm trở lại đây là khi đăng ký thi đại học, nhiều em theo cảm tính, theo phong trào… chọn ngành nghề đang “hot” (ví dụ: tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán…) song khi tốt nghiệp rất khó tìm được việc làm theo đúng chuyên môn vì chỉ số "cung" của nghề đó vượt "cầu" rất xa. Điều đó gây lãng phí rất lớn không chỉ cho bản thân, gia đình sinh viên mà cả xã hội. Tất nhiên những sự lựa chọn vội vàng và không am hiểu về ngành nghề sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, dẫn tới kết quả học tập cũng như làm việc sau này không thu lượm được gì. Bạn Phạm Thị Oanh tốt nghiệp Đại học Thương Mại Hà Nội, chia sẻ: “Đam mê làm giáo viên theo mình suốt 12 năm học, nhưng tới lúc thi đại học nghe mọi người nói học Sư phạm dễ thất nghiệp nên mình thi vào ngành Tài chính- Ngân hàng. Tới khi học mới biết ngành đó không phù hợp với mình. Hiện tại mình đã ra trường nhưng không xin được việc, phần vì gia đình không có điều kiện hỗ trợ, phần vì mình không đủ tự tin về khả năng bản thân”.

Với nhiều bậc cha mẹ cũng bày tỏ băn khoăn trước việc động viên và tư vấn nghề nghiệp cho con cái. Nguyên nhân cũng bởi công tác tuyên truyền hướng nghiệp chưa được phổ biến, thông tin về thị trường lao động còn rất mù mờ. Cô Nguyễn Thị Vân quê Nghệ An có con trai đang chuẩn bị thi đại học bày tỏ: Thực sự thì tôi không biết rõ về các trường và ngành học lắm, nên cháu thích ngành gì, nguyện vọng thi trường nào thì tôi đều ủng hộ. Trong những năm gần đây, xu hướng “xuất ngoại” du học ra tăng, nhiều phụ huynh học sinh đã xoay xở bằng được để cho con cái đi du học cũng là một phản ứng với chất lượng đào tạo trong nước. Ông Phạm Trung Thành ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định: “Sau khi cháu học hết lớp 12 tôi sẽ cho cháu sang Anh du học vì tôi tin tưởng chất lượng đào tạo ở nước ngoài".

Hy vọng mở ra

Trong hệ thống giáo dục, những năm qua chúng ta đã có một số chủ trương, chính sách và những cơ chế để thực hiện phân luồng học sinh từ việc giáo dục hướng nghiệp, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách đào tạo liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, cho đến việc phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp cũng cho thấy những chuyển biến đáng mừng. Ở Việt Nam đang dần hình thành bốn hình thức giáo dục hướng nghiệp (GDHN) là: Hướng nghiệp qua dạy - học các môn văn hóa; Hướng nghiệp qua dạy - học môn Công nghệ, dạy nghề phổ thông và hoạt động lao động sản xuất; Hướng nghiệp qua việc tổ chức hoạt động GDHN; Hướng nghiệp qua các hoạt động khác như tham quan, ngoại khóa, qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, bên cạnh những băn khoăn như trên, cũng đã có những sự định hướng hiệu quả do các em được gia đình và nhà trường quan tâm hướng nghiệp từ sớm. Bà Nguyễn Thị Phượng ở quận Đống Đa (Hà Nội) có con gái đang làm bác sĩ vui vẻ nói: “Nhận thấy con có khả năng trong ngành Y nên từ ngày cháu còn nhỏ tôi đã định hướng cho cháu học Y bằng cách mua đồ chơi trò Bác sỹ, kể chuyện về các cô y tá... Khi học lớp 12, cháu lại thích theo ngành kiến trúc. Nhưng phần vì được tôi khuyên bảo nên cháu đã thi trường Y và trở thành bác sĩ giỏi”. Với bạn Nguyễn Ngọc Giang (cựu học sinh Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội) là một trong số ít trường hợp may mắn ở trong môi trường hướng nghiệp tốt. Ngay từ khi vào cấp III đến những năm học tiếp theo, nhà trường đều đặn tổ chức những buổi giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thông qua những cuộc giao lưu thông tin cơ bản về các ngành học, trường đại học.

TS Phạm Quang Sáng - Giám đốc Trung tâm Phát triển và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Bộ GD-ĐT) cho biết, chủ trương chính sách phát triển giáo dục và đào tạo liên quan đến việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT cũng đã hình thành từ việc phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề, các trường dạy nghề, TCCN đến việc giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, cho học sinh nghèo vay để học nghề. Bước đầu hình thành chính sách và cơ chế liên thông trong giáo dục và đào tạo, góp phần khuyến khích thanh niên vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt ở những vùng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB và XH cũng như Bộ GD-ĐT đã thành lập những trung tâm quốc gia có chức năng thông tin và tư vấn về nhu cầu nhân lực và thị trường lao động và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, một số cơ chế chính sách về hướng nghiệp đã mở nhưng làm thế nào để cơ chế chính sách đó thật sự thâm nhập vào đời sống và phát huy hiệu quả là cả một vấn đề nan giải. Điều đó phải được sự đồng thuận, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo bởi nếu không thì công tác hướng nghiệp ở Việt Nam lại giẫm vào vết mòn cũ để rồi không ít học sinh, sinh viên và cả người lớn vẫn loay hoay tìm hướng đi trên chặng đường gian nan có tên là nghề nghiệp./.

Khúc Hồng Thiện

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất