Thứ Bảy, 23/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 4/6/2021 8:41'(GMT+7)

Làm sạch "rác" trên mạng xã hội

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Việc cơ quan quản lý nhà nước ra văn bản chấn chỉnh tình trạng “rác” mạng xã hội là rất cần thiết, vì thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật. Trong số đó có nhiều nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức, sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa, phản cảm, tung tin giả, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... tác động tiêu cực đến dư luận và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Những cái tên từng làm “nóng” dư luận như kênh Hưng blog, Hưng troll, kênh Thơ Nguyễn... và mới đây là kênh YouTube Hoàng Anh-Timmy chứa đựng nhiều nội dung phản cảm, đã bị cơ quan quản lý xử phạt nghiêm khắc. Cũng thời gian gần đây, không ít nghệ sĩ nổi tiếng lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh sai sự thật, cổ xúy lối sống lệch lạc... khiến dư luận xã hội rất phiền lòng. Đáng nói hơn, một số thanh niên, thiếu niên thiếu kiến thức văn hóa, lười lao động đua nhau làm “sáng tạo nội dung số” mà thực chất là quay những video clip nhảm nhí, dung tục để "câu like", "câu view" nhằm kiếm tiền một cách rẻ mạt.

Câu chuyện “rác” văn hóa trôi nổi tràn lan trên mạng đã được công luận nhiều lần cảnh báo vì nó làm vẩn đục môi trường văn hóa xã hội và các cơ quan chức năng cũng đã ra tay chấn chỉnh, xử lý sai phạm. Tuy nhiên, thực trạng này khó có thể ngăn chặn dứt điểm, một mặt vì tính chất không gian mạng xuyên biên giới nên không dễ quản lý hiệu quả một sớm một chiều; mặt khác, vì bản thân nhiều cư dân mạng vô tình “hà hơi, tiếp sức” cho không ít nội dung thiếu lành mạnh trên mạng xã hội.

Cách đây ít ngày, dư luận không khỏi ngạc nhiên khi một nữ doanh nhân livestream suốt gần 3 tiếng đồng hồ với nội dung chủ yếu là đấu tố, “bóc phốt” những mặt trái, góc khuất của một số người nổi tiếng trong giới showbiz, nhưng đã thu hút tới 450.000 người xem trực tiếp trên nền tảng Facebook và YouTube.

Trong khi rất nhiều chuyện tốt, chuyện hay, chuyện đẹp trên mạng xã hội không mấy người quan tâm để ý thì có tới gần nửa triệu lượt người theo dõi một câu chuyện thị phi trong giới giải trí, phần nào cho thấy một bộ phận người đang “đốt thời gian” quá nhiều cho những chuyện không đâu. Nói điều này là có cơ sở, bởi theo thống kê, năm 2020 có 64% dân số nước ta sử dụng điện thoại thông minh được trang bị kết nối 3G, 4G, trong đó, người dùng đã dành 25% thời gian sử dụng smartphone để lướt Facebook và 12% thời gian để xem YouTube. Như vậy, tính trung bình có khoảng 24 triệu người dành 37% thời gian trong ngày (tức mỗi ngày khoảng hơn 8 tiếng đồng hồ) để lang thang và sống cùng mạng xã hội.

Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng mạng xã hội. Nhưng cư dân mạng cũng không nên thờ ơ, bàng quan với vấn nạn “rác” văn hóa trên mạng đang hằng giờ, hằng ngày tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, khối óc mình mà nếu mỗi người không đủ tri thức để loại bỏ. Nếu người dùng mạng xã hội đứng ngoài cuộc chiến chống “rác” văn hóa trên không gian mạng thì dù cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến mấy cũng rất khó đạt hiệu quả căn cơ, bền vững trong cuộc chiến này. Do đó, chung tay làm sạch “rác” văn hóa trên mạng xã hội là trách nhiệm không của riêng ai!./.

Minh Nam (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất