Thứ Năm, 5/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 30/6/2021 15:29'(GMT+7)

Bóng đá và bài học cuộc đời

Chỉ có bóng đá khát khao mới chiến thắng

Chỉ có bóng đá khát khao mới chiến thắng

Đương kim vô địch thế giới đang ở đâu trong giải đấu này, họ đã xách va li về nước.

Đương kim vô địch Châu Âu đang ở đâu, họ cũng đã bị loại trước đó.

Bảng tử thần còn ai đi tiếp? Không ai cả, đêm qua đội tuyển Anh đã loại nốt Đức, thành viên còn sót lại của bảng tử thần sau Pháp, Bỉ về nước.

Các ông lớn tên tuổi với những siêu sao trị giá trong đội hình hơn tỷ đô lần lượt bị loại, một số đội bóng ở mức độ trung bình, được xem như kho điểm, đội lót đường lại lọt vào vòng trong. Trái bóng tròn luôn hấp dẫn là vậy, bởi kịch tính và sự bất ngờ. Từ việc thưởng lãm những trận cầu mãn nhãn, chút chiêm nghiệm, lắng đọng suy tư nhận thấy rất nhiều giá trị từ cuộc chơi trái bóng tròn.

Một là, ranh giới giữa người hùng và tội đồ hết sức mong manh.

Có 29 bàn thắng đã được ghi. Siêu phẩm có, phản lưới có, sút trượt penaty trong trận có, sút trượt penaty trong lượt đấu súng có, mẫu thuẫn với đồng độ có, máu đã rơi và nước mắt đã tuôn cũng có…

Vô số cảm xúc được sản sinh, tan biến, người hâm mộ từ thái cực này sang thái cực khác.

Và một lần nữa, việc đang từ người hùng trở thành tội độ và ngược lại là một ranh giới hết sức mong manh trong bóng đá. Một cú khống chế trượt chân của thủ môn Unai Simon đội tuyển Tây Ban Nha đã khiến cả đội phải lao đao trong hiệp một. Nhưng vào hiệp phụ thứ nhất, pha cản phá bằng tay cứu thua trên vạch vôi lại biến anh thành người hùng. Điều gì sẽ xảy ra với Unai Simon nếu đội tuyển Tây Ban Nha không đi tiếp? Lúc đó chỉ có Chúa mới giúp được anh trước sự chỉ trích của người hâm mộ.

Thủ môn Slovakia cũng vậy. Trong 15 phút đầu hiệp 1 anh xuất sắc đẩy được quả phạt đền nhưng chỉ 15 phút cuối hiệp 1, tự anh chính anh đã ném bóng vào gôn mình ghi bàn cho tuyển Tây Ban Nha, để rồi sang hiệp hai Tây Ban Nha có chiến thắng giòn giã…

Thế mới thấy, mọi ranh giới thật là mong manh. Chính những ranh giới mỏng manh đã xóa bỏ mọi sự tuyệt đối và giới hạn trên đời, dù định kiến hay thần tượng; theo đường lăn của trái bóng tròn, bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra! 

Hai là, sự hiểu nhau cực kỳ quan trọng.

Xem các trận đấu, ngoài việc tuân thủ đấu pháp, chiến thuật của các huấn luyện viên, người hâm mộ luôn được chứng kiến các pha bóng kỹ thuật, những đường chuyền như có mắt, cầu thủ không cần nhìn không cần quan sát, chỉ bằng một động tác nhấc chân bóng đã đến bên đồng đội. Điều đó cho thấy sự hiểu nhau cực kỳ cần thiết, biết đồng đội di chuyển không bóng theo hướng tấn công như thế nào.

Có thể những cầu thủ trong cùng một đội tuyển lúc thi đấu ở cấp câu lạc bộ họ thuộc phe đối đầu, có thể họ có xích mích với nhau ngoài đời nhưng khi đã vào trận, họ buộc phải chuyền bóng cho nhau, đặt nhau vào những vị trí thuận lợi có thể ghi bàn…

Sự hiểu nhau không chỉ cần thiết trong nhịp điệu chậm của trà dư tửu hậu, trong khoảng thời gian dài của đời người mà còn quyết định thành bại ngay trong nhịp điệu trên sân cỏ, trong khoảng thời gian hữu hạn của 90 phút hoặc 120 phút, không hiểu nhau, trận đấu rời rạc, đường chuyền vô duyên, tựa như trong cuộc sống, nếu thiếu tri âm, ngôi nhà lạnh lẽo, các mối quan hệ nhạt nhẽo, bẽ bàng, ông chẳng bà chuộc, đối diện bất tương phùng…! 

Ba là, dù có đá hiệp chính hay hiệp phụ, chúng ta đừng bỏ cuộc.

EURO 2020 đến nay có 9 bàn thua do phản lưới nhà, từ những pha cản phá bóng trong vòng cấm địa khiến bóng đổi hướng đi vào gôn hay những pha đỡ hụt của thủ môn Unai Simon trong trận Tây Ban Nha – Croatia, pha chơi “bóng chuyền” vào lưới của thủ môn Slovakia cho thấy: “Thất bại có thể đến từ chính những đồng đội của mình, ngôi đền có thể bị đốt cháy tới ngơ ngác bởi chính người gác đền ta tin cậy”

EURO 2020 hấp dẫn ở chỗ có nhiều cuộc lội ngược dòng kịch tính. Điều đó một lần nữa khẳng định chân lý, dù có thắng hay thua đừng bao giờ tuyệt vọng dù bị dẫn trước 3 - 1 hay đang thắng 3 - 1! Một phút bù giờ vẫn có thể giúp thay đổi vận mệnh.

EURO 2020 lần đầu áp dụng công nghệ VAR, điều đó dẫn đến các tình huống dù có là việt vị thì trọng tài sẽ không thổi nếu chưa kết thúc tình huống bóng. Do đó, khi ở thế việt vị hãy cứ sút, còn việc phán quyết bàn thắng có hợp lệ hay không đã có hội đồng trọng tài. Hãy cứ sút khi có cơ hội, đừng bỏ cuộc.

Bốn là, niềm vui của người này sẽ là nỗi đau của người kia. 

Hẳn nhiên rồi, người hâm mộ chứng kiến các ngôi sao bóng đá khóc như một đứa trẻ, nức nở đầy tiếc nuối. Nhưng cuộc sống là vậy, luôn có thắng bại và khi bại trận phải chấp nhận kết quả trận đấu. Chúng ta luôn chứng kiến những nghịch lí của cuộc sống khi chiến thắng và niềm vui của người này đồng nghĩa với thất bại và nỗi buồn của người kia. Sân cỏ là nơi luôn đồng thời xuất hiện những thái cực xúc cảm đối lập hầu như không thể dung hoà! Bàn thắng, niềm vui, sự phấn khích tột độ khiến nửa cầu trường rung chuyển hân hoan như có thể bay tới chín tầng mây luôn diễn ra đồng thời với bàn thua, nỗi tiếc nuối, sự thất vọng!

Và ở đâu cũng vậy, chúng ta luôn thấy trong những phản ứng của kẻ thắng và người thua những ánh chiếu của văn hóa. Trên khán đài, phút bừng tỉnh sau thất bại, sự động viên thương mến của cổ động viên dành cho đội tuyển của mình, cái ôm của em bé “bên thắng cuộc” dành cho một cầu thủ bên kia đang khóc trên sân cỏ… đó là biểu hiện cảm động của tinh thần fairplay, sự cao thượng, đồng cảm… đánh dấu đẳng cấp văn hoá và lí trí, điều đó cũng tuyệt đối không xung đột và loại trừ những xúc cảm tự nhiên mãnh liệt đến từ bên chiến thắng./.

Trọng Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất