Hằng ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả, dịch bệnh bủa vây nhưng điều dưỡng trưởng, Khoa Hồi sức tích cực Nguyễn Thị Thường (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai, dịch bệnh sẽ chấm dứt, cuộc sống trở lại bình thường. Từ trong tâm dịch, chị đã ghi lại những dòng tâm sự đầy xúc cảm gửi gắm cho mọi người dân Việt Nam.
Thời gian trôi đi thật nhanh. Thấm thoát vậy mà đã gần 40 ngày tôi phải rời xa gia đình, chồng con để đến với những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Cả ngày lẫn đêm, nơi đây lúc nào cũng trong tình trạng “căng như dây đàn”. Có những niềm vui, nhưng cũng không ít nỗi buồn đã diễn ra từng ngày, từng phút tại tuyến đầu của dịch bệnh.
Đây có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất, để lại những dấu ấn khó quên trong cuộc đời của tôi. Dẫu rằng, trong môi trường luôn phải đối mặt với dịch bệnh, bộ quần áo bảo hộ kín mít mặc trên người cả ngày khiến cả bác sĩ và y tá, điều dưỡng đều cảm thấy khó chịu, bức bối. Nhưng rồi, tình đồng nghiệp, tình đồng chí, tình thương, tình người đều chan chứa đã khiến tôi cảm thấy mọi khó khăn, mệt mỏi tan biến.
Mệt tôi không nói, nóng tôi chịu đựng được và có cả những lúc bản thân cảm thấy đang bị stress tôi cũng không than thở. Bởi vì tôi nghĩ rằng, những gian truân của chúng tôi chỉ là một góc nhỏ trong sự khốc liệt của đại dịch mà cả thế giới đang phải đối mặt.
Tôi cũng như các đồng nghiệp của mình, khi nhận nhiệm vụ đến nơi đây là chỉ biết làm hết sức, hết lòng để cứu những bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang bị nguy kịch. Trong hơn một tháng qua, hằng ngày chúng tôi tiếp nhận nhiều ca bệnh trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi đã làm được điều mà chúng tôi thấy thật có ý nghĩa cho cuộc đời này.
Trong quãng thời gian hơn một tháng qua, tôi chắc chắn một điều rằng, những đồng nghiệp nữ của tôi đều ít nhất một vài lần rơi nước mắt. Bởi họ không phải “mình đồng da sắt”, họ là phụ nữ mà, cũng chân yếu tay mềm. Các chị em có cân nặng trung bình chỉ khoảng 50 kg và chiều cao dưới 160 cm.
Nhỏ bé là thế, nhưng họ không yếu đuối đâu, họ có sức mạnh phi thường và sức mạnh đó được tiếp sức từ tình yêu mãnh liệt của gia đình, đồng nghiệp và cả những bệnh nhân mà họ đang điều trị. Họ yêu nghề, yêu người, yêu tất cả cuộc đời này.
Chúng tôi đến đây để chiến đấu với đại dịch bằng tình yêu nghề nghiệp, bằng nghĩa vụ và trách nhiệm với bệnh nhân chứ không phải chiến đấu bằng sức của người chân yếu tay mềm. Chúng tôi chiến đấu với đại dịch bằng niềm tin, chứ không chiến đấu trong lo âu nhiễm bệnh. Tôi yêu những cô gái đó, những “cô gái vàng” trong trong cuộc chiến chống Covid-19. Bé nhỏ mà kiên cường, yếu mềm mà bất khuất.
Đại dịch quá khốc liệt, chúng tôi chỉ là một góc nhỏ bé. Không dám khoa trương. Nhưng tất cả những gì chúng tôi đang làm hằng ngày là những trải nghiệm đều khó diễn tả thành lời. Giữa đêm khuya, một bạn nữ điều dưỡng có thể òa lên khóc vì nhớ con thơ, cha mẹ già; ai có thể cầm lòng khi nghĩ về đứa con thơ đang gào khóc suốt đêm vì khát sữa, giọt nước mắt này, không thể nuốt vào trong; ai có thể an lòng khi cả nhà đi chống dịch, bỏ lại mẹ già bệnh tật cô quạnh trong căn nhà trọ chừng 12m2; ai có thể an lòng khi cả bố và mẹ đều là bác sĩ xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, bỏ lại con thơ ngơ ngác suốt đêm thâu.
Chúng tôi đã lựa chọn hy sinh nhiều thứ để cống hiến một phần cuộc đời mình cho nghĩa lớn. Ở đây, tại nơi dich bệnh bủa vây, chúng tôi còn chứng kiến cảnh một người nam giới giữa đêm khuya, chạy xuống sân bệnh viện gào hét lên giống như 1 người bị mất kiểm soát. Anh ấy nói gì mọi người biết không!? "50 bệnh nhân! 50 bệnh nhân! chiến đấu đến cùng! chiến đấu đến cùng!". Trời ơi!, nhìn cảnh đó, tôi thấy mắt mình nhòa lệ và muốn ôm anh ấy để khóc thật to. Người đàn ông đó là người luôn tình nguyện khâm niệm cho những bệnh nhân Covid-19 xấu số, không có người thân lúc họ lâm trung.
Lá rụng về cội, những con người xấu số đó, họ ra đi không gia đình, nhưng luôn có chúng tôi, những bác sĩ, những điều dưỡng, luôn bên họ, nắm tay họ suốt một chặng đường chiến đấu với bệnh tật. Với tỷ lệ tử vong trên dưới 3%. Nếu bắt buộc phải lựa chọn để đủ số lượng 3% đó. Tôi tin chắc những con người đó, những người đã đến tuổi xưa nay hiếm, những người đã nếm trải hết những đắng cay của cuộc đời, những người đã vật vã vì căn bệnh ung thư. Họ sẽ sẵn sàng nhận là người ra đi để nhường lại sự sống cho em bé mới 25 tuần tuổi; nhường lại hạnh phúc tình yêu đôi lứa cho chàng trai 27 tuổi; nhường lại sự cống hiến cho khoa học của những bác sĩ, hay đơn giản nhường lại nụ cười cho những em thơ. Họ ra đi vẫn sẽ nở 1 nụ cười rạng rỡ. Bởi họ biết rằng chúng tôi đã mang hết khả năng và tâm huyết để kéo họ khỏi “quỷ môn quan”. Họ biết rằng chúng tôi gần 40 ngày qua đã thức thâu đêm suốt sáng; họ biết rằng đôi mắt của bác sĩ đã héo hon vì thiếu ngủ.
Vậy nên, ở nơi tuyến đầu của dịch bệnh, tôi muốn gửi gắm đến tất cả người dân, mọi người hãy yêu thương và trân trọng cuộc đời này nhiều hơn nhé!
Hãy sống một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa nhé!.
Hãy tuân thủ 5k, hãy biết trân trọng những liều vaccine! Hãy tiêm vaccine và ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19.
Hãy chung tay chống đại dịch và lan toả những yêu thương. Tôi và những người bạn của tôi tự hào là chiến sĩ áo trắng nơi tâm dịch.
Theo QĐND