Thứ Năm, 21/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 2/6/2021 15:4'(GMT+7)

Vì chúng ta gọi nhau hai tiếng “đồng bào”

Các sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai lên đường làm nhiệm vụ tại Bắc Giang

Các sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai lên đường làm nhiệm vụ tại Bắc Giang

NHỮNG CHIẾN SĨ VỚI TINH THẦN XUNG KÍCH
Năm 2020, người dân cả nước đã chứng kiến các bác sỹ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội vào tăng cường hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. Đợt dịch lần thứ tư này một lần nữa cho thấy sự đồng lòng, đồng tình, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc quyết tâm cùng chống đại dịch. Lại một lần nữa, các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế của cả nước đồng loạt lên đường “chi viện” cho tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang. 

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, dưới sự điều động của Bộ Y tế, các y bác sỹ, nhân viên y tế của các địa phương trong cả nước đồng loạt lên đường giúp cho hai địa phương nói trên. Hầu hết các nhân viên y tế lên đường nhận nhiệm vụ với quyết tâm và tinh thần xung kích, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thách thức trong công việc. Việc các đoàn nhân viên y tế của các địa phương đi vào tâm dịch là minh chứng, là bài học thực tế nhất về sự hy sinh, cống hiến. Họ chính là những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống COVID-19.

Trong chiến tranh, chúng ta đối diện với kẻ thù với vũ khí và quân số cụ thể nhưng trong đại dịch chúng ta đối diện với con vi rút nhỏ bé vô hình. Giờ đây, chúng ta đã biết rõ độc dược học của nó, biết cách thức lây lan và đang tìm cách cô lập, hạn chế sự lan truyền này. Thay vì người lính cầm súng trên tuyến đầu, giờ đây các y bác sỹ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ chiến đấu chống lại Covid. Qua các hình ảnh từ tâm dịch, người dân càng thấu hiểu và đồng cảm, chia sẻ hơn với ngành Y, những chiến sĩ áo trắng đang chăm sóc sức khỏe người dân, người thân và những người đang sống xung quanh mình.

THÂN THƯƠNG HAI TIẾNG "ĐỒNG BÀO"

Từ thực tiễn cuộc sống, từ những hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế, bất chợt lại thấy thêm yêu quý, thân thấy thương hơn vì hai tiếng "đồng bào”. Những chuyến hàng viện trợ, những chuyến xe chở đầy quà tặng, những tin nhắn chuyển tiền gửi đến các quỹ, những gia đình chia ly vì vợ hoặc chồng lên đường làm nhiệm vụ, những đứa trẻ phải tự trưởng thành khi bố mẹ biệt phái đi công tác…. Tất cả những hình ảnh đó đã nói lên tình cảm của người dân trong việc chung tay phòng, chống đại dịch. Đó là nguồn an ủi, sự động viên khích lệ cho các y bác sỹ đang ngày đêm trong bộ quần áo bảo hộ làm việc, điều trị cho bệnh nhân và ngăn ngừa những ca mắc mới.

Một người, mỗi cộng đồng, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương lại cùng nhau chung tay với các chiến sỹ nơi tuyến đầu, tùy theo sức của mình mà đóng góp. Người nông dân góp nông sản, doanh nghiệp hỗ trợ tiền mua vắc xin, giới văn nghệ sỹ kêu gọi người dân ủng hộ các quỹ, ngành giao thông vận tải chở hàng miễn phí… Tất cả những sự chung tay trong khó khăn hiện nay càng thể hiện rõ hơn về tính cách người Việt, sẽ sàng góp sức, góp công khi đất nước gặp nguy hiểm.

Chứng kiến những vất vả, vượt khó, vượt khổ nơi "tâm dịch", nơi tuyến đầu chống dịch mới thấy thương, thấy quý và kính trọng những sự hy sinh thầm lặng. Bên cạnh sức người, sức của, cũng cần lắm những ý tưởng, sáng kiến. Để đảm bảo an toàn lao động, để bảo đảm các quy trình xử lý nghiệp vụ,... có khi, là ý tưởng về thiết kế về trang phục, buồng lấy mẫu để đảm bảo sự an toàn cho nhân viên y tế vừa đảm bảo sự thoáng mát, phục hồi cơ thể để các nhân viên y tế có thể tiếp tục làm việc trong một thời gian dài, để vơi đi những vất vả.../.

Phạm Quý Trọng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất