Thứ Bảy, 27/7/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 25/5/2017 18:43'(GMT+7)

"Luật bẩn"

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

- Này ông, trên đời này, giống như tiền có tiền sạch, tiền bẩn, luật cũng vậy, bên cạnh luật sạch, trong xã hội còn có cả luật bẩn đấy!

- Ông này nói lạ! Ai chẳng hiểu tiền sạch là tiền được làm ra từ lao động chân chính, hợp pháp, còn "tiền bẩn" là tiền do làm ăn bất lương mà có. "Tiền bẩn" thì nghe đã quen tai. Chứ "luật bẩn" thì nghe lạ quá! Luật là do Nhà nước quy định, được xây dựng bởi trí tuệ tập thể, với mục đích đem lại sự công bằng và tốt đẹp cho xã hội, được thông qua bởi Quốc hội và công bố trong các bộ luật, áp dụng đối với tất thảy mọi người trong cộng đồng. Đã là Luật thì làm sao lại còn có luật bẩn được?

- Luật mà ông đang nói đến ấy là Luật của Nhà nước - là "Luật thành văn" - theo đúng nghĩa của Luật. Nhờ có luật đó mà xã hội có tôn ti, trật tự. Điều này thì ai cũng đã rõ. “Luật bẩn" mà tôi muốn nói ở đây là "luật bất thành văn" - điều mà dân ta vẫn quen gọi ấy! Điều đáng ngại là thứ "luật bẩn" này dường như ngày càng có xu hướng lây lan, có nguy cơ phá hoại nhiều kỷ cương, phép tắc...

- Ấy, ông nói thế là không đúng! cái thứ đó thì không gọi là Luật được, không thể chỉ vì dân ta quen "nôm na" như thế mà quy nó lên thành Luật. Đó chỉ là "lệ" thôi ông ạ, tức là quy định của một số cá nhân hoặc nhóm người thiểu số với nhau. Còn nó "sạch" hay "bẩn" thì phải xem xem mục đích của nó là gì. Mà ông nói "luật bẩn" ngày càng có xu hướng lây lan trong xã hội ta nghĩa là như thế nào?

- Này nhé, có những người hiện nay được Nhà nước trao nhiệm vụ trông coi, giải quyết, xử lý công việc liên quan đến pháp luật. Thế mà có những việc không được làm theo quy định của pháp luật, thì họ - những người thực thi công vụ lại “bật đèn xanh” cho người có nhu cầu vi phạm. Như thế là họ đã tạo điều kiện cho người khác phạm pháp - "lách" hoặc "bước qua" Luật của Nhà nước. Tất nhiên, muốn được việc, thì người ta phải “làm luật” với nhau. Đó chính là thứ "luật bẩn" vì không thể công khai, bởi cả hai bên cùng bất chấp pháp luật, vì quyền lợi của mình mà gây phương hại đến xã hội.

- Ờ thì gọi nó là "luật bẩn" - đặt trong ngoặc kép - theo thói quen của dân gian, nhưng không thể nói là thứ "luật bẩn" đó đang có xu hướng ngày càng lây lan trong xã hội được. Những điều ông nói chỉ là một số ít thôi, không mang tính điển hình. Điều đó thì ở thời nào, xã hội nào, đất nước nào mà chẳng có, chỉ có điều là nó "trắng trợn, công khai" hay "ngấm ngầm" thôi!

  - Ông này đúng là dân ngồi bàn giấy. Xin thưa rằng, cái thứ "luật bẩn" nói trên hiện đang tồn tại ở không ít lĩnh vực. Này nhé, xe chở quá tải, quá lượng hành khách quy định, dừng đỗ tuỳ tiện tạo nên nạn xe dù, bến cóc ảnh hưởng đến trật tự giao thông, bị Nhà nước nghiêm cấm nhưng vẫn cứ diễn ra ngang nhiên diễn ra ở không ít nơi, bởi nhà xe đã “làm luật” với người có phận sự xử lý. Trong lĩnh vực xây dựng, nhà làm không có giấy phép hoặc không đúng giấy phép vẫn tồn tại. Có nơi, người ta công khai làm nhà trên đất nông nghiệp. Ở đô thi, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo bị ngăn cấm từ mấy năm trước nhưng chẳng những không bị dỡ bỏ mà còn tiếp tục mọc thêm. Rồi thì vấn đề trật tự đô thị - một “trận tuyến” luôn nóng bỏng. Từng có rất nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực này ra đời, lại có cả một danh sách những tuyến phố bị cấm buôn bán trên vỉa hè... Nhưng tính khả thi thì rất thấp.Vì sao có tình trạng này xảy ra khiến các nhà lãnh đạo đau đầu, dân chúng phàn nàn, bức xúc? Đó chính là vì nạn “làm luật” đang hoành hành, tác oai, tác quái ở nhiều nơi trong xã hội. Không phải là hiếm thấy hiện tượng này: Theo quy định, đất dưới 30m2 không được cấp giấy phép làm nhà. Nhưng vẫn cứ làm được nếu đương sự chịu “làm luật” một khoản tiền nhất định để không bị ai đến lập biên bản, cưỡng chế tháo dỡ. Có trường hợp "luật bẩn" được sử dụng đến trắng trợn, như: có người muốn mua một mảnh đất nhưng do dự vì ngay bên cạnh một cột điện có thể đổ bất cứ lúc nào khi giông bão. Lập tức, có người gợi ý: mảnh đất đáng bạc tỷ, hãy chi 100 triệu sẽ có người đến di dời sang mảnh đất bên cạnh. Quả là không còn gì để nói! Đấy là chưa kể trong cả các lĩnh vực nhạy cảm như y tế, giáo dục, văn hoá… cũng bị "luật bẩn" chen vào, khiến người dân bức xúc, kêu ca!

- ?!

- Khó là ở chỗ người ta không thể "chỉ mặt đặt tên" và thiếu quyết liệt. Một xã hội văn minh thì Pháp luật của Nhà nước phải là thượng tôn. Mặc dù về cơ bản xã hội ta đã và đang có những giá trị tích cực và ưu việt, nhưng ở đâu đó trong xã hội vẫn còn tồn tại cái thứ mà người ta gọi là "luật rừng” của “xã hội đen” và “luật bẩn” của những mối quan hệ móc nối, “đi đêm” giữa người thực thi công vụ của Nhà nước và kẻ làm ăn phi pháp. "Luật rừng" thì trắng trợn, tàn bạo. Còn "luật bẩn" thì lén lút, khuất tất. Pháp luật của Nhà nước có thể dẹp "luật rừng" dễ dàng, vì nó gắn với tội phạm. Nhưng với "luật bẩn" thì trớ trêu thay, nó lại liên quan đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Bởi thế, có thể nói rằng: Xử lý "luật bẩn" khó hơn xoá bỏ "luật rừng". Đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt đòi hỏi sự dũng cảm và tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị!

- Thôi, thôi! Tôi biết rồi! Vấn đề là con người ông ạ. Con người thực thi pháp luật mà không nghiêm minh, công tâm thì xã hội vẫn còn tồn tại những thứ "luật bẩn". Chúng ta đang từng bước khắc phục những hạn chế yếu kém để tiến tới xây dựng một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, văn minh. Với quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chắc chắn "những con sâu làm rầu nồi canh" rồi sẽ dần được loại bỏ./.

AT

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất