Thứ Tư, 4/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 9/11/2024 16:5'(GMT+7)

Luật Nhà giáo phải được người thầy thực sự đón nhận

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ sáng 9/11. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ sáng 9/11. (Ảnh: TTXVN)

Trước khi góp ý cho Dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ: "Đây là dịp tôn vinh nghề nghiệp những người thầy - cũng là chào mừng ngày 20/11. Nhân đây tôi chúc mừng các thầy cô giáo, chúc mừng sự nghiệp giáo dục của chúng ta".

Tổng Bí thư cho rằng, vị trí công tác đào tạo trong giáo dục có ý nghĩa quan trọng về chiến lược cán bộ. Trong đào tạo, người thầy rất quan trọng, là chủ thể chính; bởi muốn đào tạo phải có thầy giáo, trường học. Tổng Bí thư cũng nêu, nói đến người thầy là phải có học trò, đây là một mối quan hệ tương quan. Vì vậy, Luật Nhà giáo cần giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa thầy và trò.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu, chính sách của chúng ta là phổ cập giáo dục, tiến dần từ bậc tiểu học, trung học; trẻ đến tuổi đi học là được đến trường… Nếu tiến bộ và xa hơn nữa là miễn học phí, nuôi ăn...

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho rằng, người thầy là một nhà khoa học. Mối quan hệ giữa thầy giáo và Nhà khoa học phải được thể hiện rõ. Vì vậy, chính sách làm sao thể hiện mối quan hệ giữa nhà khoa học, Trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp, Nhà nước. Trở thành Nhà khoa học là đòi hỏi rất lớn với người thầy. Bởi khoa học, tri thức không dừng lại và người thầy cần mang tâm thế đó. Người thầy là nhà khoa học, có chuyên môn sâu về một lĩnh vực cụ thể.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu vấn đề, đất nước hội nhập thì Giáo dục và đào tạo phải hội nhập như thế nào. Lấy ví dụ vừa qua ngành Giáo dục nêu sẽ phổ cập tiếng Anh (tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường - PV). Vì vậy, trình độ tiếng Anh của người thầy phải được quy định như thế nào. Có quy định với thầy giáo là người nước ngoài hay không? Thầy giáo người nước ngoài có chấp hành theo quy định Luật Nhà giáo Việt Nam hay không? Vì vậy, Tổng Bí thư cho rằng, cần có chính sách cụ thể, vai trò chính sách của Nhà nước.

"Thầy không có tiếng Anh làm sao trò có tiếng Anh. Thầy giáo dạy Toán, Ngữ văn cần có tiếng Anh. Khi coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 để hội nhập thì phải tính toán điều đó", Tổng Bí thư nói.

Về chính sách học tập suốt đời, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chúng ta có quy định là thầy giáo đến bao nhiêu tuổi sẽ nghỉ hưu. Nhưng ở Việt Nam là học tập suốt đời, người già vẫn đi học. Trong khi đó, những người thầy lớn tuổi, học hàm cao như GS, thầy lớn tuổi là những người rất uy tín. Vì vậy cần huy động được nguồn lực này tham gia vào công tác giáo dục, giảng dạy.

Tổng Bí thư cho rằng, trường học ở miền núi là môi trường đặc biệt và cần quy định rõ chính sách với nhà giáo nơi này. Ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, thầy cô giáo phải dỗ dành, nuôi dưỡng, động viên để học sinh đến trường, thậm chí hy sinh cuộc sống riêng... Còn học sinh phải đi học 20 - 30 km, không có trường nội trú. Thầy và trò cũng không có chỗ ở... Trong khi đó, giáo viên đến dạy 5 - 10 năm phải về vì liên quan đến xây dựng gia đình riêng.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, những vùng khó khăn về kinh tế - xã hội lại là vùng trũng về giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần có cán bộ tại chỗ nhưng tuyển không được. Tổng Bí thư đặt vấn đề là đào tạo tại chỗ thế nào. Điều này khó khăn càng khó. Vì vậy cần có sự khuyến khích với thầy cô ở những vùng đặc biệt này.

Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn, Luật Nhà giáo được ban hành phải làm sao để người thầy đón nhận trong tâm thế phấn khởi, thực sự được tôn vinh và được tạo điều kiện. Có người thầy tốt mới có trò. Thầy giáo là đầu tàu trong giáo dục./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất