Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
(27-2) năm nay, 10 thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc đã được tuyên dương và
nhận “Giải thưởng Đặng Thùy Trâm” năm 2016. Dịp này, 60 thầy thuốc trẻ
Thủ đô tiêu biểu cũng được tuyên dương và nhận bằng khen của Hội Liên
hiệp Thanh niên (LHTN) thành phố Hà Nội; 45 tập thể, cá nhân được Trung
ương Hội LHTN Việt Nam khen thưởng...
Thầy thuốc là nghề cao quý, với sứ mệnh cao cả là trị bệnh, cứu người, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng cũng là nghề đòi hỏi sự hy sinh và tận tụy. Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ, thương yêu chăm sóc người bệnh. Mỗi lời nói, cử chỉ, hành động trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đều thể hiện lương tâm, tình cảm và trách nhiệm của người thầy thuốc. Đó cũng là việc kế thừa và phát huy truyền thống thương yêu, đoàn kết từ ngàn đời của dân tộc ta: "Thương người như thể thương thân".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế. Người huấn thị: "Thầy thuốc như mẹ hiền” và "Cán bộ cần phải thương yêu, chǎm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn". Thực hiện lời dạy của Bác, bao thế hệ cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân y… đã tận tụy cống hiến, phục vụ, thậm chí hy sinh tính mạng để cứu chữa thương bệnh binh, bệnh nhân, phòng, chống các bệnh dịch nguy hiểm. Nhiều gương sáng, hình ảnh đẹp, những cống hiến to lớn của đội ngũ thầy thuốc-“chiến sĩ áo trắng” trên trận tuyến thầm lặng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh xứng đáng.
Cùng với củng cố, phát triển y thuật, việc xây dựng y đức luôn được toàn xã hội và ngành y tế đặc biệt coi trọng, đặt lên hàng đầu, nhất là trước tác động của tiêu cực, tệ nạn xã hội và mặt trái cơ chế thị trường. Trước yêu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành cần có các giải pháp toàn diện, đồng bộ để tiếp tục trau rèn, nâng cao y đức; trước hết là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, để mỗi cán bộ, nhân viên y tế tự giác rèn luyện, thấm sâu và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”, đồng thời tích cực, chủ động ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vụ lợi, vi phạm y đức; những “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong quá trình khám bệnh, điều trị, người bệnh và thân nhân cũng cần có thái độ đúng mực, tôn trọng, tạo thuận lợi để cán bộ y, nhân viên tế thực hiện tốt các quy định về y đức.
Đảng và Nhà nước ta đã và đang có những điều chỉnh, đổi mới về chế độ, chính sách đối với ngành y tế, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người thầy thuốc. Công tác quản lý nhà nước về y tế được tăng cường, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về chuyên môn, y đức, gây phiền hà, sách nhiễu. Chính sách bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo thuận lợi tối đa và bảo đảm quyền lợi của người dân trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất của y đức thầy thuốc vẫn xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm. Người thầy thuốc với y đức trong sáng, cao đẹp còn là chỗ dựa tinh thần, góp phần mang đến niềm hy vọng, lạc quan, giúp người bệnh chiến thắng bệnh tật. Mong rằng, những gương sáng, tiếng thơm về y đức của đội ngũ thầy thuốc-những “chiến sĩ áo trắng” sẽ tiếp tục được phát huy, nhân rộng và lan tỏa.
Anh Quân/QĐND