Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 2/12/2008 21:24'(GMT+7)

Sáng mãi tấm gương đồng chí Ngô Gia Tự

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 tại tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình có truyền thống yêu nước.

Năm 14 tuổi, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ và nhiều nhà giáo yêu nước, hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, tích cực hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Năm 18 tuổi, đồng chí gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Từ một thanh niên yêu nước, tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tích cực rèn luyện đạo đức cách mạng ham học hỏi, nắm vững Đường Kách Mệnh giải phóng dân tộc, đồng chí đã trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất

Tháng 7/1929, đồng chí được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.

Đồng chí vừa vận động thành lập Đảng, vừa tiếp tục gắn mình vào phong trào "vô sản hóa" ở Sài Gòn để tuyên truyền giác ngộ cho công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương cộng sản Đảng Nam Kỳ, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ, từng bước có sự biến đổi từ mục tiêu kinh tế sang mục tiêu chính trị, lực lượng công nhân dần dần trở thành lực lượng chính trị to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc.

Là Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ, đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức chính trị, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hướng dẫn cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng.

Tối ngày 31/5/1930, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn, bị khép vào bản án tử hình, 3 bản án khổ sai chung thân và đầy ra Côn Đảo, bị coi là "tù chính trị hạng đặc biệt nguy hiểm". Tuy nhiên, trước mọi cực hình tra tấn, đầy ải dã man của kẻ thủ, đồng chí vẫn kiên cường chiến đấu, giữ vững khí tiết người cộng sản.

Đồng chí Ngô Gia Tự hy sinh trong một chuyến vượt biển về đất liền hoạt động, giúp Đảng khôi phục phong trào cách mạng cùng 7 chiến sĩ cộng sản khác. Khi ấy, đồng chí mới 26 tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập".

Theo Cổng TTĐT Chính phủ   

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất