Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 10 tháng 12 năm 1948, tại Pa-ri (Pháp) Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”(1). Mặc dù các quốc gia dân tộc vẫn còn sự khác biệt, mâu thuẫn về hệ tư tưởng, lợi ích chính trị, song cùng với Hiến chương Liên hợp quốc, văn kiện này đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế. Từ đây, một cơ chế quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề bất đồng giữa các quốc gia dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền dân tộc tự quyết và quyền con người đã hình thành.
Tuyên ngôn, ngoài lời nói đầu bao gồm 30 điều, đã đề cập tới hầu hết các vấn đề của đời sống con người. Có thể nói, Tuyên ngôn không chỉ chọn lọc kế thừa những tư tưởng tiến bộ của nhân loại mà còn đề cập tới những vấn đề mang tính thách thức đối với các hệ thống xã hội vào thời điểm đó, chẳng hạn như quyền không bị kỳ thị, phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo; quyền tự do hội họp, lập hội; quyền được tham gia vào việc quản lý đất nước… là những nhu cầu bức thiết của đại bộ phận dân chúng vẫn chưa được đáp ứng ngay cả ở những nước tư bản phát triển nhất. Các quyền về kinh tế, xã hội về văn hóa như quyền làm việc, bao gồm quyền được bảo vệ, chống lại thất nghiệp; quyền được giáo dục… được xem là những ưu thế của hệ thống XHCN… sau nhiều cuộc tranh luận, rút cuộc đã được đưa vào Tuyên ngôn(2).
Ngày nay, đi ngược lại thời gian, từ khi bản Tuyên ngôn ra đời đến nay, người ta không thể phủ nhận được những giá trị lớn lao của văn kiện này.
Về mặt chính trị, Tuyên ngôn là một trong ba cột trụ của Liên hợp quốc(3) là điểm đồng cơ bản giữa các quốc gia dân tộc, là sự khẳng định đạo lý, là con đường phát triển chung của nền văn minh nhân loại. Nói như vậy không có nghĩa Tuyên ngôn đã san bằng, đã hòa tan những khác biệt về chính trị, tư tưởng và văn hóa giữa các quốc gia dân tộc, mà chỉ nói lên rằng, văn kiện này nhờ sự khéo léo trong biên soạn, sự mềm dẻo trong quá trình thông qua đã tạo ra khả năng dung nạp, những sự khác biệt nào đó bởi hệ tư tưởng và chế độ xã hội để đi đến những “mẫu số chung” mà đại diện quốc gia đều có thể chấp nhận được.
Về mặt pháp lý, tuy Tuyên ngôn tuy không phải là một văn kiện có tính ràng buộc đối với các quốc gia, như các công ước song Văn kiện này, đã mang tính pháp lý cao hơn bất cứ một Tuyên ngôn, tuyên bố nào, bởi nó được thông qua bởi một nghị quyết của Đại hội đồng (Nghị quyết 217 (III)). Tuyên ngôn, cho đến nay vẫn được xem là một khuôn khổ pháp lý, một tập quán quốc tế hoặc luật tục trên lĩnh vực quyền con người.
Dựa trên Tuyên ngôn, nhiều Công ước cơ bản và chuyên biệt đã được xây dựng và thông qua. Giá trị quan trọng nhất của Tuyên ngôn đó là ở chỗ văn kiện này đã tạo thành cơ sở chính trị, pháp lý cho cơ chế giám sát quốc tế về QCN (bao gồm các điều ước và hệ thống các cơ quan nhân quyền thuộc Liên hợp quốc).
Các mạng Việt Nam với quyền con người
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam - Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhìn từ lăng kính QCN, cũng có thể nói, Cách mạng tháng Tám đã mở ra thời đại quyền dân tộc tự quyền gắn liền với quyền công dân và QCN được xác lập trên đất nước ta.
Lập luận về đạo lý của cuộc cách mạng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa …“(4). Từ mùa thu năm 1940 nhân dân ta phải chia hai tầng xiềng xích. “Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay … hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói“(5). Lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn trùng hợp với triết lý của Tuyên ngôn thế giới về QCN. Trong lời nói đầu văn kiện này viết: “Quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền, nếu con người không bị bắt buộc phải nổi dậy chống lại sự độc tài và áp bức như một phương sách cuối cùng“(6).
Khác với nhiều cuộc cách mạng khác, cuộc Cách mạng Tháng Tám của nhân dân ta không chỉ đem lại các quyền và tự do cho một bộ phận dân cư, cuộc cách mạng này đã đem lại QCN cho tất cả mọi người, không phân biệt họ thuộc giai tầng, đẳng cấp nào, là người lao động hay người trí thức. Cách mạng không chỉ trực tiếp mang lại các quyền và lợi ích chính trị, kinh tế cho nhân dân lao động mà còn đem lại tự do, nhân phẩm và những giá trị văn hóa tinh thần cho các dân tộc Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc kéo dài hơn 30 năm (1945 đến 1975), quy luật của chiến tranh buộc chúng ta phải hy sinh một phần nào đó trên lĩnh vực QCN để tập trung sức lực vào mục tiêu đánh bại quân xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Tuy vậy không có bất kỳ một thời kỳ nào Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chăm lo tới sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nhà nước do nhân dân làm chủ. Hiếm có một quốc gia nào, ngay sau khi giành được độc lập, đã lập tức tiến hành tổng tuyển cử, bầu quốc hội, xây dựng và thông qua Hiến pháp, trong đó các quyền và tự do cơ bản của công dân - bộ phận quan trọng nhất của QCN được trân trọng ghi nhận, tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài cũng được bảo vệ.
Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến thập niên 90 của thế kỷ XX, tuy thuật ngữ QCN không được sử dụng trong các văn kiện Nhà nước ta, song nội hàm của khái niệm này đã tồn tại trong khái niệm quyền Công dân được quy định trong Hiến pháp và luật(7). Trong chiến tranh, sự tổn thất về xương máu là khó tránh khỏi, song Đảng và Nhà nước ta kế thừa truyền thống “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô Đại Cáo) đã sớm thực hiện chính sách nhân đạo, phù hợp với những bước phát triển mới của nền văn minh nhân loại. Năm 1957 ngay từ khi chưa phải là thành viên của Liên hợp quốc, Nhà nước ta đã gia nhập bốn Công ước Giơ-ne-vơ, năm 1949 về “Bảo vệ thường dân trong chiến tranh” về “Đối xử với tù binh trong chiến tranh”(8).
Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là thời kỳ Đảng ta sửa chữa sai lầm, nhận thức lại, đồng thời phát triển lý luận về CNXH và con đường đi tới xã hội XHCN. Con đường đó có thể và cần phải kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó có kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và QCN. Bản lĩnh của Đảng ta là ở chỗ, Đảng đã sớm đề ra các nguyên tắc của đổi mới. Đổi mới phải dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin, phải giữ vững định hướng XHCN, phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân.
Trên lĩnh vực QCN, lần đầu tiên khái niệm QCN được đưa vào Cương lĩnh (1991) của Đảng và Hiến pháp (1992) của Nhà nước. Ngay sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Nhà nước ta đã nhanh chóng ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế quan trọng về QCN trong đó có hai công ước bao quát đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người - Công ước quốc tế về các quyền dân sự, Chính trị 1966, Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, 1966, đồng thời đã luật hóa các công ước đó vào hệ thống pháp luật quốc gia.
Theo thống kê, từ 1986 đến nay, Quốc hội đã thông qua 58 luật, 43 pháp lệnh, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các QCN như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Những năm gần đây, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống HIV/ AIDS, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Có thể nói, những quy định của pháp luật Việt Nam ngày nay đã bao quát đầy đủ và tương thích với luật quốc tế về quyền con người, từ các quyền dân sự, chính trị đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Năm 1998, Đảng ta đã ra Chỉ thị về “Quy chế dân chủ ở cơ sở” mà nội dung cơ bản là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các quyền tham gia quản lý của nhân dân đã được thể chế hóa, cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ.
Công tác bầu cử, ứng cử đã được đổi mới theo hướng mở rộng sự lựa chọn cho các cử tri; Tổ chức và sinh hoạt Quốc hội có những cải tiến theo hướng bảo đảm cho cơ quan này hoạt động hiệu quả, có thực quyền và thật sự là cơ quan quyền lực, đại diện của nhân dân.
Hội nghị Trung ương III, Khóa X đã chủ trương xem xét sửa đổi các danh mục bí mật Nhà nước nhằm mở rộng công khai, nghiên cứu ban hành luật về bảo đảm quyền được thông tin của công dân… Chủ trương này được xem là giải pháp quan trọng chống tham nhũng. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm, dựa trên quan điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH”(9). Quyền tự do ngôn luận, báo chí được tôn trọng. Luật Báo chí quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí...”, báo chí “không bị kiểm duyệt”.
Quyền của các dân tộc thiểu số mặc dù còn có nhiều hạn chế do điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử để lại, nay đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng về kỹ thuật và xã hội. Chính sách “cử tuyển” và xây dựng “trường dân tộc nội trú” cho con em đồng bào các dân tộc được xem là một chính sách “bất bình đẳng tích cực” nhằm rút ngắn khoảng cách về phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh.
Có lẽ thành tựu nổi bật nhất về QCN trong thời kỳ đổi mới là việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Quyền làm việc và tự do kinh doanh được bảo đảm nhờ nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên nhanh từ dưới 200 USD (vào cuối những năm 70) lên 640 USD, năm 2006. Nếu tính theo sức mua thì khoảng trên 1.200 USD. Hệ thống giáo dục và y tế, sau một thời gian xuống cấp nay đã được khôi phục và phát triển. Hiện nay 100% các tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập tiểu học. Những lệch lạc, khiếm khuyết trong lĩnh vực đã và đang được điều chỉnh, sửa chữa.
Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và chăm sóc sức khỏe ban đầu đã đạt được những thành tích rất “ấn tượng”. Có tới 94,6% các cháu nhỏ được sử dụng thuốc dự phòng; 6 bệnh: lao, sởi, ho gà bạch cầu, uốn ván, bại liệt ở trẻ em đã được loại trừ về cơ bản…
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2005 là 0,709 xếp thứ 109/177 quốc gia(10). Theo chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) chỉ số HDI của Việt Nam có hai điểm tích cực đó là xếp thứ hạng hàng năm tăng liên tục, và chỉ số HDI nhìn chung xếp cao hơn chỉ số phát triển kinh tế.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực QCN, song chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là tình trạng quan liêu, tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của người dân chưa bị đẩy lùi. Quyền bình đẳng và mục tiêu công bằng trên lĩnh vực kinh tế đang xuất hiện những vấn đề mới, đó là sự phân hóa giàu - nghèo, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ nông dân bị lấy lại ruộng đất cho triển khai các dự án, không có việc làm. Đó là tình trạng trẻ em bỏ học, suy dinh dưỡng tỉ lệ cao. Đó là quyền được sử dụng hàng hóa, thực phẩm an toàn đang thiếu cơ chế giám sát của các cơ quan nhà nước. Giá cả hàng hóa, dịch vụ mang tính xã hội như điện, nước, xăng dầu, giao thông vận tải… trong tay các công ty đang có nguy cơ tuột khỏi quyền quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Đó còn là vấn đề bản quyền tác giả và tình trạng lệch lạc trong sáng tác cũng như hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật...
Tuy vẫn còn rất nhiều thách thức và bất cập trong việc bảo đảm QCN song có thể nói nhân dân ta đã có cơ sở để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của mình. Đó là môi trường chính trị, đạo đức và pháp lý quốc gia đã được tạo dựng một cách vững chắc. Ngày nay các cơ quan, tổ chức các cán bộ công chức không chỉ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức mà còn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trong công tác liên quan đến QCN của người dân. Tương tự như vậy, ngày nay, tất cả mọi người dân đều có thể bảo vệ quyền của mình dựa trên pháp luật với một hệ thống các cơ quan tư pháp và sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị.
Quyền con người là giá trị xuyên suốt các chế độ xã hội, là thước đo của sự tiến bộ và trình độ văn minh của mỗi dân tộc. Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là xã hội hướng đến bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân, là xã hội có nhiều điều kiện nhất để bảo đảm các QCN của nhân dân ta./.
TS. Cao Đức Thái
Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu quyền con người
—————
(1), (6), (8) Trung tâm nghiên cứu quyền con người “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người” Universal Declaration of Human rights H.7 - 2002, tr.28, 2, 650.
(2) Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.
(3) Ba cột trụ của Hiến chương Liên hợp quốc là: Hoà bình, Nhân quyền và phát triển.
(4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb ST, H, 1984, tr.1, 2
(7) Hiến pháp nước CHXNCN Việt Nam, Điều 50.
(9) Văn kiện Hội nghị Trung ương VII, khoá IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr.48
(10) UNDP: “Báo cáo phát triển con người” 2007/2008.