Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 14/12/2008 14:34'(GMT+7)

Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa (Phần cuối)

Ngày 7/11/2006, cờ Việt Nam đã tung bay chung cùng cờ của 149 nước thành viên WTO

Ngày 7/11/2006, cờ Việt Nam đã tung bay chung cùng cờ của 149 nước thành viên WTO

>>Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa (Phần 1)

>>Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa (Phần 2)

>>Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa (Phần 3)

>>Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa (Phần 4)

V. Chớ ảo tưởng vào chủ nghĩa xã hội dân chủ, vào “con đường thứ ba”.

Giữa lúc tình hình thế giới còn rối ren, lộn xộn, lịch sử chưa định hình, những xáo động về tư tưởng là khó tránh khỏi. Những kẻ cơ hội tuyên bố xã hội đương đại có 3, 7 đường, thậm chí hàng trăm con đường chứ không chỉ có một. Có những kẻ giao động nghiêm trọng về lý tưởng cách mạng mà họ vẫn tôn thờ, họ quay sang con đường xã hội dân chủ, hay "con đường thứ ba".

Tình cờ đến tay tôi một tài liệu có vẻ có "giá trị tổng kết" so với không ít tài liệu thuộc loại này mà tôi đã được đọc từ sách báo thế giới. Tài liệu này chắc đã được chuyền tay đến nhiều người. Tác giả tài liệu là Tạ Thao, do Tam Dương dịch (đăng trên tạp chí Viêm hoàng Xuân thu số 2 năm 2007). Tác giả Tạ Thao cho biết ông cũng dựa nhiều ý tưởng vào cuốn sách Lời kết thúc của Tân Tử Lăng. Sau đây xin trích dẫn nguyên văn một số đoạn trong tài liệu ấy: - Tạ Thao "tổng kết" : "Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, chủ nghĩa đế quốc suy thoái, trên thế giới còn lại ba loại chế độ xã hội triển khai cạnh tranh hoà bình. Loại thứ nhất là chủ nghĩa tư bản do Mỹ làm đại biểu, loại thứ hai là chế độ cộng sản do Liên Xô làm đại biểu, loại thứ ba là chủ nghĩa xã hội dân chủ do Thuỵ Điển làm đại biểu. Kết quả cạnh tranh là chủ nghĩa xã hội dân chủ thắng lợi, vừa diễn biến chủ nghĩa tư bản, vừa diễn biến chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội dân chủ đang thay đổi thế giới". Tạ Thao cho biết: Trong cuốn sách Lời kết thúc của mình, Tân Tử Lăng đã trình bày một cách sinh động và sâu xa quá trình phát triển lịch sử này.

- Theo Tạ Thao, "thành tựu vĩ đại nhất của chủ nghĩa xã hội dân chủ tại những nước tư bản già cũ, thông qua phát triển sức sản xuất và điều tiết phân phối, về cơ bản tiêu diệt được chênh lệch thành thị và nông thôn, chênh lệch công nông, chênh lệch giữa lao động chân tay và lao động trí óc, tạo nên chủ nghĩa xã hội dân chủ huy hoàng. Thành tựu này làm cho mô hình chủ nghĩa xã hội bạo lực của Liên Xô trở nên âm u, mờ nhạt. Đó là nguyên nhân cơ bản thúc đẩy Liên Xô và các nước Đông Âu diễn biến hoà bình. Những người Đảng xã hội dân chủ dùng biện pháp đoàn kết giai cấp tư sản, phát triển sức sản xuất tiên tiến, thực hiện cùng giàu, chênh lệch ngày càng rút ngắn..."

- "Kết quả gần đây cho thấy có 61 nghị sĩ hai viện thượng, hạ Mỹ (toàn là người Đảng Dân chủ) là hội viên của "chủ nghĩa xã hội dân chủ Mỹ". Quan niệm kinh tế của Đảng Dân chủ Mỹ bắt rễ từ tư tưởng kinh tế của Mác và Keynes, chủ trương Chính phủ hướng dẫn kinh tế thị trường, quốc hữu hoá ở mức độ thích hợp, thực hiện bảo hiểm y tế toàn cầu, Chính phủ làm trường học, miễn thu thuế người nghèo, nâng cao phúc lợi, nâng cao mức lương tối thiểu, quan tâm nhiều hơn đến nhóm những người dễ bị tổn thương. Đảng Cộng hoà lên cầm quyền cũng không thay đổi chính sách xã hội của Đảng Dân chủ Mỹ. Chủ nghĩa xã hội dân chủ đã "đỏ hoá" nước Mỹ".
                                                                      *
                                                                    *  *

Như mọi người đều biết, trên thế giới chủ nghĩa xã hội dân chủ đã có rất nhiều sách báo khác nhau nói đến. Về Đảng xã hội dân chủ thì hết sức đa dạng, trong đó Tạ Thao và Tân Tử Lăng giỏi lắm chỉ đại biểu cho một phái Dân chủ xã hội nào đó. Về "con đường thứ ba" cũng có rất nhiều ngả khác nhau. Nội dung tài liệu Tạ Thao cơ bản là xuyên tạc lịch sử, ca tụng chủ nghĩa tư bản và đế quốc Mỹ, chống chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội khoa học. Trên đây tôi trích nguyên văn một số đoạn mà không phân tích, bình luận gì vì thiết tưởng mấy câu trích, đoạn trích đó tự nó đã bóc trần thực chất quan điểm xấu của Tạ Thao. Tôi chỉ đặc biệt lưu ý một điểm: Tạ Thao đã cố tình xuyên tạc, bóp méo Mác, Ăngghen và chủ nghĩa Mác, biến chủ nghĩa Mác thành chủ nghĩa xã hội dân chủ một cách cực kỳ xảo trá và trắng trợn, nhưng hiểu biết thì rất tồi. Ông ta viết :

"Sau khi Mác, Ăngghen tổng kết bài học kinh nghiệm của cách mạng, thừa nhận sai lầm năm 1848 (13), bảo lưu phương thức sản xuất tư bản, tiến vào chủ nghĩa xã hội một cách hoà bình, đó mới là thành quả tối cao của Tư bản luận, mới là chủ đề của chủ nghĩa Mác, mới là chính thống của chủ nghĩa Mác. Những điều chính thống này gọi là chủ nghĩa xã hội dân chủ” (!?).

Tôi nghĩ những độc giả quan tâm sâu vấn đề chắc sẽ đọc kỹ Ăngghen trong "Lời nói đầu tác phẩm của Mác". Đấu tranh giai cấp ở Pháp và trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Figaro của Ăngghen (xem Mác và Ăngghen, toàn tập, tập 22, trang 752 và trang 803) từ đó có thể vạch trần Tạ Thao đã đổi trắng thay đen, xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ Mác, Ăngghen và chủ nghĩa Mác như thế nào.

Trong cuốn Đường Cách mệnh năm 1927, Bác Hồ đặt vấn đề: "Cách mệnh trước hết phải có cái gì? - Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy - Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt., trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ Nam.

Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin".

Đó là hệ tư tưởng và con đường cách mạng trước sau như một của Đảng ta và nhân dân ta - con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là tư tưởng cơ bản xuyên suốt Cương lĩnh của Đảng năm 1930, Cương lĩnh năm 1991, là đường hướng cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta hiện nay, không gì lay chuyển nổi. Giai đoạn hiện nay người cộng sản Việt Nam phải rất kiên định và sáng tạo hơn bao giờ hết trên đường hướng đó./.

  ( Hết)

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, tr.3

(2) Trích cuốn "Xã hội chủ nghĩa"- Phan Bội Châu toàn tập, t.4, tr.132, Nxb Thuận Hoá,1990.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.9, tr.314 và t.10, tr.128

(4) Lênin, Toàn tập tiếng Việt, Nxb TB, M, 1976, t.34, tr.152-153

(5) Sđd, t.36, tr.235

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.9, tr.314

(7), (8) C.Mác-Ăngghen, Toàn tập, t.25, phần I, tr.667, 673

(9), (10) Xem Thông tin tư liệu số 7-2000

(11) Lênin, Toàn tập, t.43, tr.276

(12) Lênin, Toàn tập, t.44, tr.189

(13) Sai lầm dùng phương pháp đấu tranh vũ trang trong cách mạng Pháp tháng 2 năm 1848

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất