Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, với nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, cùng với sự ổn định an ninh chính trị, việc cải cách luật pháp và tư pháp được chú trọng, hệ thống luật pháp của Việt Nam không ngừng được bổ sung và hoàn thiện theo hướng nhà nước pháp quyền nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân, và nhờ đó Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các cam kết và trách nhiệm quốc tế về quyền con người.
“Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua và tuyên bố theo Nghị Quyết số 217A(III) ngày 10/12/1948. 60 năm qua, Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự hấp dẫn. Bản Tuyên ngôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo lập hệ thống các nguyên tắc, quy phạm và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.” |
Việt Nam đi tiên phong trong việc phê chuẩn các Công ước Nhân quyền quốc tế
Việt Nam cam kết tôn trọng, thúc đẩy, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Ngay sau khi giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam ra đời năm 1945, một năm sau đó, Hiến pháp năm 1946 được ban hành đã thiết lập và bảo đảm cho công dân thực hiện và hưởng thụ các quyền và tự do dân chủ. Các bản Hiến pháp tiếp theo (Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992), quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam được phát triển, mở rộng về nội dung, số lượng và cơ chế bảo đảm tính hiện thực của các quyền cũng ngày càng được hoàn thiện.
Điều đặc biệt là, Nhà nước Việt Nam không chỉ tuyên bố, thừa nhận nhân quyền về mặt pháp lý quốc gia mà còn cả trên lĩnh vực cam kết và hành động nhân đạo quốc tế, ngay khi còn đang trong giai đoạn chịu sự can thiệp, xâm lược của đế quốc Mỹ, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, Nhà nước ta đã gia nhập 4 công ước nhân đạo quốc tế.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (năm1975), trở thành thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977), kể từ đó, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người và tích cực đóng góp vào các hoạt động bảo vệ nhân quyền quốc tế. Vào các năm 1981, 1982, 1983 (giai đoạn nước ta bắt đầu thực hiện Hiến pháp năm1980), Việt Nam đã gia nhập một loạt các điều ước quốc tế về nhân quyền: Công ước quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị tội ác A-pác -thai; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội phạm chiến tranh và tội phạm chống lại nhân loại. Việt Nam đã tham gia ký và phê chuẩn công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989.
Trong các năm 1994, 1996, nước ta tiếp tục gia nhập một loạt các công ước quốc tế khác về quyền trẻ em hoặc liên quan đến quyền của trẻ em do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông thông qua. Năm 2000, Việt Nam đã gia nhập Công ước 182 (Công ước nghiên cứu và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất), đưa tổng số công ước của ILO thông qua được Việt Nam phê chuẩn hay gia nhập lên 15 công ước. Tháng 12/2001, Việt Nam đã phê chuẩn hai Nghị định thư bổ sung Công ước quốc tế về quyền trẻ em (Nghị định thư không bắt buộc về việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em). Tháng 10/2007, Việt Nam ký công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền của Người Khuyết tật năm 2006. Hiện nay, nước ta đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu để chuẩn bị tham gia một số điều ước quốc tế quan trọng khác.
Không kể tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền hoặc liên quan đến quyền con người do các tổ chức quốc tế khác thông qua, đến nay, Việt Nam đã ký, phê chuẩn hoặc gia nhập 9 công ước và 2 nghị định thư bổ sung công ước trong tổng số gần 20 công ước và nghị định thư bổ sung công ước về nhân quyền do LHQ ban hành. Với số lượng như vậy, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế chính về nhân quyền do LHQ ban hành. Số lượng này là khá so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam ý thức sâu sắc đó là sự cam kết chính trị- pháp lý của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ nhân quyền trước cộng đồng thế giới. Chính vì vậy, sự nghiệp đổi mới ngày nay, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đặt con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế, xã hội, trong đó, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được xem là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng
Cùng với việc tham gia tích cực các điều ước quốc tế về nhân đạo, nhân quyền, Nhà nước ta đã không ngừng thể chế hóa các chuẩn mực quốc tế vào pháp luật trong nước. Điều 50, Hiến pháp năm1992 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người.
Hoạt động lập pháp từ năm 1987 đến nay, đặc biệt sau Hiến pháp năm 1992 được thông qua, tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là vì con người, đề cao các giá trị của quyền con người được coi là nhân tố tạo dựng xã hội dân chủ và tiến bộ. Các văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII và IX của Đảng dù cách thức thể hiện khác nhau nhưng đều nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người, hoạt động lập pháp “ ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân”. Nhà nước đã không ngừng bổ sung và sửa đổi pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới nhằm đáp ứng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế và những thay đổi to lớn của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Từ năm 1992 đến nay, không kể các văn bản do Chính phủ và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền ban hành, Quốc hội đã thông qua 183 văn bản luật, trong đó có khoảng 48 văn bản có liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền và tự do cơ bản của công dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 125 pháp lệnh, trong đó có khoảng 39 văn bản liên quan trực tiếp đến bảo vệ quyền và tự do cơ bản của công dân. Các văn bản luật và dưới luật được xây dựng với tốc độ khẩn trương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn quản lý xã hội, quản lý Nhà nước bằng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế.
Bên cạnh việc thể chế hóa các quy định nhân quyền quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia, bảo đảm sự hài hòa giữa các quy định của hai hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế, các hoạt động khác nhằm thực thi các quy định nhân quyền quốc tế cũng được nước ta thực hiện rất tích cực và đa dạng. Các công ước quốc tế về nhân quyền mà Nhà nước ta đã phê chuẩn hay gia nhập được dịch sang tiếng Việt và công bố trên nhiều sách báo, phương tiện thông tin đại chúng. Một số công ước còn được dịch sang tiếng dân tộc thiểu số và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông như Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989; Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế được tổ chức đạt kết quả tốt, các khóa tập huấn, giáo dục và đào tạo về nhân quyền cho nhiều đối tượng khác nhau được triển khai bước đầu đã nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội trong việc bảo vệ, thúc đẩy đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền.
Hệ thống pháp luật Việt Nam thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân
Năm 1998, Đảng ta đã ra chỉ thị về “Quy chế dân chủ ở cơ sở” với nội dung cơ bản là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các quyền tham gia quản lý của nhân dân đã được thể chế hóa, cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ. Công tác bầu cử, ứng cử đã được đổi mới theo hướng mở rộng sự lựa chọn cho các cử tri. Tổ chức và sinh hoạt Quốc hội có những cải tiến theo hướng đảm bảo cho cơ quan này hoạt động hiệu quả, có thực quyền, thật sự là cơ quan quyền lực, đại diện của nhân dân. Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã chủ trương xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật Nhà nước nhằm mở rộng công khai, nghiên cứu ban hành về luật về bảo đảm quyền được thông tin của công dân.
Chủ trương này được xem là giải pháp quan trọng chống tham nhũng. Ở nước ta, quyền tự do ngôn luận, báo chí được tôn trọng, Luật Báo chí quy định “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được bảo đảm. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành năm 2004 là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương, đường lối chính sách về tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo ra cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực tôn giáo.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến cuối năm 2008, cả nước có trên 20 triệu tín đồ, chiếm 25% dân số cả nước, 25.000 cơ sở thờ tự; 42 trường đào tạo chức sắc tôn giáo (trong đó Phật giáo có 35 trường, Công giáo có 6 đại chủng viện, Tin lành có một Viện Thánh kinh Thần học của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Đạo Cao đài và Phật giáo Hòa hảo tổ chức các lớp học giáo lý hạnh đường tại các cơ sở thờ tự. |
Hiện nay, cả nước có 12 tôn giáo, 30 tổ chức tôn giáo (trong đó, có 21 tổ chức tôn giáo đã được công nhận, 9 tổ chức đã được cấp đăng ký hoạt động tiến tới công nhận về chức). Một số tổ chức tôn giáo mới được cấp đăng ký hoạt động như: đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam; đạo Baha’i; Bửu Sơn Kỳ Hương, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Tổng hội Tin lành Báptít Việt Nam (Ân điển – Nam phương); Hội thánh Báptít Việt Nam (Nam phương), Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc, Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam...Đời sống tâm linh tôn giáo phong phú ở khắp các vùng miền trên cả nước.
Đến giữa năm 2008, Chương trình 134 đã giải quyết về nhà ở cho 340.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo và hỗ trợ đất cho 62.310 hộ. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm nhanh qua các năm, bình quân giảm nghèo khoảng 3-5%/năm, góp phần kiềm chế dần tốc độ phân hóa giầu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân tộc. 1.814 xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô đến trung tâm xã (chiếm 98,5%). Mạng lưới điện quốc gia về các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư phát triển nhanh chóng, 100% huyện và 95% xã đã có điện.100% xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học, nhà mẫu giáo và các lớp bán trú dân nuôi, 90% xã đặc biệt khó khăn có trường trung học cơ sở kiên cố cấp 4 trở lên, các trường đều được tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện bảo đảm chất lượng dạy và học. 100% huyện có trường trung học phổ thông. Hệ thống trường dân tộc nội trú được mở rộng đến 49 tỉnh với 280 trường, trên 85.000 học sinh người dân tộc thiểu số theo học. |
Quyền của các dân tộc thiểu số đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng về kỹ thuật và xã hội. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về “công tác dân tộc” với các Chương trình 134, 135 (giai đoạn I và II), tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có những bước chuyển quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện rõ rệt. Xuất hiện nhiều hộ giàu, khoảng cách giàu- nghèo ngày càng thu hẹp. Số hộ thiếu đói ngày càng giảm.
Chính sách cử tuyển và xây dựng trường dân tộc nội trú cho con em đồng bào các dân tộc góp phần rút ngắn khoảng cách về phát triển giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh. 100% huyện có trung tâm y tế và bác sỹ, cán bộ y tế. Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có trạm y tế và y sỹ, đa số các thôn đã có cán bộ y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.....
Có thể khẳng định rằng thành tựu bảo vệ, đấu tranh nhân quyền đã đạt được ở nước ta đến nay là rất to lớn và cơ bản. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho việc thúc đẩy, bảo vệ và phát triển quyền con người, quyền công dân. Chính những nỗ lực phấn đấu và thành quả thực hiện trên lĩnh vực nhân quyền ở nước ta trong suốt thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao với việc Việt Nam được bầu làm thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2001-2003 và hiện nay đang là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hùng Mạnh