Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 22/12/2009 14:57'(GMT+7)

Miền Bắc chủ động phòng chống hạn cho cây trồng

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, lượng mưa chỉ bằng từ 70 - 90% mức trung bình nhiều năm. Mực nước các hồ đập đều ở mức thấp, một số hồ chứa nhỏ đã ở mực nước chết. Trước thực trạng này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch cung cấp nước tưới cụ thể cho vụ đông xuân 2009 - 2010, chủ động nước tưới cho hơn 26.350 ha cây trồng các loại.

Do đặc thù và tính mùa vụ của Lạng Sơn và một số tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian sản xuất vụ đông xuân muộn hơn các tỉnh đồng bằng bắc bộ khoảng 1 tháng, nên hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung rà soát diện tích sản xuất vụ đông xuân có khả năng bị khô hạn để chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn, như: ngô, thạch đen, khoai tây...

Tỉnh Bắc Kạn đã cơ bản xác lập được bản đồ cấp nước cho vụ đông xuân năm nay. Tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực cần thiết để phục vụ công tác chống hạn. Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có hơn 7.300 ha cây trồng, trong đó khoảng 900 ha có khả năng bị khô hạn. Ngành Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn chủ động lập Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp với chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống, phân bón tương đương 1 triệu đồng/ha để bà con chuyển đổi cây trồng.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, cho biết Sở đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống hạn, giao cho Chi Cục thủy lợi và Phòng chống  lụt bão rà soát  lại toàn bộ hệ thống kênh mương, hệ thống tưới tiêu và  khả năng nguồn nước của tỉnh và hiện nay đã lên được bản đồ về nước cho mùa khô. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn cũng Yêu cầu tất cả các địa phương chuẩn bị vật tư, vật lực cần thiết để  phục vụ công tác phòng chống hạn, như: hệ thống máy bơm, tu sửa, sửa chữa hệ thống kênh mương và dự trữ các nguồn nước để phục vụ chống hạn… Những hộ nào chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì được hỗ trợ 1 triệu  đồng/ha.

** Trước tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc chống hạn tại các địa phương. Hiện, mực nước tại các hồ chứa của tỉnh chỉ đạt khoảng 70% thiết kế. Diện tích có khả năng khô hạn của tỉnh là hơn 5.200 ha, trong đó, các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Phú Ninh bị thiếu nước nghiêm trọng.

Để đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân năm nay, ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết các huyện thị trong tỉnh đang rà soát lại tổng số máy bơm và các vật tư, đường ống, điện nhằm đảm bảo sẵn sàng khi nước hồ Hòa Bình, Thác Bà, Na Hang xả thì lấy được lượng nước nhiều nhất, lớn nhất đưa vào đồng. Các hệ thống kênh mương cũng được nạo vét, tu sửa đồng thời sử dụng hệ thống gầu guồng, các hệ thống bơm dầu và trạm bơm dã chiến để phục vụ cho những nơi khó khăn để đảm bảo diện tích canh tác là 36.300 ha.

** Ngày 21/12, tại buổi làm việc với Công ty Thủy lợi sông Nhuệ, ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị này cần tăng cường các trạm bơm dã chiến để chống hạn, phục vụ tốt sản xuất vụ đông xuân năm 2009 - 2010.

Cụ thể, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ căn cứ vào lịch xả nước của hồ Hòa Bình, kịp thời đưa nước vào nội đồng. Công ty lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại cống Liên Mạc, huyện Từ Liêm và Hồng Vân, huyện Thường Tín. Tuy nhiên, việc lắp đặt các trạm bơm này cần theo phương án phù hợp để tránh ảnh hưởng đến việc lấy nước các trạm bơm chính. Trước mắt, Công ty Thủy lợi sông Đáy tập trung lắp đặt trạm bơm dã chiến Bá Giang để tiếp nước cho sông Nhuệ, bởi hiện tại sông Nhuệ không còn dòng chảy mà chỉ là nơi chứa nước thải từ các làng nghề, dẫn đến nguồn nước tưới trong hệ thống sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng nước tưới.

Ông Trịnh Duy Hùng cũng yêu cầu các huyện: Phú Xuyên, Thường Tín và Ứng Hòa... sau khi thu hoạch cây trồng vụ đông, cần khẩn trương đưa nước vào nội đồng; đồng thời bám sát khung thời vụ, tránh tình trạng lấy nước lệch pha. Với những diện tích khô hạn, không thể cấy lúa, các địa phương cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân về giống, vốn.../.

Vũ Hải - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất