(TCTG) - Cho đến bây giờ, khi đã hơn 80 tuổi đời, thiếu tướng Phan Văn Xoàn vẫn còn nhớ như in những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc sống, con người bình dị, gần gũi mà rất đỗi thân thương của Bác. 10 năm làm cận vệ riêng của Người là những năm tháng không thể quên với ông. Nghẹn ngào, xúc động, ông kể với chúng tôi về những câu chuyện về tình cảm của vị cha già dân tộc với đồng bào miền Nam ruột thịt.
Ông kể lại: "Vào mùa xuân năm 1960, bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gọi tôi đến và nói tôi vào thay thế anh Phạm Lê Ninh (được cử đi học) lo việc trực tiếp bảo vệ Bác. Tôi bất ngờ quá, mấy đêm liền không ngủ được. Những ngày đầu, tôi không khỏi dè dặt khi tiếp xúc với Bác. Có lẽ biết được tâm trạng của tôi, Người gọi tôi đến và nói "Bác nhớ miền Nam lắm chú ạ, có chú ở đây, coi như ngày nào cũng thấy miền Nam, vậy là Bác vui lắm rồi". Và ngày nào cũng vậy, Bác luôn chủ động nói chuyện thân tình với tôi tựa như người cha với người con, Bác hỏi thăm quê quán, gia đình và tình hình đời sống đồng bào Cà Mau, Bạc Liêu. Tôi cũng bớt dè dặt hơn, mạnh dạn kể cho Bác nghe về quê hương Cà Mau của mình, tôi nói với Bác "Thưa Bác, dân quê con còn nghèo lắm, nhưng ráng lo đánh giặc cho mau thắng lợi để được rước Bác vào thăm". Bác thấy tôi nói vậy cũng rơm rớm, tôi càng thấu hiểu hơn tình cảm của Bác với đồng bào miền Nam"
Ông bồi hồi xúc động chia sẻ, không chỉ ông mà những đồng chí khác khi sống bên Bác đều cảm nhận được tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng về miền Nam ruột thịt. Ông nhớ một lần khi đồng chí Nguyễn Văn Hiếu và nhà thơ Thanh Hải trong đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm Bác, khi anh Hiếu dâng tặng Bác chiếc bình bằng vỏ đạn như món quà của đồng bào miền Nam, anh nói "Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ", Bác đã lặng đi hồi lâu và đưa tay áp lên ngực trái và giọng nói của Người như nghẹn lại "Quà tặng miền Nam, Bác chỉ có cái này". Lúc ấy, cả phòng như lặng đi rồi mọi người cùng nhau òa lên khóc nức nở.
Vào những dịp nghỉ lễ, một trong những điều đầu tiên Bác nghĩ đến là đi thăm các trường có con em miền Nam theo học. Bác bảo "Các cháu xa nhà, xa quê, mong người thân lắm, để Bác đến thăm cho cac cháu đỡ buồn". Ông Xoàn kể, một lần trên đường trở về nhà sau chuyến thăm Trung Quốc, Bác ghé lại Nam Ninh để thăm một trường học sinh miền Nam của ta gửi bên đất bạn. Trên đường đi, Bác căn dặn các đồng chí bảo vệ "Bác đến thăm trường, các cháu còn nhỏ, xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, các chú phải để các cháu hồn nhiên với Bác. Cấm các chú cản ngăn, xô đẩy các cháu đấy."Hôm ấy, hội trường của nhà trường kín không còn chỗ trống, khi Bác bắt nhịp các cháu hát "Kết đoàn", lũ trẻ biết Bác chuẩn bị ra về liền vây kín lại, xô đẩy chen lấn về phía Bác. Đứa nào đứa nấy cũng mong được đến gần Bác, có mấy đứa con gái nhỏ bị đẩy ra, nước mắt lưng tròng. Bỗng một đứa trẻ có khuôn mặt xinh xắn, nhễ nhại mồ hôi, cười thỏa mãn mà kêu lớn "Các bạn ơi, tớ sờ được vào đôi dép cao su của Bác rồi". Cái giọng mệt đừ nhưng đầy kiêu hãnh của đứa trẻ như cổ vũ thêm cho cả đám đông, mỗi đứa trẻ càng chen lấn hơn cố sờ vào một cái gì đó của Bác. Chúng tôi định can thiệp nhưng Bác ngăn lại "Các cháu đánh du kích Bác đó mà". Ai cũng hiểu ý Bác dùng hai từ "du kích" để nói về hình ảnh miền Nam. Hôm ấy, vất vả lắm, đội bảo vệ mới mời được Bác lên xe trước những nét mặt ngẩn ngơ, tiếc nuối của lũ trẻ.
Ông Xoàn say sưa kể với chúng tôi về nhiều, rất nhiều câu chuyện khác về Bác, mỗi câu chuyện lại mở ra những bài học lớn về ứng xử, về cách làm việc, về cách làm người đầy tớ trung thành của nhân dân sao cho dân hiểu, dân tin...
Với thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nhân cách của Bác, sự vĩ đại của Bác không chỉ là những cống hiến lớn lao mà Bác đã đem đến cho dân tộc, cho nhân dân và nhân loại, mà còn ở chỗ, Bác vĩ đại ngay cả trong những điều nhỏ nhất, bình thường nhất trong cuộc sống bình dị, đời thường.
Chia tay người cận vệ một thời của Bác, nghĩ về những câu chuyện, những kỷ niệm, những bài học mà ông chia sẻ trong những năm tháng bên Người, chúng tôi càng thấu hiểu vì sao cho đến bây giờ, ông Phan Văn Xoàn vẫn còn nhớ như in từng chi tiết, câu nói của Bác. Đơn giản chỉ vì Bác là Hồ Chí Minh. Cốt cách văn hóa của Người mãi tỏa sáng cho đến muôn đời sau. Và mỗi người dân miền Nam nói riêng, mỗi người dân Việt Nam nói chung mãi gìn giữ hình ảnh Bác ở nơi sâu thẳm nhất trong trái tim của mình./.
Hồng Minh