Vượt những rào cản về vật chất và tinh thần, từ sự mách bảo của trái tim, nhiều trí thức Việt kiều đã trở về thực hiện mong ước phục vụ cho quê hương. Thế nhưng, ngoài sự động viên, chúng ta còn rất nhiều chuyện phải làm để họ thật sự toàn tâm, toàn ý làm việc và cống hiến.
1. Du học tại Thụy Sĩ từ năm 1968 và năm 1983 sang định cư tại Mỹ, Giáo sư - tiến sĩ Võ Văn Tới từng kinh qua nhiều vị trí như Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu mắt ở Sion (Thụy Sĩ), giáo sư ngành kỹ thuật y sinh tại Trường ĐH Tufts (Mỹ) và giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Pennsylvania.
Ông cũng có nhiều sáng chế liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật y sinh như máy nhỏ thuốc tự động, ánh sáng chớp tắt, máy đo số lượng và vận tốc của bạch huyết cầu trong mắt được Mỹ, Thụy Sĩ cấp bằng sáng chế.
Đặc biệt, giáo sư Tới đã được ĐH Tufts trao giải “Giáo sư giỏi nhất” năm 2004, được Tổng thống Mỹ G.Bush bổ nhiệm vào thành viên Hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và đã trở thành giám đốc quỹ này vào năm 2007... Thế rồi đùng một cái, năm 2009 giáo sư làm mọi người ngỡ ngàng khi quyết định gạt bỏ mọi thứ từ gia đình, địa vị xã hội, nghề nghiệp để về với nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
“Khi đưa ra quyết định hồi hương, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của tôi đều bất ngờ. Thậm chí nhiều người phản đối. Nhưng đó là tiếng gọi của quê hương sau hơn 40 năm xa xứ” – giáo sư Tới thổ lộ. Cuộc trở về lần này đối với giáo sư Tới như một cuộc “thử lửa” và ông quyết tâm thực hiện bằng được những kế hoạch đã đặt ra để những trí thức trẻ thấy được lợi ích khi trở về.
Từ đó, giáo sư đã thành lập diễn đàn “All the ways home – Đường về tổ quốc” tạo cầu nối giữa lưu học sinh với các trường ĐH, tổ chức Việt Nam để cùng hiểu nhau, đồng thời giúp những lưu học sinh biết được những cơ hội đang rộng mở chờ đón họ tại quê nhà. Từ diễn đàn này, rất nhiều nghiên cứu sinh đã về Việt Nam làm việc.
Về Việt Nam, giáo sư Tới chọn Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) làm bến đỗ để thực hiện cuộc thử lửa “phát triển ngành kỹ thuật y sinh” để đào tạo ra những kỹ sư lâm sàng và phát triển chế tạo thiết bị y tế “made in Việt Nam”.
2. Rời Việt Nam sang Mỹ năm 1981 cùng với mẹ và em gái, từ những năm đầu tiên xa xứ, tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên (1966) đã mơ ước được quay về đất nước. Giấc mơ này, theo anh, phần nhiều Việt kiều xa quê hương đều ấp ủ. Nhưng sau 25 năm, đối với tiến sĩ Uyên nó cũng chỉ là một giấc mơ. Cho tới năm 2006, anh được mời tham gia khóa giảng dạy theo chương trình VEF.
Dịp này, anh được dự một hội thảo với sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong buổi hội thảo, khi anh cùng tất cả những thầy giáo tham gia đều khuyên các em sinh viên ra nước ngoài học và cố gắng lấy bằng tiến sĩ rồi trở về giúp đất nước, một sinh viên hỏi lại: “Tại sao các thầy không về để cống hiến xây dựng quê hương đất nước?”. “Một câu hỏi rất bình thường, nhưng không ai, kể cả tôi, trả lời được. Ngay giây phút đó, tôi quyết định phải trở về đất nước” - tiến sĩ Uyên nhớ lại.
Và rồi ước mơ sau 25 năm cũng thành hiện thực. Tháng 6-2008, sau một thời gian thu xếp công việc, gia đình, tiến sĩ Uyên đã đưa vợ con về TPHCM. Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ thay đổi điều kiện sống, môi trường làm việc, thu nhập nhưng tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn sinh viên Việt Nam nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế.
Và thành công bước đầu của tiến sĩ Uyên sau gần hai năm về nước là đã hoàn tất máy quan trắc môi trường tự động, có thể ứng dụng để giám sát những con sông bị ô nhiễm và nghiên cứu xây dựng trung tâm quản lý giao thông để giúp giảm bớt ùn tắc cho TPHCM, đồng thời xin học bổng cho 12 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ.
“Với một chút hy sinh cá nhân, chúng ta có thể giúp đỡ tạo cho thế hệ tương lai của đất nước một con đường rất tươi sáng” – tiến sĩ Uyên hy vọng.
3. Cùng về Việt Nam với tiến sĩ Uyên trong năm 2008, chàng thanh niên mang 3 quốc tịch Việt Nam, Pháp, Mỹ tên Lê Minh Trí (1972) sau khi lấy bằng thạc sĩ kinh doanh quốc tế tại Hoa Kỳ đã quyết định về Việt Nam với mục đích “định nghĩa lại chính mình”. Và rồi anh đã “bén duyên” cùng Trường ĐH Hoa Sen với môn tiếng Anh thương mại và makerting quốc tế.
Dù mang 3 quốc tịch nhưng với anh Trí, Việt Nam là nơi anh yêu quý nhất bởi theo anh, đơn giản Việt Nam là cội nguồn của dòng họ anh. Cũng vì lý do đơn giản này mà anh Trí đã quay lưng với công việc kinh doanh cho một tập đoàn lớn tại Mỹ, Singapore để về Việt Nam theo sự mách bảo của con tim.
Sự hòa hợp nhanh chóng với nhịp sống của quê hương đã giúp anh dễ dàng ổn định công việc đứng lớp hàng ngày để truyền đạt kiến thức cho các em sinh viên Việt Nam. Nhờ trải qua hai môi trường giáo dục tiên tiến của thế giới nên anh Trí hiểu được các bạn sinh viên Việt Nam đang cần phải tích lũy thêm những gì...
3 rào cản chính
Bà Nguyễn Thị Việt Thùy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết, trong vài năm gần đây, ở lĩnh vực giáo dục đại học, nhiều Việt kiều đã hồi hương với mong muốn góp sức trong công cuộc trồng người, xây dựng quê hương. Đây là một hành động rất đáng trân trọng. Thế nhưng dù rất đông trí thức mong muốn được về quê hương đóng góp một phần công sức nhưng thực tế hiện nay là quá ít, chưa qua con số 100 người.
Theo bà, có 3 nguyên nhân chính khiến cho việc thu hút chất xám Việt kiều chưa đạt được hiệu quả như mong muốn: đồng lương không cạnh tranh so với nước ngoài, điều kiện làm việc chưa tốt, môi trường làm việc chưa thay đổi. Và 3 yếu tố này làm giảm cơ hội thăng tiến nghề nghiệp của họ.
Nhiều chuyên gia Việt kiều cho biết họ không cần được trọng đãi nhưng phải được nhận thù lao theo cơ chế thị trường hoặc theo sự thỏa thuận căn cứ trên khối lượng, chất lượng và hiệu quả đóng góp. Thậm chí nhiều Việt kiều sẵn sàng trở về với tư thế “người ta sao thì mình vậy” để góp sức cho đất nước nhưng với một mong muốn họ cảm thấy được trọng dụng hơn trọng đãi.
Trong một nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, câu hỏi “Đâu là lý do chính đáng cản trở việc thu hút giới trí thức trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố?” được Sở KH-CN TPHCM gửi đến gần 300 trí thức khoa học và cho kết quả: đãi ngộ vật chất chưa tương xứng chiếm 71,6%; trang bị kỹ thuật còn nghèo nàn: 55,7%; hiệu quả sử dụng chất xám thấp: 49,5%.
Trong khi đó, quản lý công bằng, minh bạch, đãi ngộ cao, tự do sáng tạo là những yếu tố quan trọng nhất để thu hút trí thức tham gia lâu bền. |
(Theo: Thanh Hùng/SGGP)